MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ bế tắc cho cảng Vân Phong

Cảng Vân Phong Khánh Hòa sau nhiều năm nằm im đã được đánh thức với dự án xây cảng mới có tổng vốn đầu tư 417 tỉ đồng

Ngày 11-4, ông Hoàng Đình Phi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) Vân Phong, cho biết vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Cảng Nha Trang đầu tư dự án cảng tổng hợp Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu với tổng vốn đầu tư khoảng 417 tỉ đồng. Vị trí cảng mới nằm ngay cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Vân Phong cũ trước đây giao cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư nhưng bị Chính phủ yêu cầu dừng thực hiện.

Tiền đề cảng biển quốc tế

Với diện tích 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước), KKT Vân Phong là một trong 15 KKT tổng hợp nằm trong “Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, khu vực dành cho cảng TCQT có tổng diện tích khoảng 750 ha với chiều dài tuyến bến gần 12,6 km. Ở giai đoạn khởi động, cảng TCQT Vân Phong vấp phải “cục nợ” khi Vinalines làm chủ đầu tư xây dựng dự án khởi động 2 cầu cảng với diện tích 41,5 ha tại khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Đến khi bị thu hồi năm 2012, Vinalines chỉ đóng được 114/1.729 cọc, chiếm 6% số cọc.

Theo BQL KKT Vân Phong, từ tháng 2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty CP Cảng Nha Trang đầu tư dự án cảng tổng hợp Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu. BQL KKT Vân Phong cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty này. Cảng mới có diện tích 42,21 ha, giai đoạn mở đầu sẽ xây dựng 1 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn. Năng lực thông quan 1,5-2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư của dự án mới này khoảng 417 tỉ đồng, trong đó vốn góp thực hiện của công ty là 200 tỉ đồng, vốn vay 217 tỉ đồng. Tiến độ đầu tư từ 18-26 tháng và thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Giai đoạn hoàn thiện, công ty sẽ xây dựng thêm 2 bến container cho tàu đến 15.000 TEU với lượng hàng thông quan từ 1-1,5 triệu TEU/năm.

“Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ quy hoạch cảng TCQT nhưng đây là tiền đề để tiếp tục phát triển, kêu gọi đầu tư cụm cảng khác. Trước mắt, cảng mới sẽ giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Khánh Hòa, Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên. Khu vực dành để làm cầu cảng biển ở KKT Vân Phong dài hơn 12 km, nếu các chủ đầu tư có nhu cầu thì vẫn dư sức làm cảng trung chuyển container” - ông Phi cho biết.

Nhu cầu cấp thiết

Hiện nay, cảng Nha Trang là nơi tiếp nhận hàng hóa chính của khu vực Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cảng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh quản lý, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng mới thay thế cảng Nha Trang tại vị trí phù hợp là nhu cầu cấp thiết, bảo đảm việc làm liên tục cho lực lượng lao động đã có kinh nghiệm, tránh lãng phí về phương tiện, thiết bị và chi phí vận chuyển tăng thêm khi phải chuyển hàng đến cảng xa hơn. Đồng thời bảo đảm cho việc lưu thông thông suốt hàng hóa cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo BQL KKT Vân Phong, cuối năm nay sẽ hoàn thành Quốc lộ 1 vào vị trí đặt cảng dài 14 km, năm sau sẽ hoàn thành 5 km đường giao thông ngoại cảng nên việc giao thông từ khu vực cảng rất thuận lợi. Hiện nay, khu vực làm cảng mới nằm trên vị trí cảng TCQT cũ nên về cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Cùng với quy hoạch cảng Nha Trang thành cảng du lịch nên việc xây cảng tổng hợp Bắc Vân Phong có nhiều triển vọng, gặp nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty CP Cảng Nha Trang, hiện nay, công ty đang trong giai đoạn chuyển giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, doanh nghiệp cũng vừa cổ phần nên vẫn còn “kẹt”, chưa thể triển khai gì lớn trong giai đoạn này.

Trước đó, tháng 11-2014, Thủ tướng đồng ý phê duyệt để Vinalines chuyển giao quản lý Công ty CP Cảng Nha Trang cho UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi thực hiện việc cổ phần hóa. Mục đích để chuyển đổi cảng Nha Trang từ cảng hàng hóa thành cảng du lịch quốc tế. Theo chủ trương này, tổng vốn điều lệ của Công ty CP Cảng Nha Trang khoảng 245,39 tỉ đồng, Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần, tương đương 34,65% (khoảng 85 tỉ đồng) cho Công ty CP Vinpearl Nha Trang (thuộc Vingroup) theo hình thức thỏa thuận trực tiếp. Số cổ phần còn lại khảng 15,07 triệu cổ phần, tương đương 61,43% vốn điều lệ sẽ chuyển giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Hiện nay, việc chuyển giao cổ phần này chưa được tiến hành.

Ngày 5-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất phương án gỡ vướng về tài chính để tiếp nhận toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại tại Công ty CP Cảng Nha Trang do Vinalines đang quản lý. Theo đó, khoản vốn mà Vinalines đã đầu tư nâng cấp cảng Nha Trang còn lại hơn 10 tỉ đồng chưa được thanh toán, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất sau khi tiếp nhận sẽ trả cho Vinalines.

Như vậy, sau 8 năm chờ đợi, cơ hội tái khởi động dự án cảng TCQT Vân Phong đang đến gần hơn bao giờ hết.

Theo Kỳ Nam

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên