Gỡ rào cản hợp tác logistics Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ sẽ giúp giảm chi phí xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời tạo “đòn bẩy” cho việc khai thông dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi.
- 18-12-20205G - bệ phóng mới cho Vsmart ở Mỹ và Việt Nam?
- 18-12-2020Phát triển công nghiệp chủ lực: Doanh nghiệp “khát” nguồn nhân lực
- 18-12-2020Từ năm 2021, người lao động nếu chưa nghỉ hết phép năm có được thanh toán tiền lương?
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam - Trung Đông, châu Phi 2020 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam tại các nước Trung Đông - châu Phi (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/12.
Thông tin thị trường hạn chế
Năm 2020 là một năm có nhiều biến động với lĩnh vực logistics. Dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mạnh mẽ hoạt động logistics hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, trong đó có xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông, châu Phi. Theo số liệu sơ bộ của Cục Hàng hải Việt Nam, tính chung 11 tháng năm 2020, khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam chỉ tăng trưởng nhẹ với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt gần 630 triệu tấn hàng hóa thông qua, trong đó, khối lượng hàng container ước đạt gần 20 triệu TEUS.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho rằng, chi phí vận chuyển hàng bằng container từ Trung Quốc sang Đông Nam Á đang tăng mạnh do tình trạng thiếu container. Đây là kết quả của việc phân phối không đồng đều để đáp ứng nhu cầu lớn hơn của nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Đông, châu Phi cách xa về địa lý nên hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh Covid-19 càng trở nên khó khăn, chi phí cũng đắt đỏ hơn và vướng nhiều rào cản.
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Chủ trì diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội
Theo ông Hoàng Minh Chiến, để đảm bảo cho luồng chảy thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông, châu Phi, vai trò của thuận lợi hóa giao thông vận tải, logistics có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Đồng quan điểm với ông Hoàng Minh Chiến, ông Ahmed Hassan - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Alexandria Ai Cập - cho rằng, các nền kinh tế đang đối mặt với một thách thức mới khiến thay đổi thế giới. Khi các quốc gia đang thực hiện các biện pháp thiết yếu để bảo vệ người dân khỏi sự bùng phát của Covid-19, nhu cầu bán lẻ trực tuyến đối với các mặt hàng y tế và các sản phẩm tươi sống đang tăng lên đáng kể. Ngành logistics và chuỗi cung ứng hiện tại đang cố gắng đáp ứng các nhu cầu mới bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên khoảng cách giữa cầu và cung ngày càng tăng. Mặc dù đứng trước khủng hoảng nhưng tiềm năng hợp tác logistics giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Đông, châu Phi còn rất lớn.
Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Ảrập Xêút đánh giá cao ngành logistics của các nước Trung Đông, châu Phi, trong đó có Ảrập Xêút. Ngành logistics hình thành và phát triển tại Ảrập Xêút hơn 70 năm và có nhiều thành tựu từ hàng không, đường biển và đường bộ.
Trong khuôn khổ tầm nhìn năm 2030 của Ảrập Xêút, nước này đã cho ra đời Saudi Arabian Logistics (SAL) với chiến lược thúc đẩy chuyển đổi kinh tế của đất nước bằng cách trở thành trung tâm hậu cần vận tải toàn cầu, quản lý hàng hóa đẳng cấp thế giới cả đường không, đường bộ, đường biển thông suốt nối liền 3 châu lục: châu Á – châu Âu – châu Phi… "Đây là những cơ hội tốt để doanh nghiệp logistics Việt Nam với doanh nghiệp logistics Ảrập Xêút nói riêng và Trung Đông, châu Phi nói chung tăng cường hợp tác" - ông Trần Trọng Kim cho hay.
Bên cạnh đó, ông Bùi Bá Nghiêm - đại diện Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng, có thể còn rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa hiểu rõ những cơ hội đang mở ra tại thị trường Việt Nam và chưa biết nhiều về các đối tác tiềm năng tại đây. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác, phát triển thị trường sang khu vực Trung Đông, châu Phi nhưng còn đang rất hạn chế về năng lực tiếp cận cũng như thông tin về các đối tác.
Giải pháp thúc đẩy hợp tác
Nhận định việc xây dựng các nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực logistics sẽ rất quan trọng để thích ứng với những khủng hoảng mới trong dài hạn, ông Ahmed Hassan - cho biết, chuỗi cung ứng số hóa, cùng với mạng lưới hải cảng, bến bãi và các khu kinh tế mở trên toàn cầu, sẽ đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác chỉ qua một cú nhấp chuột. Các công nghệ mới đang thúc đẩy logistics trực tuyến và cho phép thương mại thông minh hơn, hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng; từ đó cho phép tối ưu hóa việc di chuyển hàng hóa.
Mặt khác, các công ty Việt Nam nên tìm cách khai thác vị trí kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi của Ai Cập như một trung tâm logistics và sản xuất để tiếp cận các thị trường này, đặc biệt là thông qua Hành lang kênh đào Suez. Theo đó, cần chuyển từ hợp tác song phương sang hợp tác ba bên để khai thác các khu vực thương mại tự do sẵn có ở thế giới Ảrập Xêút. Các công ty Việt Nam có thể đưa các linh kiện sang Ai Cập để thực hiện quá trình sản xuất cuối cùng, từ đó đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Ai Cập và xuất khẩu sang các thị trường lân cận một cách thuận lợi, với chi phí vận chuyển thấp hơn.
Gỡ rào cản hợp tác logistics Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi
Ông Bùi Bá Nghiêm cũng cho rằng, những cơ hội kinh doanh không chỉ ở việc doanh nghiệp có thể làm đại lý cho nhau tại thị trường của mỗi bên, mà còn ở cơ hội tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics còn đang rất thiếu ở Việt Nam hiện nay, cũng như tham gia triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong logistics, đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics và hợp tác trong những lĩnh vực mới như logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, ông Hoàng Minh Chiến bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp logistics Việt Nam và Trung Đông, châu Phi, thông qua diễn đàn này sẽ có điều kiện thuận lợi gặp gỡ trực tuyến, trao đổi về những vấn đề tồn tại, các định hướng và cơ hội hợp tác, liên kết cùng tận dụng và phát huy các nguồn lực của nhau để tối ưu hóa các dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi. "Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tăng tính kết nối của các phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động…", ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Chia sẻ tại các phiên giao thương doanh nghiệp, ông Karim Ahmed, đồng sáng lập Công ty Raktos Ai Cập về dịch vụ kỹ thuật và hàng hải cho biết, diễn đàn thể hiện những nỗ lực lớn của Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan liên quan trong việc kết nối hiệu quả cho Công ty Rakos với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp hợp tác cùng phát triển.
Báo Công thương