MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc kỹ thuật: Thách thức tại vùng 1.000 điểm, thị trường chờ đợi sự bứt phá của yếu tố thanh khoản

Theo góc độ kỹ thuật, những tuần tăng gần đây khối lượng tuy có cải thiện nhưng nếu so sánh với những nhịp tăng trước (quý 3/2018 và quý 1/2019) rõ ràng khối lượng của hiện nay là thấp hơn. Nếu tiền không vào nhiều thì giá rất khó có thể tiến xa được.

Tuần giao dịch 22/7-26/7 đã kết thúc với những tín hiệu tích cực khi VN-Index ghi nhận mức tăng 1,12% với khối lượng khớp lệnh vẫn duy trì trên mức trung bình 20 tuần. Thị trường tăng 4 tuần liên tiếp và kiếm được tổng cộng gần 44 điểm đương nhiên là tích cực.

Trên quan điểm PTKT, tuần tiếp theo sẽ rất quan trọng khi chỉ số chuẩn bị tiệm cận những ngưỡng kỹ thuật cực mạnh. Quan sát kỹ lưỡng sự phản ứng của chỉ số tại những ngưỡng này, nhà đầu tư sẽ có manh mối nhất định nhằm xác định xu hướng tiếp theo của VN-Index trong thời gian tới. Từ đó, xây dựng chiến lược giao dịch phù hợp, tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình.

Trên Chart Weekly VN-Index:

Góc kỹ thuật: Thách thức tại vùng 1.000 điểm, thị trường chờ đợi sự bứt phá của yếu tố thanh khoản - Ảnh 1.

Về tổng thể, VN-Index vẫn đang phục hồi từ đáy gần nhất (Fibo 23,6% - 944,33 điểm hướng tới mức Fibo 38,2%, tương ứng 995,36 điểm) nhưng chưa thể vượt qua, đây là ngưỡng mà suốt từ cuối tháng 3 đến này, chỉ số chưa thể chinh phục. Trên đồ thị có ít nhất 3 lần, chỉ số nỗ lực vượt qua nhưng đều thất bại. Thực tế thì kết thúc tuần vừa rồi là lần thứ 4, VN-Index cũng chưa giải quyết được ngưỡng này khi đóng cửa chỉ ở mức 993,35 điểm.

Các thống kê trên khẳng định vùng 995 điểm là một ngưỡng kháng cự rất mạnh. Do vậy, nếu tuần tới ngưỡng này vẫn chưa thể chinh phục thì rõ ràng xu hướng tăng của chỉ số sẽ bị đe dọa, VN-Index có thể dừng lại tiếp tục tích lũy chờ đợi cơ hội tiếp theo.

Trong trường hợp vượt qua, ngay lập tức sẽ là ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, cộng thêm ngưỡng cản được tạo bởi kênh giá xuống (hình vẽ dưới), quanh 1.005 -1.007 điểm, hứa hẹn cũng là những phép thử mạnh, không dễ dàng để VN-Index có thể chinh phục thành công.

Nếu vượt qua vị trí số 3 (1.005 – 1.007 điểm) trên đồ thị thì mốc tiếp theo VN-Index hướng đến sẽ là 1.016 điểm, tương ứng vùng đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2019.

Góc kỹ thuật: Thách thức tại vùng 1.000 điểm, thị trường chờ đợi sự bứt phá của yếu tố thanh khoản - Ảnh 2.

Nhìn chung, xem xét những ngưỡng cản ở thời điểm hiện tại được ưu tiên hơn so với xem xét ngưỡng hỗ trợ vì đơn giản là chỉ số đang tăng. Nhưng dù sao, trong trường hợp xấu, chỉ số cần giữ vững được ngưỡng 985 điểm, là nền giá mới được thiết lập tuần (15-19/7) để xu hướng tăng không bị vi phạm.

Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích các chỉ báo khác để tìm ra các dấu hiêu cảnh bảo (nếu có) cần lưu ý.

Góc kỹ thuật: Thách thức tại vùng 1.000 điểm, thị trường chờ đợi sự bứt phá của yếu tố thanh khoản - Ảnh 3.

Trên đồ thị, những tuần tăng gần đây khối lượng tuy có cải thiện nhưng nếu so sánh với những nhịp tăng trước (A), (B) (tương ứng quý 3/2018 và quý 1/2019) thì rõ ràng khối lượng của vùng (C) (hiện nay) là thấp hơn. Nói cách khác tiền vào không nhiều bằng những nhịp tăng trước. Nếu vậy, tiền không vào nhiều thì giá rất khó có thể tiến xa được. Tuần tới, dòng tiền phải mạnh hơn nữa thì nhịp tăng mới vững được, còn ngược lại áp lực chốt lời sẽ nhấn chìm tất cả.

Dải Bollinger Band đang hẹp lại gợi ý biến động của chỉ số đang là nhỏ, chưa có sự bứt phá. Thị trường rõ ràng đang chờ đợi một đợt biến động mạnh để giá thoát khỏi sự dồn nén. Vì vẫn ở phía trên BB midle (MA20) nên biến động mạnh thoát khỏi BB top vẫn có xác suất cao hơn. Tuy nhiên, không ai biết dải BB sẽ tiếp tục hẹp đến bao giờ, do đó việc quan sát kỹ sự biến động của BB khi dải đang hẹp là cực kỳ cần thiết với mọi nhà đầu tư.

Các chỉ báo khác như Stochastic, RSI, đều đang ủng hộ nhịp tăng của VN-Index. Cụ thể, đường Stochastic vẫn chưa có tín hiệu giao cắt của đường %K và %D, tuy chuẩn bị tiến vào khu vực quá mua, nhưng chưa có giao cắt thì cũng chưa cần quá lo lắng. Đường RSI, nếu tính từ đỉnh cũ 1.211,34 thì mới chỉ có một lần quay lên tới mốc 60 (đỉnh năm 2019) nhưng cũng không trụ được lâu, hiện tại RSI cũng chưa vượt qua 60, nếu tuần tới RSI vượt được mốc này thì có thể tin rằng động lực tăng của chỉ số tiếp tục được duy trì.

Chỉ báo +DI đã cắt lên –DI từ tuần (15-19/7) báo hiệu xu hướng tăng đã xuất hiện, nhưng chỉ báo ADX vẫn chỉ ở mức quanh 10 – 11 xác nhận xu hướng hiện tại chưa rõ ràng. Việc giá trị của ADX không tăng cũng cho thấy sức mạnh của xu hướng hiện tại chưa hề tăng lên.

Tóm lại, qua những phân tích trên, ngoài lỗi lo VN-Index sắp tiệm cận những ngưỡng cản mạnh thì lỗi lo lớn nhất chính là thanh khoản, dòng tiền thực sự chưa vào quá mạnh khi nhịp tăng thực tế chỉ tập chung chủ yếu vào nhóm trụ. Hơn nữa, việc thị trường phân hóa mạnh khi dòng tiền chỉ xoay vòng vào những cổ phiếu có báo cáo quý tốt khiến thanh khoản không bùng nổ.

Mùa báo cáo chưa kết thúc, trong ngắn hạn, động lực tăng của VN-Index vẫn còn, và quan trọng nhất, các tín hiệu vĩ mô vẫn chưa có gì để gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường. Do vậy, nếu chỉ số chưa phát ra những tín hiệu tiêu cực rõ ràng, nhà đầu tư vẫn có thể tiến hành các giao dịch trading tận dụng nhịp tăng hiện tại của VN-Index.

Hải Đăng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên