MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ khó thị trường địa ốc: Xử lý ngay 5 vướng mắc

27-11-2022 - 12:59 PM | Bất động sản

Thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản. Việc thành lập Tổ công tác được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giải tỏa cơ bản khó khăn cho thị trường bất động sản, trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Gỡ khó thị trường địa ốc: Xử lý ngay 5 vướng mắc - Ảnh 1.

Xử lý ngay vướng mắc

Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, hầu hết việc gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.

Chính vì vậy theo Quyết định 1435, Tổ công tác sẽ được yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết.

Tổ công tác cũng được mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đáng lưu ý, Tổ công tác chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.

Tổ công tác được trao quyền hạn rất lớn, chủ động giải quyết ngay những tồn đọng mà không cần chờ thông qua Luật Đất đai hay các luật liên quan, thậm chí là Nghị định hướng dẫn. Việc trao quyền lớn cho Tổ công tác đã phần nào đã giải tỏa được những lo lắng trên thị trường.

Gỡ khó thị trường địa ốc: Xử lý ngay 5 vướng mắc - Ảnh 2.

Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản. (Một dự án chậm triển khai ở Bình Dương. Ảnh: T.H)

Khơi thông thủ tục đầu tư

Tổng hợp các kiến nghị từ doanh nghiệp, Hiệp hội đưa ra một số kiến nghị: Thứ nhất, doanh nghiệp kỳ vọng cho phép doanh nghiệp, chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Thứ hai , đề nghị Tổ công tác tháo gỡ các vướng mắc tại Nghị định 100/2015 và Nghị định 49/2021 và sửa đổi các quy định về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của hai nghị định này.

Thứ ba, với tiêu chí về đất công xen kẽ trong dự án, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành các dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại nghị định 148.

Thứ tư , doanh nghiệp đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, để doanh nghiệp hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản đồng thời để người mua nhà sớm được cấp giấy chứng nhận.

Thứ năm , đề nghị Tổ công tác sẽ tháo gỡ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định số phận của dự án.

Nhiều khó khăn khi triển khai các dự án bất động sản ở các địa phương đã được doanh nghiệp kiến nghị, mặc dù chưa biết sẽ tháo gỡ đến đâu nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả nhất định và lấy lại niềm tin trên thị trường cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp các địa phương.

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt nam

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên