MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỗ Trung Quốc bị tố đội lốt, chèn ép doanh nghiệp Việt

02-08-2016 - 10:35 AM | Thị trường

Vấn đề khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương lo ngại nhất hiện nay là doanh thu của họ giảm sút khi doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi khi Việt Nam hội nhập.

Vấn đề khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương lo ngại nhất hiện nay là doanh thu của họ giảm sút khi doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi khi Việt Nam hội nhập - ông Lưu Phước Lộc - Giám đốc Công ty chế biến gỗ Mtrade, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương lên tiếng tại một buổi tọa đàm của các DN ngành gỗ mới đây.

Cụ thể, ông Lộc cho biết hiện nay đang có làn sóng các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Bình Dương, vấn đề ở chỗ họ đội lốt một doanh nghiệp Việt Nam, trong khi hàng hóa của họ mang sang gần như đã là thành phẩm, phần việc của họ tại Việt Nam có chăng chỉ là lắp ráp lại và phủ sơn.

“Mục đích của các doanh nghiệp Trung Quốc là họ muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc không được cấp C/O sang thị trường Hoa Kỳ do họ bán phá giá sang thị trường này, hơn nữa họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Trong cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn có lợi thế bởi họ luôn sản xuất với quy mô cực lớn,” ông Lưu Phước Lộc nói.

Nếu không có biện pháp cụ thể, rất có thể các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ “chết”, các doanh nghiệp Trung Quốc không đứng tên của chính họ mà lại mang danh doanh nghiệp Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khi TPP có hiệu lực. Như vậy, TPP là con dao hai lưỡi, nếu doanh nghiệp biết tận dụng các ưu đãi do Hiệp định này mang lại sẽ thành công, nhưng với tình trạng này, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lấy hết lợi thế ưu đãi đó của Việt Nam.

Hiện nay Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể của các doanh nghiệp, nhưng theo ông Lộc, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàn đang diễn ra hằng ngày, và điều đó ai cũng thấy rõ. Thị trường vẫn còn đó, nhưng miếng bánh đã không còn là của mình mà nằm trong tay người khác.

Để ngăn chặn tình trạng này, đại diện của các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất Bộ Công thương nên có những chính sách về C/O theo hướng rõ ràng hơn, chẳng hạn như với mẫu C/O cụ thể như bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo từng tỷ lệ: 100%, 70% và 50%. Còn đối với những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa dưới 30% thì dứt khoát không cấp C/O.

“Không thể có chuyện doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhưng lại chỉ để lại giá trị thặng dư không đáng kể, có như vậy mới bảo vệ được cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam,” ông Lưu Phước Lộc bức xúc.

Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khi TPP được thông qua, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đều phải đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ, nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, bà Thảo khuyến nghị các doanh nghiệp có thể tập hợp nhau lại gửi kiến nghị lên Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để từ đó có những biện pháp phòng ngừa.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

Trở lên trên