MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc kinh tế học: Thất nghiệp vì tiến bộ công nghệ đáng sợ đến mức nào?

Ngay cả khi tự động hóa được cho là có lợi về lâu dài, thì các nhà hoạch định chính sách vẫn không bao giờ nên bỏ qua các tác động tiêu cực ngắn hạn của nó đối với người lao động.

Hầu hết các nhà kinh tế đều ủng hộ xu hướng tự động hóa. Công nghệ, theo họ, có thể gây ra các vấn đề về việc làm trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ tạo ra việc làm mới và tốt hơn trong dài hạn.

Nhưng chuyện nhiều người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp vì tự động hóa là rất rõ ràng và tác động trực tiếp: một công ty tự động hóa băng chuyền sản xuất, tự động hóa việc kiểm kê siêu thị hoặc hệ thống giao hàng, họ chỉ giữ 10% lực lượng lao động làm giám sát viên, và sa thải 90% còn lại. 

Lập luận kinh tế tiêu chuẩn là người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa ban đầu sẽ mất việc, nhưng tổng thể nền kinh tế sau đó sẽ được bù đắp. Ví dụ, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Christopher Pissarides và nhà kinh tế Jacques Bughin của Viện toàn cầu McKinsey cho rằng, năng suất cao hơn từ tự động hóa sẽ giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, chi tiêu cho tiêu dùng nhiều hơn, tăng nhu cầu lao động và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Nhưng lý thuyết này có thật sự chính xác? Để tìm hiểu sâu hơn, chúng ta cần phân biệt giữa hai tác động của quá trình đổi mới, là tăng cường lao động và tiết kiệm lao động. 

Nếu đổi mới sản phẩm, chẳng hạn như phát minh ra ô tô hoặc điện thoại di động, sẽ giúp tăng cầu lao động hoạt động trong các ngành công nghiệp sản xuất đó. Ngược lại, đổi mới quy trình, tạo một phương pháp sản xuất mới hiệu quả hơn, hoặc sản xuất ra một loại máy móc hay robot thay thế con người, sẽ tiết kiệm lao động. Nó cho phép các công ty sản xuất cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ hiện có với ít công nhân hơn.

Góc kinh tế học: Thất nghiệp vì tiến bộ công nghệ đáng sợ đến mức nào? - Ảnh 1.

Có 3 giả thuyết về tác động từ đổi mới đến cầu lao động trong dài hạn.

Giả thuyết thứ nhất, đổi mới quy trình sẽ làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và khiến các công ty tăng đầu tư vào công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới và thuê thêm lao động. 

Thứ hai, cạnh tranh đổi mới giữa các công ty sẽ dẫn đến việc giảm giá chung, làm tăng nhu cầu của thị trường về sản phẩm và do đó tăng cầu lao động. 

Và thứ ba, việc giảm tiền lương gây ra bởi thất nghiệp công nghệ ban đầu sẽ làm tăng nhu cầu lao động và tạo ra sự thay đổi, trở lại các phương pháp sản xuất thâm dụng lao động hơn, thu hút lao động dư thừa.

Những giả thuyết này diễn ra nhanh như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ linh hoạt của vốn và khả năng chuyển đổi lao động giữa các nghề nghiệp và khu vực. 

Sự ra đời của các công nghệ tiết kiệm lao động sẽ làm giá sản phẩm thấp hơn, nhưng nó cũng sẽ làm giảm mức tiêu thụ của những người lao động mới thất nghiệp. Các nhà kinh tế của Keynes cho rằng sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa do thất nghiệp sẽ có trước và chi phối việc giảm giá do tự động hóa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng nghiêm trọng, ít nhất là trong ngắn hạn. Hơn nữa, hiệu ứng tổng thể của một loạt các đổi mới quy trình tiết kiệm lao động theo thời gian có thể gây ra thất nghiệp dài hạn. 

Cơ chế điều chỉnh giá hiệu quả sẽ xảy ra nếu thị trường cạnh tranh. Nhưng trong một thị trường độc quyền (ví dụ như công nghệ độc quyền) thì chưa chắc giá đã giảm.

Quá trình chuyển đổi để người thất nghiệp có việc làm trở lại có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ, như một báo cáo gần đây McKinsey Global Institute thừa nhận, nên các công nhân lo lắng là lẽ đương nhiên.

Vì thế, ngay cả khi tự động hóa vẫn được cho là có lợi về lâu dài, thì các nhà hoạch định chính sách vẫn không bao giờ nên bỏ qua các tác động tiêu cực ngắn hạn của nó đối với người lao động.

Hoàng An

Project Syndicate

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên