Gỗ An Cường (ACG) chốt danh sách cổ đông chi 44 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1 năm 2021
Cùng ngày 8/3 Gỗ An Cường dự kiến phát hành gần 4,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện là 100:5, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua thêm 5 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 8/3 tới đây CTCP Gỗ An Cường (mã chứng khoán ACG) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 500 đồng. Thời gian thanh toán từ 21/3/2022.
Như vậy với hơn 87,64 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Gỗ An Cường sẽ chi khoảng 44 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Cùng ngày 8/3 Gỗ An Cường cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của công ty. Theo đó, Gỗ An Cường dự kiến phát hành gần 4,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện là 100:5, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua thêm 5 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu ACG hiện giao dịch quanh mức 104.500 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 18/2/2022). Gỗ An Cường đưa hơn 87 triệu cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn Upcom từ tháng 8/2921 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay phiên đầu lên sàn, ACG đã tăng gần kịch biên độ, lên cao nhất 125.900 đồng/cổ phiếu trước khi giảm những phiên sau đó. Trong suốt hơn 5 tháng giao dịch trên sàn, cổ phiếu ACG vẫn duy trì được mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu.
Đợt chào bán cổ phiếu lần này nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động để thanh toán khế ước vay ngân hàng trong năm 2022 và nhằm thỏa thuận điều kiện niêm yết cổ phiếu của Gỗ An Cường tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Năm 2021 doanh thu thuần Gỗ An Cường đạt 3.294 tỷ đồng, giảm 12,3% so với năm 2020. Doanh thu tài chính tăng 45 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 154 tỷ đồng còn chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng gần 6 tỷ đồng, lên 24 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng giảm 59 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn 384 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 7 tỷ đồng, xuống còn hơn 100 tỷ đồng. Những yếu tố trên tác động, khiến cho lợi nhuận sau thuế còn giảm 8,3% so với năm 2020, xuống còn 451 tỷ đồng. EPS đạt 4.531 đồng.
Tính đến 31/12/2021 Gỗ An Cường còn khoản tiền 1.527 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (giảm 153 tỷ đồng so với đầu năm) và khoản tiền đầu tư vào trái phiếu 156 tỷ đồng. An Cường cũng còn khoản nợ phải thu khó đòi gần 26 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 19 tỷ đồng.
Tổng giá trị hàng tồn kho đến 31/12/2021 còn 1.410 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu tăng giá trị tồn kho nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng hóa.
Nhịp sống kinh tế