MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc giải đáp: Khi Shark ra deal, startup có lời hơn nếu nhận 8 tỷ cho 40% cổ phần thay vì 4 tỷ cho 20%?

11-05-2021 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Góc giải đáp: Khi Shark ra deal, startup có lời hơn nếu nhận 8 tỷ cho 40% cổ phần thay vì 4 tỷ cho 20%?

Thoạt nhìn qua, hai mệnh đề tưởng như đang tỷ lệ thuận với nhau nhưng thực tế, định giá startup đã bị giảm đi đáng kể.

Cloud Cook là một trong ba startup đã gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam tập 2 mùa 4. Theo chia sẻ của CEO Hoàng Tùng, Cloud Cook là mô hình tập trung các nhà bán hàng trên app giao đồ ăn về cùng một địa điểm để giảm chi phí đầu tư.

So với mô hình bếp trung tâm các app tự mở ra, Cloud Cook có ưu điểm là cho phép bán hàng trên tất cả các ứng dụng, thay vì bị giới hạn trong một app nhất định.

"Ngành F&B có rất nhiều rủi ro, chi phí đầu tư lớn, với bếp trung tâm, nhà bán hàng chỉ cần số vốn vài chục triệu đồng đã có thể khởi tạo khu bếp và nhận đơn hàng… Nó sẽ tiết kiệm tài nguyên cho xã hội rất nhiều", nhà sáng lập nhận định.

Xuyên suốt phần trình bày của CEO Hoàng Tùng, có thể thấy phần hấp dẫn nhất là màn giằng co giữa anh và các cá mập, khi hàng loạt deal được tung ra đi kèm với số vốn và những tỷ lệ cổ phần liên tục "nhảy múa".

"Nhiều lúc mình rất run vì mình tính toán không được nhanh, lúc đấy những con số nảy trên đầu rất là nhiều", CEO Hoàng Tùng thú nhận sau cánh gà của chương trình.

Trước khi điểm qua những deal được liên tục tung ra trong màn gội vốn này, chúng ta cùng ghi nhớ công thức dưới đây:

Giá trị công ty trước khi shark bỏ tiền = Giá trị công ty sau khi shark bỏ tiền – Khoản tiền đầu tư

Ban đầu, CEO Hoàng Tùng đề xuất gọi vốn 4 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần. Tuy nhiên, sau khi bị các Shark chê bài toán tài chính chưa hợp lý, ý tưởng hơi "lãng mạn",... anh Tùng đã đồng ý nâng tỷ lệ trao đổi thành 4 tỷ đồng cho 20%.

Ở mốc anh Tùng đặt ra, giá trị công ty trước khi Shark bỏ tiền = 20 tỷ - 4 tỷ = 16 tỷ đồng

Trong khi các nhà đầu tư khác vẫn đang phân vân, thì Shark Liên nâng hẳn lời đề nghị lên 8 tỷ đồng cho 40% với quyết tâm "hạ knock out" các "cá mập" khác. Nghe qua có vẻ startup được lời nhưng thực tế, Shark Liên đã "hạ giá" startup xuống khá nhiều.

Bởi ở mốc 8 tỷ đồng cho 40% cổ phần, giá trị công ty trước khi Shark Liên bỏ tiền = 20 tỷ - 8 tỷ = 12 tỷ đồng (đã giảm 4 tỷ so với mốc CEO Hoàng Tùng đề nghị).

Góc giải đáp: Khi Shark ra deal, startup có lời hơn nếu nhận 8 tỷ cho 40% cổ phần thay vì 4 tỷ cho 20%? - Ảnh 1.

Trong khi startup còn đang bối rối, Shark Bình tiếp tục tung chiêu mới, mượn câu thơ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa để tự nhận mình là "gió đông" của startup. Nhưng "gió đông" đưa ra deal còn rắn hơn Shark Liên, 4 tỷ đồng cho 33% cổ phần, tức giá trị công ty trước khi Shark xuống tiền sẽ chỉ còn 8 tỷ đồng.

Rõ ràng deal mới của Shark Bình vừa làm giảm định giá của startup xuống sâu hơn, vừa khiến founder đã rối nay càng thêm rối. Bằng chứng là CEO Hoàng Tùng phải lui ra sau cánh gà trong 2 phút để trấn tĩnh lại suy nghĩ. Tuy nhiên, khi trở vào, anh đã phản đòn và tự có quyết định riêng của mình.

"Em giữ nguyên mong muốn 8 tỷ cho 40% cổ phần, nhưng em muốn có cả 2 Shark lên thuyền để tạo ra một điều gì đó thật lớn lao trong ngành F&B Việt Nam. Tùy các Shark cân đối tỷ lệ".

Lúc này, lấy lý do thích các con số tròn trịa, Shark Bình đại diện Shark Liên đề nghị cả 2 người cùng tham gia, với số vốn 6 tỷ đồng cho 40% cổ phần (mỗi Shark góp 3 tỷ để đổi lấy 20% cổ phần). Giá trị startup trước đầu tư dừng lại ở mức 9 tỷ đồng, thấp hơn con số 16 tỷ đồng mà founder mong muốn khá nhiều.

Cuối cùng CEO Hoàng Tùng vẫn đồng ý mức 6 tỷ đồng cho 40% cổ phần để có 2 Shark cùng tham gia, và khẳng định với anh "tiền không phải vấn đề quá lớn". Quan trọng hơn, theo đánh giá của anh Tùng, "2 Shark có nguồn lực tạo nên 2 mảnh ghép giúp được cho mô hình Bếp trên mây Cloud Cook tăng trưởng mạnh trong tương lai, đặc biệt là ở mảng đấu nối công nghệ và phát triển đào tạo trong mảng Food App".

Theo Nhật Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên