Gỡ khó bất động sản: Cần góc nhìn công bằng hơn với ngân hàng
Ảnh minh hoạ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần phải công bằng với ngành ngân hàng không thể vừa muốn gửi tiền lãi suất cao mà lại được đi vay với lãi suất thấp.
- 12-02-2023Ngân hàng nào có tỷ lệ dự trữ tiền mặt cao nhất?
- 11-02-2023Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh dù NHNN hút ròng hơn 142.000 tỷ?
- 11-02-2023Lợi nhuận khả quan, nhiều ngân hàng sắp chi hàng ngàn tỉ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt
Bất động sản kêu khó
Tại Hội nghị về công tác tín dụng bất động sản diễn ra mới đây, đại diện các đơn vị kinh doanh nhà đất cho rằng những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu là thiếu sự quan tâm hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Trong đó, vấn đề tài sản bảo đảm, lãi suất và room tín dụng đang là những rào cản hàng đầu để các doanh nghiệp địa ốc tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời, các đơn vị này cũng đề nghị các nhà băng tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ ngành bất động sản phục hồi.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, chính vì vậy các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản phải được cân nhắc trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho cả 2 phía.
Ông Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hay phát ngôn nào yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế (14,7%). Trong nhiều năm, tỷ trọng cho vay bất động sản luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19% đến 21%.
Phía các ngân hàng thương mại cũng khẳng định đã dành không ít dư nợ tín dụng và sự quan tâm cho lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, chia sẻ, hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay BĐS tại BIDV là 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khá lớn trong danh mục. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay BĐS tăng 46 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước.
"Cho đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám Đốc Vietcombank chia sẻ tại hội nghị.
Hội nghị tín dụng bất động sản tổ chức ngày 08/02/2023.
Ngân hàng cũng cần được thấu hiểu
Tại hội nghị vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá, năm 2022 là năm rất khó khăn đối với ngành ngân hàng nhưng được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng và sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, cần được ghi nhận và đánh giá là thành công trong bối cảnh khó khăn.
Người đứng đầu ngành yêu cầu đại diện các ngân hàng giải thích rõ về những khó khăn của ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên các doanh nghiệp bất động sản cần thấu hiểu hơn, có góc nhìn công bằng hơn với ngành Ngân hàng, khi doanh nghiệp gửi tiền muốn lãi suất cao trong khi đi vay muốn lãi suất thấp.
Cũng theo bà Hồng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã quan tâm và dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng tín dụng BĐS ở mức 21,2%, ba năm qua đều có sự tăng trưởng cao. Đây là sự cố gắng bởi ngoài BĐS, ngành Ngân hàng còn cung ứng vốn cho nhiều ngành nghề khác, vì vậy, cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Nhịp sống thị trường