MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa cơn sóng cổ phiếu dược, hai quỹ đầu tư thuộc PVI "lặng lẽ" bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu DVN, ước tính thu về gần 700 tỷ đồng

Giữa cơn sóng cổ phiếu dược, hai quỹ đầu tư thuộc PVI "lặng lẽ" bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu DVN, ước tính thu về gần 700 tỷ đồng

Động thái thoái vốn của nhóm PVI diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DVN có sự phục hồi tốt từ khoảng cuối tháng 5, tăng hơn 12% sau khoảng 2 tuần.

Theo thông báo mới đây, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đã báo cáo bán ra gần 7,7 triệu cổ phiếu Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm, mã CK: DVN) trong phiên 1/6. Lý do giao dịch nhằm giảm tỷ trọng đầu tư.

Sau giao dịch trên, lượng cổ phiếu mà Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI nắm giảm từ hơn 14 triệu đơn vị xuống còn hơn 6,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,99% xuống còn 2,75%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại Vinapharm.

Tạm tính theo thị giá đóng cửa cùng phiên của DVN, ước tính thương vụ trên đã đem lại cho Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI khoảng 142 tỷ đồng.

Đáng nói, đây là giao dịch thoái vốn thứ 3 liên tiếp của Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI tại Vinapharm trong vài tuần trở lại đây. Hai lần bán ra trước đó ghi nhận trong các phiên 25 - 26/5 và 31/5, lần lượt bán ra gần 10 triệu cổ phiếu và hơn 14 triệu cổ phiếu DVN. Tạm tính theo thị giá kết phiên cùng ngày, tổng cộng Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI thu về 424 tỷ đồng sau hai giao dịch trên.

Tổng cộng ba giao dịch trong vài phiên giúp Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI thu về 568 tỷ đồng.

Trước đó, Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI - tổ chức có liên quan tới Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI - cũng đã bán ra toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu DVN trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5/2023 sau 3 giao dịch. Theo đó Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI hạ sở hữu từ 1,9% vốn DVN xuống còn 0%. Tạm tính theo giá kết phiên, Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI thu về hơn 101 tỷ đồng nhờ việc thoái vốn này.

Giữa cơn sóng cổ phiếu dược, hai quỹ đầu tư thuộc PVI "lặng lẽ" bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu DVN, ước tính thu về gần 700 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch bán ra cổ phiếu DVN của hai quỹ thuộc PVI

Được biết, quỹ đầu tư Hạ tầng PVI và quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đều thuộc CTCP Quản lý Quỹ PVI nằm trong hệ sinh thái CTCP PVI (mã CK: PVI). Một số công ty cũng thuộc hệ sinh thái này như Tổng công ty Bảo hiểm PVI hay Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI.

Động thái thoái vốn của nhóm PVI tại Vinapharm diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DVN có sự phục hồi tốt từ khoảng cuối tháng 5, theo sóng nhóm cổ phiếu ngành dược. Thị giá leo nhanh lên mức 19.000 đồng/cp (chốt phiên 13/6), tương ứng tăng hơn 12% sau khoảng 2 tuần.

Giữa cơn sóng cổ phiếu dược, hai quỹ đầu tư thuộc PVI "lặng lẽ" bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu DVN, ước tính thu về gần 700 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tình hình kinh doanh của DVN cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Trong ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, DVN dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch 2023 với chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất kỳ vọng 5.918 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 4% và 154% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 5%.

Sau 3 tháng đầu năm, DVN ghi nhận doanh thu 1.234 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Lợi nhuận trước thuế hơn 120 tỷ đồng, gấp 2,4 lần quý 1/2022 và đạt 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm. LNST thuộc cổ đông công ty mẹ hơn 98 tỷ đồng, mức cao nhất DVN từng ghi nhận.

Lý giải cho mức tăng trưởng trong quý 1/2023, DVN cho biết chi phí tài chính giảm do biến động giá cổ phiếu của một số công ty niêm yết tăng so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2022. Nhờ vậy, khoản hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính kỳ này cao hơn cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý 1, công ty cũng ghi nhận doanh thu từ cổ tức của các đơn vị có vốn góp.

Giữa cơn sóng cổ phiếu dược, hai quỹ đầu tư thuộc PVI "lặng lẽ" bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu DVN, ước tính thu về gần 700 tỷ đồng - Ảnh 3.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên