Gỡ thanh khoản cho thị trường địa ốc bằng cách nào?
Đưa ra gói tài chính hỗ trợ cho người mua nhà để kích cầu, tháo điểm nghẽn về nguồn cung… là những giải pháp mà một số lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia đề xuất nhằm gỡ thanh khoản cho thị trường địa ốc.
Thanh khoản của thị trường địa ốc được ví là điểm mấu chốt tạo ra sự đóng băng hoặc phục hồi của kênh đầu tư này. Khi thanh khoản tăng, đồng nghĩa lượng giao dịch cũng tăng, doanh nghiệp địa ốc sẽ có dòng nhựa sống để nuôi bộ máy, triển khai dự án. Nhưng thực tế, thanh khoản thị trường đang sụt giảm mạnh.
Dữ liệu đơn vị nghiên cứu thị trường địa ốc ghi nhận, mức độ quan tâm và lượng giao dịch của thị trường BĐS Việt Nam đều sụt giảm.
Khảo sát từ nhiều sàn giao dịch nhà đất cho thấy, nếu thời điểm quý II/2022, có khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh và 45% nói giao dịch có sụt giảm nhưng không quá lớn thì bước sang quý III/2022, tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch) lên đến 43% và quý IV/2022 đã có 62% môi giới xác nhận sự sụt giảm mạnh giao dịch.
Về vấn đề gỡ thanh khoản, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải đưa ra gói hỗ trợ tài chính để kích cầu người mua nhà cũng như tháo gỡ nguồn cung.
Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital nhận định, các công ty bất động sản Việt Nam hiện khủng hoảng thanh khoản do ba nguyên nhân. Cụ thể, chính sách tiền thệ bị thắt chặt, các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay và các công ty bất động sản ở Việt Nam vay ngắn hạn cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.
Theo ông Don Lam, để giải quyết bài toán thanh khoản, các công ty bất động sản cần tiếp cận nguốn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, cần nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối. Đồng thời thành lập quỹ cứu trợ như một số quốc gia khác.
Vị lãnh đạo Quỹ VinaCapital cho rằng, dự án xây dựng cần vốn dài hạn nhưng doanh nghiệp địa ốc chỉ vay vốn ngắn hạn. Ông Don Lam đề xuất cần phê duyệt hoặc từ chối dự án kịp thời để công ty bất động sản có kế hoạch dòng tiền hợp lý.
Ở góc độ lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, để giải thanh khoản thị trường cần sản phẩm có tầm giá khoảng 2-3 tỷ đồng thay vì căn hộ 6-7 tỷ đồng. Vì trong một ngày mở bán, căn hộ có mức giá tầm trung sẽ nhanh chóng hết. Thêm nữa, nhu cầu của thị trường của người dân rất cao và người dân đang chuẩn bị sẵn những nguồn lực để mua nhà, cùng với đó, rất nhiều các nhà đầu tư cũng vậy, họ vẫn trực chờ để tìm những sản phẩm có giá trị sản phẩm thích hợp có hiệu quả để có thể đưa tiền thị trường…
Một đề xuất khác mà ông Đính đưa ra đó là gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Đánh giá khoản hỗ trợ này có thể là con số không lớn nhưng đóng góp trong kích cầu là rất lớn.
Ngoài ra theo ông Đính, hiện có 1000 dự án gặp vướng mắc. Tổng số giá trị của 1000 dự án tương đương khoảng 700.000 tỷ. Số tồn đọng này, nếu không được khơi thông sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại nếu có thể nhanh chóng khơi thông được sẽ cùng một lúc giải quyết không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cùng tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, để gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc, đẩy thanh khoản thị trường thì cần tiếp thêm vốn cho công ty. Theo ông Hiệp, Ngân hàng nhà nước công bố cho thấy zoom tín dụng vẫn còn dư 1-1,2% và bổ sung thêm 1,5%, như vậy room còn nhưng vấn đề doanh nghiệp tiếp cận như thế nào mới là vấn đề. Về tổng thể Thủ tướng đã có chỉ đạo quyết liệt, các ngân hàng đã nới room nhưng việc triển khai tiếp cận được còn nhiều vấn đề. Một vấn đề nữa mà ông Hiệp đưa ra, dự án bất động sản “nguồn máu” lưu thông chính vẫn là tín dụng, nhưng lãi suất cao như hiện nay thì cực kỳ khó.
Theo ông Hiệp, khi những vấn đề trên được giải quyết sẽ góp phần vào thúc đẩy thị trường.
Nhịp sống thị trường