Giới tỷ phú 2020: Niềm vui đại thắng giữa năm đại dịch của Elon Musk và Jeff Bezos
Trong khi top tỷ phú kiếm được nhiều tiền mùa dịch thì những kẻ thua cuộc trên bảng xếp hạng lại chẳng mất quá nhiều tiền.
- 22-12-2020Tỷ phú "cá mập" Mỹ: "Tôi thà mua chuối còn hơn đầu tư Bitcoin"
- 21-12-2020Con trai tỷ phú Ray Dalio thiệt mạng vì tai nạn xe hơi
- 20-12-2020Đi vào thị trường ngách trong lĩnh vực máy tính, người đàn ông này trở thành tỷ phú với 6,5 tỷ USD
Đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 1,6 triệu người thiệt mạng trên thế giới và tạo nên một năm đầy khó khăn cho kinh tế toàn cầu. Tất nhiên đối với giới nhà giàu, tài sản của họ cũng có sự phân hóa rõ rệt khi một số người giàu lên nhanh chóng vì đại dịch, trong khi những đại gia khác lại mất tiền vì lệnh cách ly.
Theo thống kê của Forbes, hơn 60% số người giàu ngày càng giàu hơn trong năm 2020 và chỉ 36% là nghèo đi. Top 5 tỷ phú giàu lên nhanh nhất đã kiếm thêm được tới 310,5 tỷ USD trong năm qua bất chấp đại dịch.
Người thắng lớn nhất trong năm đại dịch bất ngờ không phải Jeff Bezos của Amazon mà lại là Elon Musk. Nhà sáng lập hãng Tesla này khởi đầu năm 2020 với tổng tài sản 26,6 tỷ USD và số tiền này tăng lên nhanh chóng sau khi hãng xe điện liên tục phá vỡ mọi dự đoán về doanh số, kích thích các nhà đầu tư rót vốn để rồi đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Sau khi giá cổ phiếu tăng gấp 7 lần trong năm nay tính đến phiên 11/12/2020, tổng giá trị tài sản của Elon Musk đã đạt 136,9 tỷ USD, biến nhà sáng lập này thành người giàu thứ 3 thế giới.
Xếp thứ 2 sau Elon Musk là Jeff Bezos của Amazon với tổng tài sản 182,2 tỷ USD, mức tăng 67,5 tỷ USD trong năm nay nhờ đại dịch khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao.
Vào tháng 8/2020, tỷ phú Bezos trở thành nhân vật đầu tiên trong lịch sử có tổng tài sản vượt mức 200 tỷ USD. Dù giá cổ phiếu của Amazon có giảm 10% kể từ mức đỉnh khi đó nhưng vẫn cao hơn 69% so với hồi đầu năm. Mức tăng giá cổ phiếu này hoàn toàn vượt trội so với mức tăng bình quân của chỉ số S&P 500 (13,4%) và Dow Jones Industrial Average (5,3%).
Điều đáng ngạc nhiên là ông trùm Bernard Arnault của tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH với tổng tài sản 146,3 tỷ USD cũng kiếm thêm được 35 tỷ USD trong năm nay bất chấp đại dịch, lệnh cách ly và doanh số giảm.
Mặc dù đầu năm doanh số của nhiều cửa hàng thời trang khá thê thảm do lệnh cách ly nhưng nhu cầu mua sắm đã trở lại mạnh mẽ tại nhiều thị trường khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tâm lý mua "trả thù" những ngày tháng bị cách ly của người tiêu dùng đã kích thích doanh số của hàng loạt thương hiệu dưới quyền LVMH như Dior hay Louis Vuitton.
Trong khi top tỷ phú kiếm được nhiều tiền mùa dịch thì những kẻ thua cuộc trên bảng xếp hạng lại chẳng mất quá nhiều tiền. Tỷ phú ngành viễn thông Carlos Slim Helu và đại gia casino Sheldon Andelson là những người mất "nhiều" tiền nhất năm 2020 với 5 tỷ USD/người. Tổng cộng 5 đại gia chịu thiệt nhiều nhất năm vừa qua cũng chỉ mất 23,7 tỷ USD, một con số chẳng thấm gì so với tổng tài sản của những người giàu này.
KẺ THẮNG
1. Elon Musk
Quốc tịch: Mỹ
Tài sản: 136,9 tỷ USD (+110,3 tỷ USD)
Năm 2020, Elon Musk là tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất theo tạp chí Forbes. Ngoài hưởng lợi từ giá cổ phiếu hãng xe Tesla, tỷ phú Elon Musk còn được nhận thưởng cổ phiếu từ thỏa thuận với hãng này mỗi khi doanh thu đạt mức mục tiêu. Kể từ tháng 5/2020, Elon Musk đã được thưởng quyền chọn mua cổ phiếu với tổng trị giá 27,5 tỷ USD.
Một dự án khác của tỷ phú Musk là SpaceX cũng đang đem về lợi nhuận. Vào tháng 5/2020, hãng đã đưa thành công phi hành gia lên trạm không gian từ lãnh thổ Mỹ, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2011 đến nay. Tháng 11/2020, công ty được Nasa đồng ý hợp tác chương trình đưa phi hành gia lên trạm không gian quốc tế.
Theo ước tính của Forbes, tổng tài sản của Musk trong dự án SpaceX vào khoảng 20 tỷ USD.
2. Jeff Bezos
Quốc tịch: Mỹ
Tài sản: 182,2 tỷ USD (+67,5 tỷ USD)
Mặc dù tài sản rơi khỏi ngưỡng 200 tỷ USD khi cổ phiếu ở đỉnh nhưng tỷ phú Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới. Nhà sáng lập này hiện nắm giữ 11,1% cổ phần của Amazon, tập đoàn thương mại điện tử hiện có tổng mức vốn hóa hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
Giá cổ phiếu của Amazon liên tục hút các nhà đầu tư khi dịch Covid-19 khiến các hãng bán lẻ truyền thống buộc phải đóng cửa do cách ly.
3. Zhong Shanshan
Quốc tịch: Trung Quốc
Tài sản: 62,5 tỷ USD (+60,5 tỷ USD)
Tỷ phú Zhong đã bứt phá ngoạn mục trong năm 2020 với 2 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công. Hãng nước khoáng đóng chai chiếm 1/5 thị trường Trung Quốc là Nongfu Spring đã IPO thành công vào tháng 9/2020 với giá 2,77 USD/cổ. Tính đến phiên 11/12/2020, cổ phiếu này đã tăng giá gần 100%.
Ngoài ra, tỷ phú Zhong cũng có cổ phần trong hãng phát triển Vaccine Beijing Wantai Biological Pharmacy, vốn IPO vào tháng 4/2020. Với việc phát triển Vaccine chống dịch Covid-19, giá cổ phiếu của hãng này đã tăng 15 lần kể từ thời điểm IPO.
4. Dan Gilbert
Quốc tịch: Mỹ
Tài sản: 43,9 tỷ USD (+37,1 tỷ USD)
Dịch Covid-19 khiến những tỷ phú ngành thương mại điện tử, công nghệ phất lên nhanh chóng và việc Gilbert xếp thứ 4 trong số những người giàu kiếm lời nhiều nhất năm 2020 không có gì lạ. Tỷ phú Gilbert là người đồng sáng lập ứng dụng cho vay thế chấp trực tuyến Quicken Loans vốn IPO từ đầu năm nay. Công ty mẹ của Quicken là Rocket Companies cũng IPO vào tháng 8/2020.
Hiện tỷ phú Gilbert nắm giữ 95% cổ phần của Rocket, công ty có tổng mức vốn hóa hơn 41 tỷ USD tính đến phiên 11/12/2020. Kể từ đầu năm đến nay, tài sản của Gilbert đã tăng hơn 6 lần.
5. Bernard Arnault
Quốc tịch: Pháp
Tài sản: 146,3 tỷ USD (+35 tỷ USD)
Bất chấp một năm đầy thảm họa với các hãng thời trang xa xỉ Pháp, tài sản của tỷ phú Arnault vẫn tăng trưởng hơn 30%. Đế chế LVMH của ông dù chịu ảnh hưởng nặng nề đầu năm nhưng doanh số của các thương hiệu Dior hay Louis Vuitton bất ngờ tăng trở lại kể từ mùa thu năm nay, nhất là tại các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc khi dịch Covid-19 đã được khống chế.
Ngoài ra, việc đồng Euro tăng giá 8% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay cũng khiến Arnault giữ vững được vị trí người giàu thứ 2 thế giới sau Bezos.
NGƯỜI THUA
1. Carlos Slim Helu
Quốc tịch: Mexico
Tài sản: 58,2 tỷ USD (-5 tỷ USD)
Gia đình của tỷ phú Slim Helu nắm giữ America Movil, tập đoàn viễn thông lớn nhất Mỹ Latin. Dù mảng viễn thông khá ổn định mùa dịch nhưng tổng tài sản của vị tỷ phú này vẫn sụt giảm do đồng Peso tại Mexico mất giá.
Vào cuối tháng 3/2020, đồng Peso đã giảm tới 26% so với đồng USD và dù đã hồi phục lại nhưng vẫn thấp hơn 5% giá trị so với cuối năm 2019.
2. Sheldon Anderson
Quốc tịch: Mỹ
Tài sản: 35,1 tỷ USD (-5 tỷ USD)
Đại dịch Covid-19 khiến năm 2020 là thời gian khủng hoảng cho ngành cờ bạc. Bởi vậy tài sản của ông trùm casino Sheldon Anderson thâm hụt cũng là điều dễ hiểu. Những sòng bạc lớn như The Venetian hay The Palazzo bị buộc phải đóng cửa đã khiến tỷ phú Anderson thất thu.
Ngay cả khi ngành du lịch của Las Vegas phục hồi nhẹ sau mùa hè nhưng doanh thu của tập đoàn Las Vegas Sands thuộc Anderson vẫn giảm 82% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm trước.
3. Sun Hongbin
Quốc tịch: Trung Quốc
Tài sản: 8,1 tỷ USD (-4,8 tỷ USD)
Đối với những công viên giải trí, đại dịch quả là thảm họa khi làm sụt giảm du khách lẫn doanh số. Hàng loạt hãng phải giảm công suất hoạt động cũng như tốn thêm chi phí đảm bảo an toàn khi mở cửa trở lại.
Điều này cũng tương tự với Sunac China Holdings, công ty bất động sản của tỷ phú Sun Hongbin đã mua lại hệ thống công viên giải trí của tập đoàn Dalian Wanda vào năm 2017. Tính đến phiên 11/12/2020, cổ phiếu của Sunac đã giảm gần 40% so với đầu năm và làm bay hơn 1/3 tài sản của tỷ phú Sun.
4. Hui Ka Yan
Quốc tịch: Trung Quốc
Tài sản: 27,7 tỷ USD (-4,6 tỷ USD)
Tỷ phú Hui Ka Yan là chủ tịch của tập đoàn bất động sản Evergreen Group, một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tại thị trường Trung Quốc. Báo cáo tài chính giữa năm cho thấy công ty này đang có khoản nợ lên tới 128 tỷ USD do mua quá nhiều đất đai cũng như đầu tư vào các dự án xe điện.
Đầu tháng 12/2020, tập đoàn này IPO bộ phận dịch vụ bất động sản nhằm gọi thêm vốn nhưng nhận được sự thờ ở của nhà đầu tư. Tính đến phiên 11/12/2020, cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 22% so với hồi đầu năm.
5. Harold Hamm
Quốc tịch: Mỹ
Tài sản: 5,6 tỷ USD (-4,3 tỷ USD)
Tỷ phú Harold Hamm là chủ tịch của hãng khai thác dầu khí Continental Resources. Với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại giảm và giá dầu xuống dốc, chẳng có gì lạ khi tổng tài sản của ông Hamm mất tới hơn 43% so với hồi đầu năm.
Giá cổ phiếu của Continental đã hồi phục so với mức đáy vào tháng 3/2020 nhưng vẫn thấp hơn 45% so với hồi đầu năm.
Nguồn: Forbes
Doanh nghiệp & Tiếp thị