Giữa trào lưu đa ngành, “core business” có còn quan trọng?
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, doanh nghiệp cần đổi mới chiến lược và vươn ra khỏi lĩnh vực chính để tạo giá trị gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, core business vẫn luôn phải duy trì.
- 04-09-2017Vì sao doanh nghiệp Nhật hiếm khi chọn người ngoài tham gia vào hội đồng quản trị?
- 26-08-2017[BizSTORY] Ông Nguyễn Đức Tài giải mã hệ thống quản trị bằng công nghệ của Thế giới Di động
- 17-06-2017Bài học quản trị đắt giá từ Alexander Đại đế: Được lãnh đạo bởi "sư tử", đội quân "cừu" cũng làm nên sự khác biệt
Tại Diễn đàn kinh doanh 2017 của Forbes Việt Nam tổ chức với chủ đề “Đón nhận thế giới đang đổi thay”, một vấn đề được đặt ra hiện nay là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đều muốn vươn ra khỏi lĩnh vực đang hoạt động nhằm mục đích đem lại giá trị gia tăng hơn nữa thì hoạt động kinh doanh chính (core business) có còn quan trọng không? Thậm chí còn có quan niệm cho rằng, với doanh nghiệp, "tạo ra tiền" là hoạt động cốt lõi, ngành nghề nào có thể tạo ra lợi nhuận cho công ty thì doanh nghiệp có thể đầu tư vào ngành đó.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) chia sẻ quan điểm cá nhân rằng đặt trong bối cảnh nào thì core business cũng rất quan trọng, người làm doanh nhân phải quan tâm đến lĩnh vực đem lại thu nhập cơ bản rồi từ đó mới có điều kiện nắm bắt các cơ hội ngoài lĩnh vực chính. Đồng thời, doanh nhân cũng là người phải tự tin khi cơ hội đến thì không bỏ qua, không e ngại bất cứ lĩnh vực nào bởi điều quan trọng là công tác quản trị và điều hành. "Đã là doanh nhân thì tập trung vào công tác quản trị, điều hành, còn bước sang lĩnh vực mới đã có chuyên gia hợp tác, hỗ trợ cho mình", ông Thành nói.
Ông Thành chia sẻ TTC Group đã thành lập trên 38 năm. Hiện nay, TTC Group đang triển khai 5 mũi nhọn gồm mía đường, du lịch, bất động sản, giáo dục và năng lượng. Trong đó, mía đường chính là core business hiện nay nhưng sau 2020 có thể đưa lĩnh vực năng lượng thay thế.
“Lời khuyên là nên lựa chọn hoạt động chính căn bản nhất trong bước đường thực hiện chiến lược phát triển của mình”, ông Thành nói.
Phiên thảo luận 2 - Chiến lược cho một thế giới đang thay đổi
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Minh Phương Logistics chia sẻ lúc mới khởi nghiệp, Công ty cũng làm đủ ngành nghề nhưng sau 5 năm thì cảm thấy cần phải tập trung ngành nghề cốt lõi. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Do vậy, core business rất quan trọng trong phát triển doanh nghiệp, chọn ngành nào mà doanh nghiệp có thể làm để đem lại lợi ích cao nhất. Với sự thay đổi của thế giới thì chiến lược hoạt động của Công ty cũng phải thay đổi, song tất nhiên cũng luôn duy trì core business để có thu nhập ổn định rồi từ đó mới có cơ hội vươn tay đến lĩnh vực khác tạo thêm giá trị tăng cao cho lĩnh vực cốt lõi hiện tại.
“Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải duy trì core business nhưng cũng cần hướng đến lĩnh vực khác đem lại giá trị tăng cao hơn cho khách hàng của mình, có như vậy doanh nghiệp mới luôn phát triển được”, bà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng chúng ta đang hoạt động trong môi trường thay đổi quá nhanh đi kèm với nhiều thách thức, đặc biệt là công nghệ và những thay đổi trong cách làm kinh doanh hiện nay. Quan điểm core business có mãi mãi như trước đây không? Ví dụ như đối với ngành ngân hàng, hoạt động chính có phải đơn thuần là ngân hàng không, bản thân ông cho rằng ngành ngân hàng là ngành phục vụ nhu cầu của người dân và ngành ngân hàng đang phải hướng đến các cơ hội làm thế nào để gia tăng giá trị cộng đồng, người tiêu dùng. Theo đó, khái niệm về hoạt động kinh doanh chính cũng mở rộng ra đến việc đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Ông Vinh cho biết, sự phát triển của VPBank trong thời gian qua không phải là bất ngờ, VPBank may mắn là chiến lược theo đuổi 6 – 7 năm qua đã giúp đạt được nhiều thành quả hơn mong đợi. Trong cả quá trình, phương châm cơ bản của Ngân hàng gồm chọn lĩnh vực đang nằm trong nhu cầu tăng trưởng của thị trường, nhằm vào nhu cầu 95 triệu dân Việt Nam. Bước tiếp theo, khi đã xác định chiến lược rõ ràng thì kiên trì và tập trung với nó. Cuối cùng là tập hợp đội ngũ có sự kết hợp tốt nhất trên thị trường, đồng lòng từ trên xuống dưới.
Đối với vấn đề quản trị rủi ro, VPBank là ngân hàng chấp nhận rủi ro, cho vay những đối tượng như người dân bình thường, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây đều là những đối tượng dễ tổn thương nhất khi khủng hoảng. Ngân hàng xác định xây dựng hệ thống quản trị rủi ro từ việc chấp nhận rủi ro để quản trị tốt hơn.