Cách trí tuệ nhân tạo AI ‘trả ơn’ những người kiến tạo: Đẩy họ tới cuộc sống bấp bênh, lương 'bèo bọt' thậm chí là giám sát ‘nhất cử nhất động’
AI liệu có đang giúp thế giới phát triển hay không?
- 15-02-2023Hơn 200 giờ mắc kẹt sau động đất, vẫn còn người sống sót
- 15-02-2023USD cao nhất 6 tuần, rouble Nga thấp nhất 10 tháng, vàng đi ngang sau dữ liệu CPI của Mỹ
- 15-02-2023Trước ‘ông vua’ phần mềm Bill Gates, thế giới đã có một ‘ông trùm’ khoa học hiện đại: Cũng bỏ học giữa chừng, vài năm sau là làm nên nghiệp lớn
Trí tuệ nhân tạo AI dường như đang “âm thầm” thay thế con người ở một số công việc, nhưng thực tế, nó không thay thế mà đang “đẩy” họ xuống vị trí thấp hơn.
Khiến người lao động bị “ép giá”
Nhiều công ty hàng đầu đang phát triển các phương tiện tự lái - từng được cho là sẽ thay thế hàng loạt công việc lái xe trong một ngày nào đó, nhưng thực tế là chúng cũng đang dựa vào một đội ngũ nhân viên giấu mặt.
Hiện tại, có những kỹ sư được trả lương cao ở Mỹ để phát triển phần mềm, công cụ để thiết lập bản đồ cũng như các chỉ dẫn cho ô tô, nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh.
Công nghệ lái xe tự động thật ra là đang phụ thuộc vào những người lao động được trả lương thấp trên khắp thế giới. Đó là những người làm công việc “dán nhãn” - đưa ra dữ liệu chuẩn cho xe tự lái. Nghĩa là các nhân viên sẽ thực hiện các thao tác thiết lập, ví dụ như kẻ các ô vào khung hình mà camera trên xe tự lái đã ghi lại được, sau đó chú thích tương ứng đâu là ô tô, đâu là xe đạp, đâu là người, đâu là biển báo.
Dán nhãn dữ liệu xe ô tô
Nếu không có các nhãn đó, hệ thống cảm biến của xe tự lái sẽ không thể xác định và điều hướng xe đi đúng con đường một cách an toàn.
Một cuộc điều tra của MIT Technology Review vào tháng 4 năm ngoái đã phát hiện ra rằng các công ty xe tự lái, bao gồm cả Tesla, đã sử dụng nhân công giá rẻ ở Venezuela và thuê họ dán nhãn cho dữ liệu xe tự lái với mức lương trung bình chỉ hơn 90 xu một giờ.
Năm ngoái, Tesla cũng đã sa thải 200 nhân công tại Mỹ mà họ trực tiếp tuyển dụng để làm công việc dán nhãn này. Điều này cho thấy thay vào đó, họ đang tự động hóa phần lớn nhiệm vụ đó - một máy tính dạy một máy tính khác.
Không chỉ là công nghệ tự lái. Một cuộc điều tra gần đây của tạp chí Time đã cho thấy OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, đã thuê những người ở Kenya với giá ít hơn 2 USD/giờ để xem xét các nội dung về nhiều chủ đề đáng lo ngại, bao gồm "lạm dụng tình dục trẻ em, thú tính, giết người, tự tử, tra tấn, tự làm hại bản thân và loạn luân" để cố gắng làm cho công cụ này không nói ra những điều “nhạy cảm”.
Ngoài ra, các công ty khác đã đi xa đến mức tuyển dụng công nhân trong các trại tị nạn, nơi có rất ít cơ hội và mọi người sẽ chấp nhận mức lương cực kỳ thấp, để giúp các doanh nghiệp đào tạo các công cụ AI và máy học của họ. Sự “hiện đại”, phát triển của công nghệ cũng là nhờ một phần công của các đội ngũ nhân viên “con người” được trả lương thấp trên khắp thế giới. AI không hề thần thánh, nó được trợ giúp từ con người nhưng lại khiến họ phải chịu cảnh giá lao động rẻ mạt.
AI “bào mòn” con người
Nếu hỏi các công ty, họ sẽ đều nói rằng việc thúc đẩy tự động hóa là để phục vụ khách hàng tốt hơn và nâng cao hiệu suất. McDonald's tuyên bố mô hình cửa hàng “tự động” của họ sẽ giúp hoạt động phục vụ nhanh hơn và giúp ít đơn đặt hàng lỗi hơn. Trong khi đó, Tesla tuyên bố rằng ghi nhãn dữ liệu bằng tự động hóa có thể sẽ chính xác hơn.
Nhưng trên thực tế, những công cụ này không đem về hiệu quả quá lớn. Liệu rằng các công cụ công nghệ mới lạ mà các công ty đã chế tạo có thực sự làm cho nền kinh tế tốt hơn hay không?
Năng suất lao động của Mỹ đã tăng ở mức dưới mức trung bình kể từ năm 2005. Và bất chấp hy vọng rằng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số có thể xoay chuyển tình thế thì kể từ khi bắt đầu đại dịch, việc tăng trưởng ở nước này không hề khả quan.
Thay vì cải thiện năng suất, tự động hóa thường tập trung vào việc tăng quyền lực của người sử dụng lao động đối với người lao động. Trong cuốn sách Automation and the Future of Work, tác giả Aaron Benanav đã giải thích rằng các công ty không đổ tiền vào các công cụ công nghệ giúp cuộc sống của nhân viên dễ dàng hơn, mà đổ tiền vào các công nghệ có khả năng giám sát kỹ lưỡng hơn những người nhân viên đó. Ví dụ như phần mềm theo dõi thao tác gõ phím của nhân viên hay công cụ quản lý đánh giá hoạt động nhân viên của Amazon.
Nhân viên của Amazon
Những công nghệ tân tiến cũng sẽ dần loại bỏ các công việc phức tạp và khiến những người từng làm những công việc trung lưu, ổn định bị “ném” vào một thế giới bấp bênh, nơi trả lương thấp hơn. Họ sẽ ít có tiếng nói về các điều khoản trong công việc. Công cụ ghi nhãn dữ liệu là phần nổi của tảng băng chìm này.
Bên cạnh đó, càng triển khai nhiều công nghệ, người sử dụng lao động sẽ càng có nhiều quyền hạn để theo dõi người lao động trong khi làm việc.
Dù cho rõ ràng là một số công nghệ hiện đại sẽ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng hoặc thậm chí là giải phóng thời gian của họ để họ có thể tập trung vào công việc của mình. Ví dụ, công nghệ có thể được sử dụng để hỗ trợ những người lao động tối ưu hóa công việc của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, một số công nghệ chỉ khiến nhiều nhân viên “bị theo dõi sát sao” hơn mà thôi.
Đặc biệt, các công ty cũng đang khiến nhân viên biến thành cái bóng của máy móc. Điều này khiến công lao về hiệu quả, chất lượng của sản phẩm đầu ra được quy cho là nhờ bản thân thương hiệu, bản thân giám đốc điều hành hay là nhờ công nghệ tiên tiến chứ không phải là nhờ một số bộ phận nhân sự “con người” thầm lặng nữa.
Các công nghệ mới như AI được cho là giúp con người có thể làm việc hiệu quả hơn, dành ít thời gian hơn cho công việc của mình và làm bất cứ điều gì mà chúng ta muốn chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc nhấn.
Nhưng những lời hứa đó không bao giờ vẽ nên một bức tranh chính xác về cách công nghệ đó đang biến đổi thế giới xung quanh chúng ta hoặc chi phí thực sự của nó. Tự động hóa có thể giúp thế giới phát triển, giúp cho một bộ phận người nhưng trong quá trình đó, nó hoàn toàn có thể khiến một số tầng lớp lao động gặp khó khăn.
*Bài viết hoàn toàn dựa theo quan điểm cá nhân của Paris Marx, một nhà văn chuyên viết về chủ đề công nghệ và chủ kênh podcast Tech Won't Save Us.
Tham khảo BI
Nhịp sống thị trường