MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ vướng cho dự án 4 tỉ USD ở Bạc Liêu

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có văn bản gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu để sớm chuyển sang giai đoạn thi công

Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất ĐBSCL tính tới thời điểm này, với tổng mức đầu tư trên 4 tỉ USD.

Nhiều quy định chưa có tiền lệ

Dự án này tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 70 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100 ha mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí LNG; trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Theo kế hoạch, từ khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 1-2020), nhà đầu tư có 12 tháng để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án vào đầu năm 2021. Dự kiến đến đầu năm 2024, tổ máy tua-bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) sẽ vận hành và tiếp tục xây lắp, đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12-2027.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong thủ tục chuẩn bị đầu tư nên tiến độ thực hiện dự án này đang chậm hơn nhiều so với dự kiến. Chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để kịp khởi công dự án vào cuối năm nay, trễ gần 1 năm so với kế hoạch.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu đang gặp khó khăn liên quan đến những quy định chưa có tiền lệ trong thu hút đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài mà Luật Đầu tư cũng như một số nghị định hướng dẫn chưa theo kịp.

"Trở ngại lớn nhất là giá điện và kế hoạch mua điện theo Luật Điện lực hiện chưa thống nhất. Nhà đầu tư bán tất cả 3.200 MW thì điện lực có mua hết hay không vẫn còn đàm phán tiếp. Nhà đầu tư chủ yếu lấy USD về để đầu tư, mua máy móc thiết bị nhưng khi mình trả bằng tiền VNĐ thì có đổi ra USD để chuyển ra nước ngoài được hay không, điều này cũng vẫn còn đàm phán" - ông Thiều nêu khó khăn.

Trước những rào cản khiến dự án quan trọng hàng đầu của tỉnh chậm triển khai thi công, mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã gửi văn bản kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiến nghị các vấn đề chính cần khẩn cấp tháo gỡ để khởi công dự án vào cuối năm 2021.

Theo kiến nghị, giá bán điện của dự án này sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - tính toán sơ bộ trong nghiên cứu tiền khả thi là khoảng 7 UScents/KWh (1.600 đồng). Để có được điều này, cần sự nỗ lực chung của cả nhà đầu tư cũng như EVN (cơ quan thay mặt nhà nước mua điện của nhà máy) và Bộ Công Thương.

Gỡ vướng cho dự án 4 tỉ USD ở Bạc Liêu - Ảnh 1.

Phối cảnh Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu

Cố gắng kịp tiến độ

Theo nhà đầu tư, khả năng khởi động nhanh với tốc độ hòa lưới lên tới 55 MW/phút của tua-bin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02- thế hệ công nghệ tiên tiến nhất đã thương mại hóa hiện nay của Tập đoàn General Electric (Mỹ) sẽ khắc phục nhược điểm thiếu ổn định của năng lượng tái tạo. Qua đó, Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng điện gió, điện mặt trời của tỉnh Bạc Liêu và khu vực, duy trì an toàn lưới điện.

Ngoài ra, dự án này sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu thiết bị công nghệ tiên tiến và nguồn nhiên liệu LNG từ Mỹ, từ đó giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Chính vì vậy, tháng 9-2019, dự án đã được Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Chương trình Vận động thương mại của chính phủ nước này.

Lãnh đạo Bạc Liêu kỳ vọng dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu sẽ là động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo thêm hàng ngàn việc làm, hàng chục tỉ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng; hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, cùng hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành.

Vừa qua, DOE cũng đã thành lập Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu để thay mặt chủ đầu tư triển khai các thủ tục, giấy phép, thỏa thuận liên quan và thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

"Tôi tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ của các tập đoàn uy tín, cùng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cơ quan trung ương, dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu sẽ được xây dựng với các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để cung cấp nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, ổn định và tin cậy với giá thành hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thực hiện chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam" - ông Đỗ Bá Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu, nhấn mạnh.

Đã được phê duyệt ĐTM

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân vừa ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu. Theo đó, Bộ TN-MT đề nghị chủ đầu tư niêm yết công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo quy định pháp luật. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án. Đây cũng là cột mốc quan trọng để chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết, tiến tới khởi công dự án vào cuối năm 2021 theo dự kiến.


Theo Duy Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên