Giữa Thủ đô: Ồ ạt băm ruộng, phân lô xây nhà trái phép
Chỉ trong thời gian ngắn, khu đất nông nghiệp thuộc HTX Khương Hạ (cũ) rộng hơn 37ha của phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị băm nát.
- 26-02-2016Xây nhà trái phép trên đất biệt thự, sao chậm xử lý?
- 10-12-2015Đồng Nai: Xây nhà hàng trái phép hơn 1.300m2 giữa lòng thành phố
- 24-09-2015Bắt cán bộ đô thị “bảo kê” xây nhà trái phép
Chuyện xẻ ruộng xây nhà ở đây có lẽ còn nhức nhối hơn cả những khu vực sốt đất ở ngoại thành chục năm về trước. Không chỉ phân lô, kẻ chỉ, xây móng, dựng tường bao, các hộ dân còn tự ý chuyển nhượng và lén lút xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.
Phân lô, dựng tường bao trên đất nông nghiệp ở gần nghĩa trang Khương Đình (cũ)
Theo quan sát của PV, hàng trăm ngôi nhà cấp 4 và các nhà kiên cố 2, 3 tầng, thậm chí 4, 5 tầng mọc san sát dọc ngõ 207 và 271 (đường Bùi Xương Trạch).
Các khu vực khác cũng tương tự: Khu Đồng Tràm 95% đã phủ nhà với khoảng 400-500 hộ; khu nghĩa trang Khương Đình, đất nông nghiệp cổng chùa Khương Đình. Đầm Hồng trước rộng tới 77ha nay bị lấn chiếm còn lại một phần rất nhỏ.
Chỉ những khu nhà cấp 4 xây liền kề, tường cao 2 mét, quây tôn từ ngang tường với mái che lợp tôn, anh H. - một hộ dân 'gốc' sống ở làng từ nhiều năm nay khẳng định: “Đó là những nhà xây trái phép”.
Theo anh H., cách xây trái phép đều như nhau: Khi dựng được móng và tường bao là đã thành công 50%. Phần quây tôn và mái tôn, sau một thời gian, chủ nhà sẽ trám bằng tường gạch rồi đổ mái (bê-tông hoặc làm trần nhựa…) bên trong. Khi tất cả xong xuôi, người ta chỉ việc dỡ bỏ phần tôn quây. Ngôi nhà thế là hoàn thiện!
Với những ngôi nhà kiên cố 2-3 tầng, anh H. cho biết cách thức xây cũng tương tự, chỉ khác là thi công kiểu cuốn chiếu. Phần lớn, những công trình này được xây rất nhanh, sau đó chuyển nhượng, sang tay với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
“Một ngôi nhà 2 tầng hoàn thiện có giá 700-800 triệu. Thời điểm này giá lên, dao động trên dưới 1 tỷ. Nếu đất có sổ đỏ, giá phải gấp đôi. Đa phần là người ngoại tỉnh về mua, nhưng họ cũng phải có độ liều rất cao mới dám mua” - anh H. phân tích.
Tập kết vật liệu xây dựng cạnh nghĩa trang
Khu vực nghĩa trang làng Khương Đình (cũ) giờ chỉ còn co cụm lại một phần rất nhỏ, đây là phần đất nông nghiệp hiếm hoi vẫn được trồng rau, hoa. Con đường đất quẩn bụi mỗi khi có xe đi qua là trục đường chính để người dân vận chuyển vật liệu xây dựng ra chân các công trình trái phép. Ngay sát nghĩa trang làng là nơi đại lý tập kết vật liệu xây dựng.
Đây chính là những đầu mối cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng trái phép tại làng Khương Đình. Gần đây, khi báo chí phản ánh về hiện tượng xây dựng ồ ạt, trái phép tại địa bàn, việc xây dựng hầu như “án binh bất động” vào ban ngày.
Nông nghiệp tê liệt
Bà Nguyễn Thị Giới (Chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại Khương Hạ, phường Khương Đình) cho biết: “Trước những năm 1990, Khương Đình là HTX nông nghiệp quy mô lớn của Hà Nội, chuyên trồng rau. Một tháng, sản lượng rau của HTX thu hoạch được lên tới vài chục tấn. Rau bán cho nhà nước, đổi về quy ra gạo rồi phát cho xã viên”.
Theo bà Giới, từ khoảng năm 1995 trở đi, sản xuất nông nghiệp tại đây hầu như tê liệt vì hàng loạt dự án lấy đất nông nghiệp của địa phương khiến hệ thống tưới tiêu bị phá nát. Hai đầm nước lớn cung cấp nước tưới - tiêu cho vùng đã bị thu hồi.
Những khu vườn trồng rau, hoa hiếm hoi được canh tác manh mún trên đất nông nghiệp trước kia.
“Trước kia chúng tôi có hệ thống trạm bơm đưa nước tưới vào vùng trồng rau nhưng nay không còn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường sông Kim Giang do các nhà máy xả thải ra khiến nước sông không dùng tưới rau được” - bà Giới cho biết.
Cũng theo chủ nhiệm HTX Khương Hạ, nhiều xã viên đã xây nhà cấp 4 cho thuê để có thêm nguồn thu.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Trọng Khang, Đội trưởng đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: Số lượng nhà xây trái phép lên tới hàng ngàn. Khu vực đất nông nghiệp gần nghĩa trang phường, diện tích đất nông nghiệp bị xây dựng trái phép lên tới 15.000m2.
Vietnamnet