Giữa lúc Foxconn bị điều tra, người Trung Quốc lại nói về "miếng ăn" và "sợi tóc khó xơi"?
Bài viết được Sohu (Trung Quốc) đăng tải trong bối cảnh có thông tin về việc nhà cung ứng hàng đầu của Apple hiện bị quốc gia tỷ dân điều tra.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây đã cho biết cơ quan thuế nước này đang kiểm tra hoạt động các công ty con của Foxconn tại Quảng Đông và Giang Tô, các quan chức phụ trách tài nguyên cũng đang xem xét việc sử dụng đất của công ty ở Hà Nam và Hồ Bắc.
Theo Bloomberg, Hon Hai Precision Industry Co. (tên giao dịch Foxconn Technology Group hay phổ biến hơn là Foxconn) có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết họ sẽ hợp tác với Bắc Kinh trong cuộc điều tra nhưng từ chối nêu các thông tin chi tiết.
Nhằm cung cấp thêm thông tin về vụ việc, chúng tôi xin được lược dịch bài viết "Suy nghĩ về bê bối kiểm toán thuế Foxconn!" được đăng tải trên tờ Sohu (Trung Quốc) ít giờ trước.
"Miếng ăn"
Cuộc điều tra đã được mở ra và về cơ bản Foxconn không thể tránh né. Tại sao nó lại được tiến hành vào lúc này?
Hàng chục năm qua Trung Quốc đã coi Foxconn như một vị khách quý. Ông Terry Gou (Quách Đài Minh, nhà sáng lập và cũng là chủ tịch của Foxconn) từng nói rằng "tôi mang miếng ăn người đại lục".
Một trong những lý do cốt lõi khiến ông Quách tự tin như vậy là vì việc thành lập các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng GDP - ngược lại Foxconn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Tại sao Trung Quốc lại phải nhượng bộ rất lớn mới mời được Foxconn thành lập nhà máy?
Nhiều người cho rằng Trung Quốc quan tâm đến lượng việc làm khổng lồ do Foxconn mang lại, thực ra đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Những công việc do Foxconn mang lại chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và không mang lại nhiều giá trị công nghiệp.
Giá trị thực sự của Foxconn nằm ở chỗ đây là nhà máy lắp ráp của Apple và chuỗi cung ứng của Apple xoay quanh họ. Bất kể đó là chip, camera hay màn hình thì chúng đều phải thông qua Foxconn để trở thành iPhone.
Nói trắng ra, tất cả những ưu đãi của Trung Quốc cho Foxconn đều dành cho Apple. Không có đơn đặt hàng từ Apple, Foxconn trở nên vô giá trị.
Điều Trung Quốc thực sự mong muốn là thâm nhập vào chuỗi cung ứng của Apple, sản xuất linh kiện tại địa phương, lắp ráp các thiết bị hoàn chỉnh trong nước và sau đó xuất khẩu ra thế giới.
Tất cả là để xây dựng cụm công nghiệp điện tử thông tin hoàn chỉnh và dĩ nhiên Foxconn là mắt xích quan trọng nhất trong đó.
"Sợi tóc khó xơi"
Nhà máy lắp ráp smartphone (điện thoại di động) của Huawei cùng chuỗi cung ứng của nó nằm ở Quảng Đông - nhưng bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển), thiết kế, thương hiệu, tiếp thị và các bộ phận khác vẫn ở lại Thâm Quyến.
Tương tự như Huawei, R&D của Apple đặt tại Mỹ nhưng trung tâm sản xuất lại ở Trung Quốc và được dẫn dắt bởi Foxconn. Khi xây dựng dây chuyền công nghiệp, bước đầu tiên là đưa vào vận hành các nhà máy lắp ráp.
Một khi các nhà máy lắp ráp quy mô lớn này gia nhập thị trường, chuỗi cung ứng địa phương sẽ dần phát triển. Quá trình này thường mất từ 10, 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Nhưng khi các công ty địa phương đã "nhai" được một phần, họ sẽ có thể "ăn được cả miếng thịt".
Nói cách khác, tất cả những ưu đãi mà Trung Quốc đưa ra cho Foxconn xuất phát từ việc chú trọng vào chuỗi cung ứng của Apple. Vào thời kỳ đỉnh cao, trong số các nhà cung ứng hàng đầu của Apple thì Trung Quốc đại lục chiếm 26% và Đài Loan chiếm 24%.
Tuy nhiên với hàm lượng công nghệ và tiêu biểu nhất và hiện không thể thay thế là TSMC (sản xuất chip) các nhà cung ứng Đài Loan có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Hàm lượng kỹ thuật tổng thể của các nhà cung ứng đại lục thấp và khả năng bị thay thế của họ khá cao.
Nhưng ngay cả như vậy, tổng giá trị sản lượng của chuỗi cung ứng Apple của Trung Quốc vẫn vượt quá một nghìn tỷ (Nhân dân tệ). Có thể nói, sự phụ thuộc quá lớn của Trung Quốc vào Apple là nguyên nhân cơ bản khiến Foxconn tự tin như vậy.
Nhưng kể từ năm 2019, Apple đã bắt đầu chuyển hướng sang các quốc gia khác.
Theo kế hoạch của Apple, bước đầu tiên họ sẽ thành lập một hoặc hai nhà máy lắp ráp với quy mô nhỏ tại các nước đó. Bước thứ 2 là họ sẽ dần loại bỏ các nhà cung ứng Trung Quốc và thay thế bằng các nhà cung cấp nước ngoài.
Ở bước thứ 3, họ sẽ tăng dần việc đặt hàng từ các nhà cung cấp nước ngoài và thu hút họ mở rộng quy mô sản xuất sang các nước nói trên.
Bước cuối cùng là chuyển tất cả các nhà máy sản xuất máy của Foxconn ra ngoài Trung Quốc và việc di chuyển tổng thể chuỗi công nghiệp Apple đã hoàn thành.
Apple vừa hoàn thành bước thứ 2 và sắp đạt đến bước thứ 3. Và hiện các linh kiện Trung Quốc chỉ chiếm 2,5% giá thành của iPhone trong khi các linh kiện Hàn Quốc tăng lên 29%, Nhật Bản không đổi ở mức 10% và Mỹ chiếm 33%.
Trung Quốc hiện chỉ cung cấp vỏ và chi tiết lắp ráp kim loại còn tất cả các thành phần cốt lõi của iPhone đều đến từ các nước khác. Điều này có nghĩa là lợi nhuận thu được chỉ bằng "1 sợi tóc" trong chuỗi công nghiệp Apple trong khi đây là phần "khó xơi" nhất.
Huawei là "cứu cánh"?
Chip iPhone do Mỹ và Đài Loan cung cấp, LG từ Hàn Quốc và Sony từ Nhật Bản cung cấp pin và camera, còn màn hình là của Samsung Hàn Quốc - việc của công nhân Trung Quốc chỉ là lắp ráp chúng.
Ngày nay, sự phụ thuộc lớn nhất của Apple vào Trung Quốc đó chính là thị trường, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất và cũng là nguồn doanh thu lớn nhất của Apple. Nhưng họ chỉ có kế hoạch kiếm tiền từ Trung Quốc chứ không tạo ra GDP hay việc làm.
Tại sao người Trung Quốc nên ủng hộ Huawei? Bởi chỉ có chuỗi cung ứng của Huawei mới có thể cạnh tranh được với chuỗi cung ứng của Apple.
Không có chuỗi cung ứng của Huawei, người Trung Quốc sẽ chỉ có thể lắp ráp cho Foxconn và những gì ông Quách nói sẽ trở thành sự thật không thể bác bỏ. Còn với chuỗi cung ứng của Huawei, Foxconn chỉ là một nhà lắp ráp và có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào.
Tất cả sự tự tin của Foxconn đều đến từ Apple, và nếu muốn đối đầu, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài Huawei.
Báo giao thông