MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ tài sản khổng lồ của Nga nhưng phương Tây cảnh báo Ukraine: Đó không phải "thuốc chữa bách bệnh"

19-01-2024 - 09:17 AM | Tài chính quốc tế

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Moscow.

Phương Tây bối rối

Theo hãng tin Reuter, tại cuộc gặp tại Dovos (Thụy Sĩ) hôm 17/1, các quan chức phương Tây cho biết họ sẵn sàng chấp nhận ý tưởng tịch thu 300 tỷ USD tài sản của Nga để giúp Ukraine, nhưng cảnh báo rằng có nhiều vấn đề nằm trong chi tiết pháp lý; thậm chí, ngay cả khi điều đó xảy ra, 300 tỷ USD này cũng sẽ không phải là "thuốc chữa bách bệnh" cho Kiev.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã đình chỉ giao dịch với Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga kèm theo phong tỏa khoảng 300 tỷ USD các tài sản của Nga ở phương Tây.

Giữ tài sản khổng lồ của Nga nhưng phương Tây cảnh báo Ukraine: Đó không phải "thuốc chữa bách bệnh" - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine gặp Thủ tướng Bỉ ngày 16/1/2024 tại Davos. Ảnh: Reuters

Các nước G7 đang thảo luận về khả năng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga, mặc dù một số thành viên G7 lo ngại về tiền lệ, cơ chế và tác động tiềm tàng của vụ việc.

"Điều đầu tiên là rất nhiều luật sư cần tham gia. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra", Đại diện đặc biệt của Mỹ về phục hồi kinh tế Ukraine Penny Pritzker nói trong một hội thảo hôm 15/1.

 "Nếu một quyết định được đưa ra thì cuối cùng nó sẽ mang tính tập thể. Thật sai lầm khi nghĩ rằng đây sẽ là một loại thuốc chữa bách bệnh. Đã có nỗ lực thực sự đang diễn ra nhưng chúng tôi còn rất lâu mới đi đến kết luận".

Nga, quốc gia không có đại diện tại Davos, đã cảnh báo rằng việc tịch thu những tài sản đó sẽ đi ngược lại các nguyên tắc của thị trường tự do và Điện Kremlin đã cảnh báo sẽ tịch thu tài sản của Mỹ, châu Âu và các tài sản khác để đáp trả động thái như vậy.

Cần cơ chế rõ ràng

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từ lâu đã bày tỏ lo ngại về việc thiếu thẩm quyền pháp lý để Mỹ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nhưng gần đây đã chấp nhận yêu cầu của các nhà lãnh đạo G7 để xem xét các phương án tịch thu dựa trên luật pháp quốc tế. 

Bà cho biết hồi tuần trước rằng, không có quyết định nào được đưa ra đối với các nỗ lực của G7, nhưng vẫn có những lo ngại về tác động của việc dự trữ bằng đô la hoặc euro. 

"Vấn đề sẽ là tìm hiểu và xem liệu các biện pháp giảm thiểu có thể được thực hiện hay không và xem liệu G7 có thể đồng ý về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hay không", bà Yellen nói.

Một mối lo ngại khác của một số quan chức cấp cao phương Tây là việc tịch thu tài sản của Nga đầu tư vào trái phiếu chính phủ bằng đồng euro, đô la Mỹ và bảng Anh có thể làm suy yếu sự sẵn sàng hỗ trợ dự trữ lẫn nhau của các ngân hàng trung ương.

Phần lớn tài sản - về cơ bản là chứng khoán mà Ngân hàng Trung ương Nga đã đầu tư - đang bị đóng băng tại Euroclear, một trung tâm lưu ký có trụ sở tại Brussels.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói với Reuters rằng, ông không phản đối việc tịch thu tài sản bị phong tỏa nhưng cần có cơ chế rõ ràng.

"Chúng tôi không nói không với việc tịch thu tài sản. Nhưng chúng tôi cần phải làm việc theo một cơ chế. Ví dụ, chúng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine", ông De Croo. 

"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận thêm và sẵn sàng tham gia vào giải pháp tìm kiếm cơ sở pháp lý cho những khoản chuyển tiền đó sang Ukraine mà không gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu".

Ông cho biết, một số chứng khoán đáo hạn và do đó đang được chuyển đổi thành tiền mặt, một giao dịch bị đánh thuế 25%.

"Nếu có bất kỳ khoản doanh thu chịu thuế nào, chúng tôi sẽ phong tỏa nó để nó có thể đến Ukraine", Thủ tướng Bỉ cho biết tổng thuế đánh vào tài sản bị đóng băng là khoảng 1,3 tỷ euro vào năm 2023 và dự kiến khoảng 1,7 tỷ euro trong năm 2024.

Theo An An

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên