Giữa tâm dịch tả lợn châu Phi: Ồ ạt nhập khẩu thịt, gây khó ngành chăn nuôi
Giữa lúc bệnh dịch tả lợn châu Phi gây “đại họa”, làm 2,6 triệu con lợn bị tiêu hủy và chưa dừng lại, ngành chăn nuôi lợn lại chịu thêm sức ép từ lượng thịt lợn nhập khẩu tăng nhanh. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp khó cản được thịt lợn nhập khẩu.
- 17-06-2019Hiệu ứng thua lỗ dây chuyền từ dịch tả lợn
- 16-06-2019Tỉnh thứ 12 ở Miền Tây xuất hiện dịch tả heo Châu Phi
- 15-06-2019Dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp
Khó cản thịt lợn ngoại tràn về
Dịch tả lợn châu Phi đang gây “đại họa” cho ngành chăn nuôi lợn trong nước, số lượng lợn bị tiêu hủy hơn 2,6 triệu con (chiếm khoảng 7-8% tổng đàn lợn cả nước). Thực tế này khiến Bộ NN&PTNT cân nhắc việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong lúc đó, số lượng thịt lợn nhập về cũng tăng cao.
Con số của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2019, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhập về đạt gần 23,6 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, lượng lợn tiêu hủy có thể lên 20-30% tổng đàn nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Lúc đó do thiếu hụt nguồn cung, lượng thịt lợn nhập về tăng mạnh là khó tránh khỏi, giá cả cũng sẽ biến động rất lớn.
"Những hộ nhỏ lẻ, nếu không đáp ứng được yêu cầu, có thể chuyển nghề, hoặc tham gia một công đoạn khác như trồng cỏ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi gia công… Cùng đó, khu vực chăn nuôi sẽ chuyển tới khu vực có không gian rộng hơn, ít xảy ra dịch bệnh hơn".
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Tuy nhiên, theo ông Dũng, lượng thịt lợn nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất xúc xích, thịt nguội…chưa thể thay thế loại thịt tươi truyền thống. “Giữa lúc số lượng thịt lợn tiêu thụ giảm vì dịch bệnh, chúng tôi là những nhà kinh doanh thịt lợn chuyên nghiệp, không dại gì đi bán thịt lợn cấp đông ngay mà nhập một đống về”- ông Dũng nói.
Nói về tác động của thịt nhập với chăn nuôi lợn trong nước, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nhập khẩu thịt là quyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu lượng thịt nhập về ồ ạt thời điểm này sẽ gây bất lợi rất lớn cho chăn nuôi trong nước.
Theo ông Đoán, các trang trại khi biết thông tin thịt nhập về nhiều sẽ dễ chán nản, chùn bước trong việc tái đàn tới đây. Mặt khác, nếu lượng thịt nhập khẩu về giá thấp hơn thịt lợn trong nước, người chăn nuôi sẽ thêm phần kiệt quệ.
Ông Đoán đặt vấn đề, liệu 100% nguồn thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn có an toàn khi mà khâu kiểm soát của chúng ta vẫn còn yếu, chưa chặt chẽ?
“Hằng ngày, ở nhiều nơi cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nguồn thịt nhập không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, bốc mùi hôi thối. Vì vậy, nếu không có giải pháp an toàn, Việt Nam có thể giống như bãi rác của các thịt thải loại. Lúc đó, người tiêu dùng là người phải gánh chịu hậu quả”- ông Đoán cảnh báo.
Ông Đoán cho rằng, để giúp ngành chăn nuôi lúc này, cần điều tiết, hạn chế nhập khẩu thịt lợn. “Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt, chỉ cần một thời gian nữa, lượng thịt nhập tràn về, không còn cách nào ngăn được, bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước”- ông Đoán nói.
Về lượng thịt nhập khẩu tăng nhanh, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trung bình hằng năm, Việt Nam nhập khoảng 4.000 tấn thịt lợn, chủ yếu phục vụ các nhà hàng, cơ sở chế biến. Con số này không đáng kể.
“Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi, có nguy cơ tăng nguồn thịt nhập về cần phải tính toán điều này. Chúng ta không thể cấm nhập thịt, nhưng cũng không thể để thiếu hụt khiến giá thịt trong nước quá cao. Thực ra, nguồn thực phẩm trong nước còn có nhiều loại khác”- ông Dương nói
Nuôi gà, bò… thay thế thịt lợn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến ngành thịt lợn thế giới bị khủng hoảng và Trung Quốc, Việt Nam là những nước bị nặng nhất.
“Số lượng thịt nhập tăng 6,7 lần chỉ xảy ra vào đầu năm. Với tình hình dịch, tiêu hủy lợn... như vừa qua, lượng thịt lợn nhập khẩu có thể tăng hơn nữa”- ông Bình nhận định.
Theo ông Bình, tới đây, phải tìm nguồn cung để thay thế thịt lợn, đồng thời thay đổi thói quen tiêu dùng trong nước. “Thay vì ăn thịt lợn, nay giảm đi, người dân có thể dùng thịt gà, cá, thịt bò….thay thế. Đây là hướng khả thi và không thể trông chờ nguồn thịt lợn nhập khẩu”- ông Bình nói.
Hiện tại, số lượng lợn của Trung Quốc bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi ước tính 30% tổng đàn lợn, khoảng hơn 200 triệu con. Số này bằng cả lượng lợn của Mỹ, EU cộng lại. Vì thế, nguồn thịt lợn từ Brazil không đáp ứng được nhiều so với nhu cầu.
Mặt khác, tới đây, khi thịt lợn khan hiếm, giá có thể lên đến 60 nghìn đồng/kg lợn hơi, thậm chí có thể 70-80 nghìn đồng/kg. Lúc đó, giá thịt lợn đắt quá, người tiêu dùng sẽ giảm và tìm thực phẩm khác như gà, vịt, thủy sản…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con, số lợn chết, tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện khoảng 7-8% và khả năng có thể lên đến 10-15%, nên nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt lợn vào dịp cuối năm và thời gian tới.
Theo ông Dương, để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, ngành chăn nuôi tìm mọi cách để bảo vệ, duy trì đàn lợn còn lại, các trang trại chăn nuôi lớn, trang trại lợn giống, cần sẵn sàng khôi phục đàn khi thuận lợi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng dần tăng nguồn cung thịt gia cầm, trứng, gia súc và sữa (trâu, bò, dê, cừu…) và thủy sản.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, đang tổng kết 10 năm (2008-2018) thực hiện chiến lược chăn nuôi và điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Trong đó, sẽ giảm nuôi lợn, tăng nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, trâu bò, dê, thỏ…Chăn nuôi phải có điều kiện, với sự tham gia của các doanh nghiệp, trang trại lớn nhiều hơn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.
Tiền phong