MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ khó cho ngành hàng sầu riêng

02-07-2024 - 18:19 PM | Thị trường

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích sầu riêng cả nước hiện khoảng 151.000 ha, trong đó, diện tích sầu riêng vùng Tây Nguyên khoảng 75.488 ha.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích sầu riêng cả nước hiện khoảng 151.000 ha, phân bố tại các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó, diện tích sầu riêng vùng Tây Nguyên khoảng 75.488 ha, chiếm khoảng 50% diện tích cả nước.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với 32.785 ha; trong đó: diện tích trồng thuần là 9.556 ha, diện tích trồng xen 23.229 ha. Diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cho thu hoạch khoảng 15.852 ha (chiếm 48,35%).

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 7.292 ha; trong đó có 68 mã số vùng trồng (diện tích 2.521 ha) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng (diện tích 4.771 ha) đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt. Ngoài 23 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số, tỉnh Đắk Lắk có 10 cơ sở đóng gói quả tươi đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 16 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh đã cung cấp thông tin để Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Về sơ chế, chế biến, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 251 cơ sở thu mua và 37 cơ sở cấp đông sầu riêng.

Năm 2024, dự báo diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk tăng lên đến 34.000 - 35.000 ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn. Trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk có một số thuận lợi như: điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi; có lợi thế cạnh tranh về diện tích, năng suất, sản lượng để hình thành các vùng sản xuất sầu riêng tập trung; hệ thống văn bản tương đối đầy đủ nên thuận lợi cho chỉ đạo và thực hiện.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững...

Tuy nhiên, vùng sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu. Việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chưa chặt chẽ, bền vững. Tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, tranh mua, tranh bán vẫn còn xảy ra. Một số vùng trồng chưa duy trì tốt các yêu cầu kỹ thuật và thu hoạch sầu riêng non…

Gỡ khó cho ngành hàng sầu riêng- Ảnh 1.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với 32.785 ha

Chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng cường kiểm soát đối với vùng trồng sầu riêng bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch, kiềm chế tốc độ phát triển đối với những vùng trồng tự phát; tổ chức tốt chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu; xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát và siết chặt quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản, thu mua lớn tại tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường tiêu thụ sầu riêng.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, chất lượng sẽ quyết định thương hiệu sầu riêng. Để giải quyết những tồn tại và định hướng sản xuất, xuất khẩu sầu riêng phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Đắk Lắk cần định hướng đầu tư khoa học công nghệ cho ngành hàng mũi nhọn, hợp tác tăng nguồn lực đầu tư nghiên cứu tình hình sâu hại dịch bệnh, tiêu chuẩn cho sầu riêng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên