Gỡ khó cho hàng nghìn cơ sở karaoke, vũ trường
Hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đứng trước bờ vực phá sản, do phải liên tục đóng cửa vì vướng mắc quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đại diện các bộ, ngành khẳng định, giải pháp tháo gỡ không đơn giản nhưng phải làm để đảm bảo quyền lợi của người dân.
- 07-06-2023Yêu cầu điều tra bổ sung vụ cháy quán karaoke làm 32 người chết tại Bình Dương
- 30-05-2023Thủ tướng giao 3 bộ gỡ vướng kinh doanh dịch vụ karaoke
- 30-05-2023Loạt quán karaoke ở quận Cầu Giấy bị đình chỉ hoạt động
Nút thắt khó gỡ
Đại diện các ngành văn hóa, công an, xây dựng tề tựu tại Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 15/6.
Các đại biểu tập trung thảo luận, nêu ý kiến để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke. Sau gần 2 năm đóng cửa vì COVID-19, vừa hoạt động trở lại hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do vướng mắc trong quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đứng trước bờ vực phá sản.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là hoạt động kinh doanh có điều kiện, luôn tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh, an toàn (ma túy, mại dâm, cháy nổ). Qua kiểm tra, rà soát số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đa phần vi phạm về an toàn PCCC. Theo báo cáo của Bộ Công an ngày 15/3/2023, hơn 10 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động.
Những vi phạm chủ yếu do lắp đặt không đúng quy cách biển quảng cáo che hết mặt trước nhà, không bảo đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận, tác nghiệp, lắp đặt, sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm trên đường giao thông, lối thoát hiểm và trong phòng hát là chất dễ cháy, thiếu lối thoát nạn hoặc đường, lối thoát nạn không đảm bảo quy định, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC...
Phối hợp liên bộ
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đề nghị: Bộ Công an rà soát các quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA về biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc xây dựng quy hoạch về vị trí cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, PCCC của địa phương…
Tuy nhiên, việc khắc phục những vi phạm này không đơn giản bởi nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được cải tạo từ nhà ở, thiếu không gian và hệ thống hạ tầng không đảm bảo an toàn. Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, hơn 8 nghìn cơ sở còn tồn tại về PCCC khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC (chủ yếu tồn tại về giao thông dành cho chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, không đủ lối thoát nạn…).
“Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ngay từ thời điểm đưa công trình vào hoạt động và không được duy trì thường xuyên: Không đủ lối thoát nạn hoặc không bảo đảm theo quy định, sử dụng vật liệu trang trí nội thất trên đường thoát nạn, phòng hát không bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa theo quy định, không trang bị đủ phương tiện PCCC hoặc không duy trì chế độ hoạt động của hệ thống theo đúng chức năng, lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn PCCC...”, ông Hải nêu.
Thống kê từ năm 2020 đến nay xảy ra hơn 45 vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022 xảy ra 3 vụ, làm chết 32 người, bị thương 17 người và 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Khó mấy cũng phải gỡ
Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu đề cập là sự phối hợp liên Bộ giữa Bộ VHTTDL, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để cùng nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nối lại hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
“Các cơ quan quản lý đối với cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nghiêm thủ tục thẩm định, cấp phép xây dựng đối với dự án, công trình, nhất là công trình chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng từ nhà ở sang loại hình kinh doanh karaoke, vũ trường, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện nghiêm việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh đối với cơ sở bị đình chỉ hoạt động, không bảo đảm an toàn về PCCC”, Trung tá Lê Minh Hải đề xuất.
Ông cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở bảo đảm đúng quy trình theo quy định, xử phạt 100% hành vi vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh biết để giám sát, không để tình trạng cơ sở hoạt động chui.
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu đề xuất, Bộ Công an, Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phù hợp thực tiễn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, ngành văn hóa tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, vũ trường, tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường theo thẩm quyền. Các sở quản lý văn hóa phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường.
Tiền phong