Đây là cách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tàn phá các "thiên đường thuế"
Bộ trưởng Tài chính của nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) vừa đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về mức thuế tối thiểu 15% với các doanh nghiệp toàn cầu. Việc G7 bật đèn xanh có thể khiến thỏa thuận này sớm được áp dụng rộng rãi.
- 06-06-2021G7 đạt thoả thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
- 04-06-2021Ford đối mặt án phạt 1,3 tỷ USD vì “phù phép” xe khách thành xe tải để lách thuế
- 30-05-2021Hàn Quốc áp thuế 20% với giao dịch tiền ảo từ năm sau
- 29-05-2021Mỹ sẽ có thêm 700 tỷ USD trong thập niên tới từ mạnh tay với trốn thuế?
- 26-05-2021Cú sập Bitcoin làm lộ lỗ hổng thuế để nhà đầu tư lách luật
Thỏa thuận này nhằm mục đích chấm dứt điều mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi là "cuộc đua xuống đáy của thuế suất doanh nghiệp suốt 30 năm" qua. Nó cũng chấm dứt việc các quốc gia sử dụng ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia.
Thuế tối thiểu với doanh nghiệp toàn cầu là gì?
Trải qua nhiều năm đàm phán, G7 vừa thống nhất rằng các công ty đa quốc gia phải nộp thuế ít nhất bằng 15% lợi nhuận trên toàn cầu.
"Hôm nay, sau nhiều năm ròng đàm phá, tôi xin thông báo các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đạt thoả thuận lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu. Thỏa thuận này nhằm đảm bảo hệ thống phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số cũng như sự công bằng", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực này. Trước đó, ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi thực hiện thuế tối thiểu trên toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia nhằm ngăn sự cạnh tranh không lạnh mạnh. Lý do phía Mỹ đưa ra là việc các nước cố gắng giảm thuế để thu hút doanh nghiệp mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay an toàn, phúc lợi cho người lao động.
Trong một Hội nghị quốc tế trực tuyến ở Chicago, bà Yellen nhấn mạnh: "Cùng nhau, chúng ta có thể áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo sự phát triển dựa trên một sân chơi bình đẳng hơn. Việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia cũng đảm bảo sự thúc đẩy cho tăng trưởng, thịnh vượng và sự đổi mới".
Người phụ nữ có danh hiệu "bà đầm thép" trong lĩnh vực Tài chính cũng cho biết Chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn "chấm dứt cuộc đua xuống đáy" trong lĩnh vực thuế suất doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Hiện tại, Mỹ sẽ hợp tác với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) để thúc đẩy áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Thuế doanh nghiệp của các nước OECD.
Vì sao có thuế tối thiểu toàn cầu?
Các nền kinh tế lớn đang hướng tới mục tiêu không khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận, và cả doanh thu từ thuế, sang các nước có mức thuế thấp bất kể hoạt động kinh doanh của họ diễn ra ở đâu.
Thực tế, nguồn thu nhập từ bằng sáng chế thuốc, phần mềm và tiền bản quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được chuyển nhiều sang các quốc gia mà chúng ta vẫn hay gọi là "thiên đường thuế". Điều này giúp các doanh nghiệp tránh phải trả thuế cao hơn tại quê nhà của họ hoặc các thị trường mang về cho họ nhiều doanh thu nhất.
Thuế tối thiểu cho doanh nghiệp được bàn thảo ở đâu?
Lãnh đạo G7 vừa chính thức đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu với mức tối thiểu 15%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã điều phối các cuộc đàm phán về thuế giữa 140 quốc gia trong nhiều năm, bao gồm cả thuế tối thiểu cho các doanh nghiệp toàn cầu.
Các nước OECD và G20 cũng đã đạt đồng thuận về những điều này vào giữa năm nhưng các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu vẫn đang tiếp diễn. Nếu đạt được sự đồng thuận trên diện rộng, những quốc gia được biết tới như các "thiên đường thuế" sẽ rất khó để đảo ngược quyết định của các nước.
Theo tính toán của OECD, các doanh nghiệp sẽ phải chi tối thiểu 50 đến 80 tỷ USD tiền thuế bổ sung trên toàn cầu vì các quy định về thuế mới.
Cuộc đua xuống đáy của thuế doanh nghiệp toàn cầu sắp tới hồi kết.
Thiên đường thuế bị tàn phá như thế nào?
Tháng trước, OECD cho biết thiết kế cơ bản của mức thuế tối thiểu đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, con số chính thức chưa được thống nhất. Các chuyên gia về thuế toàn cầu cũng nhấn mạnh đây là vấn đề gai góc nhất.
Các hạng mục khác vấn còn đang được đàm phán bao gồm liệu các ngành như quỹ đầu tư và quỹ tín thác đầu tư bất động sản có bị đánh thuế hay không, khi nào mức thuế mới được áp dụng....
Nếu các quốc gia đồng ý về mức tối thiểu toàn cầu, các chính phủ vẫn có thể áp bất cứ mức thuế doanh nghiệp nào mà họ muốn trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nếu các công ty trả mức thuế thấp hơn ở một quốc gia cụ thể thì chính phủ nước sở tại của họ có thể tăng thuế lên để bù lại. Điều này khiến các doanh nghiệp không thể dựa vào các thiên đường thuế như trước kia.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Một cuộc họp của nhóm G20 dự kiến diễn ra ở Venice vào tháng tới sẽ quyết định xem thỏa thuận của G7 có nhận được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển trên toàn cầu hay không. Vẫn còn nhiều điều cần được hoàn thiện, bao gồm việc xác định chi tiết các điều khoản.
Tuy nhiên, hậu quả dễ nhận thấy nhất là sự tàn phá với các quốc gia đang áp dụng thuế suất thấp để các doanh nghiệp toàn cầu tới "né thuế". Điều này đã dẫn tới sự phản ứng của các quốc gia, vốn duy trì mức thuế thấp để thu hút các doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những sự phản kháng này thường tới từ những nền kinh tế nhỏ và chiếm thiểu số nên khó có thể làm thay đổi cục diện.
Tham khảo: Reuters