MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giúp dân tiêu thụ nông sản

11-08-2021 - 11:29 AM | Thị trường

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ đã được các bộ, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện.

Trước tình trạng nông sản bước vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, khiến giá giảm mạnh, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL đã áp dụng nhiều biện pháp để giúp nhà nông giảm bớt cảnh trắng tay và bước đầu phát huy hiệu quả.

Kết nối bên mua, bên bán

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết bên cạnh việc theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cũng như tiến độ thu hoạch đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản để kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, sở đang tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản ngắn ngày như rau, củ, quả vì những mặt hàng này mau hư hỏng.

Giúp dân tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thành lập các điểm tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân .Ảnh: TÂM MINH

Cụ thể, An Giang đã thành lập các tổ, nhóm phản ứng nhanh để tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ từ các DN, HTX, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn. Từ đó, các tổ, nhóm này sẽ tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, DN, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài địa bàn nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên trao đổi, làm việc với các đơn vị thu mua nông sản và đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước. Một số đơn vị chức năng sẽ chủ động liên hệ, mời gọi các chợ đầu mối, đối tác tiêu thụ lớn trong và ngoài tỉnh như hệ thống siêu thị (Co.opmart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn), trung tâm thương mại, các DN chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản" - ông Hùng thông tin.

Cũng theo ông Hùng, lãnh đạo Sở Công Thương ở các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã thống nhất sẽ hỗ trợ nhà nông kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối lớn để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của An Giang. Bên cạnh đó, ngành công thương đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; thường xuyên rà soát nhu cầu để kịp thời hỗ trợ DN xây dựng website thương mại điện tử, phần mềm ứng dụng và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart).

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp để kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra cũng như nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tương tự, ngành công thương của tỉnh Đồng Tháp cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát tình hình các loại nông sản còn tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn để giới thiệu đến các nhà phân phối, thu mua nông sản như: Big C, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Aeon, Citimart, Lotte Mart, VinMart hay các điểm bán hàng lưu động tại TP HCM và các kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, địa phương này còn hỗ trợ nông dân bán hàng thông qua phương thức livestream trên mạng xã hội.

Ngoài ra, nhiều HTX tại ĐBSCL cũng chủ động tìm đầu ra cho nông sản để giúp các xã viên. Ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX Thái Thanh (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), cho biết từ đây tới cuối vụ, HTX có khoảng 400 tấn thanh nhãn. Vừa qua, HTX đã kết nối được với Tập đoàn Vina T&T thu mua 2 tấn thanh nhãn với giá 35.000 đồng/kg để xuất khẩu và tiêu thụ.

HTX Nông nghiệp Thương mại và Sản xuất Dịch vụ Xuân Thành (tỉnh Trà Vinh) đã kết nối cung cấp rau màu cho một số DN đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ". "Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với vài DN đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" cung cấp với sản lượng 1 tấn rau màu mỗi ngày cho bếp ăn của họ. Với hình thức này thì giá rau màu có nhỉnh hơn so với bán cho thương lái" - ông Nguyễn Thành Luận, Giám đốc HTX này, cho biết.

Đưa chợ ra phố

Cũng tại Đồng Tháp, những ngày qua, tỉnh có 2 hình thức tiêu thụ nông sản khá hiệu quả đó là với các loại nông sản có quy mô sản xuất nhỏ và hộ gia đình, các địa phương thực hiện điều phối tới các chợ, cửa hàng tiện ích hoặc thông qua đội "Shipper áo xanh" đi chợ hộ cho người dân; đối với lượng nông sản có quy mô sản xuất lớn hoặc đã đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn, các địa phương báo cáo về Sở Công Thương và Sở NN-PTNT để điều phối cho những khu vực khác trong tỉnh có nhu cầu và đưa ra ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với các ngành, địa phương thành lập các tổ tiêu thụ nông sản cho nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi có nhu cầu về chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản sẽ liên hệ đến số điện thoại đầu mối của các tổ và xếp lịch hẹn để thực hiện. Qua hoạt động, các tổ đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được hơn 2.000 tấn nông sản - trái cây (khoai lang, bắp, ớt, xoài, sơ ri, chôm chôm, cam...).

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết từ khi giãn cách xã hội, TP đã thành lập 47 điểm bán hàng bình ổn giá và mô hình "đưa chợ ra phố" để giúp bà con tại các địa phương tiêu thụ nông sản. "Các đơn vị mua giúp nông sản cho nông dân ở các huyện, sau đó, họ mang ra bán tại các điểm bình ổn giá trên địa bàn để phục vụ cho nhu cầu người dân. Tính đến nay, TP đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hóa cũng như giá cả trên địa bàn TP nhìn chung ổn định, chưa có biến động" - ông Sơn đánh giá.

Bảo đảm vốn thu mua, tạm trữ lúa, gạo

Ngày 10-8, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước có công văn yêu cầu các NH thương mại và NH Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ thương nhân, DN, người sản xuất - kinh doanh lúa, gạo.

Theo đó, các NH thương mại phải chủ động cân đối, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, DN để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ lúa, gạo hiện nay tại khu vực này.

Các NH cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, DN để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ lúa, gạo. Tuy nhiên, việc cho vay vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.

T.Phương

Thành lập các tổ dịch vụ sản xuất, thu hoạch nông sản

Trước tình hình thu hoạch lúa hè thu chậm, khó khăn trong thu mua, vận chuyển, tiến độ gieo sạ lúa thu đông nguy cơ bị chậm thời vụ do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ Công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT, đề nghị các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần thành lập các tổ, đội xử lý tại chỗ như: đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương.

Các đội này được ưu tiên tiêm vắc-xin và xét nghiệm định kỳ, trang bị dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Các đội được cơ quan nhà nước quản lý nhân sự, cấp giấy phép thông hành và công khai giá dịch vụ. Đội ngũ thu hoạch, thu mua nông sản cũng cần được ưu tiên tiêm vắc-xin và cấp phép tạo điều kiện được di chuyển đến những nơi theo lịch trình và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch.

"Tổ công tác đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, kiểm dịch... Tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về việc tiếp tục gia hạn giấy luồng xanh (mã QR nhận diện xe chở hàng) để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc vận chuyển được liên tục, nhanh chóng.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giữ ổn định hoạt động vận tải chở hàng hóa thiết yếu. Với thẻ ưu tiên nhận diện phương tiện kèm mã QR đã được cấp cho các ôtô vận tải hàng hóa trong toàn quốc được tiếp tục sử dụng để đi, đến, đi qua các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cho đến khi có thông báo mới.

Văn Duẩn

Theo Thốt Nốt - Tâm Minh - Ca Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên