Góc nhìn chuyên gia: Chốt lời ngắn hạn chỉ là "quãng nghỉ", VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục mốc 1.100 điểm
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, dù vẫn còn áp lực điều chỉnh đan xen, song thị trường vẫn có thể tiếp tục test lại kháng cực 1.080, thậm chí hướng lên 1.150 điểm điểm.
Sau chuỗi tăng điểm chục phiên liên tiếp, VN-Index lùi bước trước kháng cự 1.080 để quay về tiệm cận vùng 1.070. Giao dịch khối ngoại cũng trở thành lực cản khi họ quay đầu bán ròng gần 800 tỷ đồng trong tuần. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là thanh khoản thị trường cải thiện khá tốt khi tăng 28% so với tuần giao dịch trước đó.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Điểm sáng đến từ thanh khoản cải thiện
( Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt )
Nhịp tăng của thị trường đã chững lại tại vùng quanh 1.080 điểm với tín hiệu cung gia tăng đáng kể. Đây là tín hiệu không tốt cho thị trường và có thể làm gia tăng rủi ro cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, tạm thời nguồn cung cũng chưa quyết liệt khi thị trường giảm sâu.
Dòng tiền có thể tranh thủ hỗ trợ và nâng đỡ thị trường từ vùng hỗ trợ 1.060-1.065. Đồng thời có thể giúp thị trướng có diễn biến hồi phục trong thời gian gần tới. Tuy nhiên, nhịp hồi phục chỉ mang tính chất kỹ thuật nhờ phản ứng từ vùng hỗ trợ. Do vậy mức độ tăng điểm sẽ không nhiều và nguồn cung tiềm ẩn lớn từ vùng cản 1.080 sẽ tiếp tục gây sức ép cho chỉ số.
Tóm lại, chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ có diễn biến hỗ trợ và hồi phục nữa đầu tuần tới nhưng sẽ có rủi ro tiếp tục suy giảm vào nữa cuối tuần.
Bàn về sự chững lại của dòng tiền khối ngoại, chuyên gia cho rằng khối ngoại đã bán ròng từ giai đoạn trước khi các quỹ Fubon và Vaneck mua ròng. Do đó, khi lực mua từ 2 quỹ ETF này không còn, xu hướng mua ròng giảm và tần suất bán ròng tăng lên là điều dễ hiểu.
Dù dòng tiền không còn mạnh mẽ, song điểm sáng cho thị trường là thanh khoản đang được cải thiện đáng kể sau thông tin lãi suất giảm và các quy định mới về hỗ trợ thị trường trái phiếu. Tâm lý nhà đầu tư cởi mở hơn giúp dòng tiền từ khối cá nhân trong nước nhen nhóm trở lại. Với nhận định thị trường có diễn biến hồi phục trong thời gian ngắn tới, chuyên gia VDSC cho rằng thanh khoản thị trường vẫn sẽ được duy trì ở mức hiện tại.
Tuy nhiên, một rủi ro mà thị trường đang nhìn nhận là khả năng KQKD Quý 1 không khả quan và bối cảnh thị trường tăng liên tục trong thời gian qua sẽ khiến định giá P/E thị trường tăng đáng kể. Trong kịch bản cơ sở, LNST của cả thị trường giảm 17% so với cùng kỳ và khiến P/E trượt 4 quý gần nhất của VN-Index tăng từ 12.4x lên 13.8x. Đây vẫn là mức có thể gọi khá là hấp dẫn nếu so với giai đoạn trước tuy nhiên số liệu KQKD Q2 vẫn là ẩn số. Nếu có những bất ngờ xảy ra, P/E nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn và khiến định giá VN-Index không còn hấp dẫn như mức hiện tại.
Trong thời điểm hiện tại, chuyên gia khuyến nghị NĐT có thể giải ngân theo các nhóm ngành đang được hưởng lợi về mặt thay đổi chính sách lãi suất như chứng khoán, ngân hàng.
Thị trường cần có "quãng nghỉ" để tiếp tục bứt phá
( Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK BSC )
Sau một quãng tăng khá, áp lực chốt lời xuất hiện là điều bình thường. Đây chỉ là “quãng nghỉ” trước khi thị trường trở lại đà tăng trong tuần tới. Dù vẫn còn áp lực điều chỉnh đan xen, song thị trường vẫn có thể tiếp tục test lại kháng cực 1.080, thậm chí hướng lên 1.150 điểm điểm.
Dù dòng tiền khối ngoại đang có sự chững lại, dòng tiền mang tính chất cơ cấu nhiều hơn là bán ròng mạnh như thời điểm năm 2020 – 2021. Đặc biệt sự bán ròng của khối ngoại cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường, thay vào đó khối nội sẽ đóng vai trò quyết định xu hướng của chỉ số.
Xu hướng thị trường chung thường bám theo dòng tiền, nền tảng vĩ mô và chính sách tiền tệ. Hiện tại, nền kinh tế đang ở khá sát vùng đáy. Với loạt chính sách hỗ trợ, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới và thị trường chứng khoán luôn đi trước khoảng 1-2 quý.
Dù nhận định KQKD Q1 kém khả quan kéo EPS giảm khiến PE tăng lên, song chuyên gia cho rằng rủi ro đó đã được chiết khấu vào thị trường từ trước đó. Thị trường vẫn sẽ ổn định và đi lên dần theo chu kỳ của chính sách tiền tệ dần nới lỏng. Thị trường chỉ có rủi ro chiết khấu sâu hơn nếu trong vòng 3-4 tháng tới định giá đẩy lên cao, song KQKD Q2 xấu hơn kỳ vọng khiến NĐT cần định giá lại.
Theo chuyên gia, thống kê trong quá khứ cho thấy ở những giai đoạn lãi suất đi xuống, nhóm ngân hàng, tài chính và bất động sản thường sẽ khả quan, vượt trội so với các ngành khác. Nhưng ngành bất động sản hiện nay có nhiều rủi ro khó lường.
Những nhóm như chứng khoán, ngân hàng thường có độ nhạy cao với lãi suất và vẫn sẽ có cơ hội tốt trong thời gian tới, còn những nhóm liên quan đến sản xuất thì sẽ là chu kỳ sau.
Nhà đầu tư nên hành động thế nào?
(Ông Đinh Quanh Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT)
Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa có gì thay đổi. Mặc dù trải qua 3 phiên giảm điểm trong tuần, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 0,5% so với cuối tuần trước và duy trì trên đường MA20. Việc nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng điểm dài là điều hoàn toàn bình thường.
Điểm tích cực là thanh khoản thị trường có xu hướng cải thiện tích cực, điều này cho thấy dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán sau tín hiệu giảm của lãi suất gần đây. Tuần tới, chuyên gia kỳ vọng cầu giá thấp tại vùng sẽ được kích hoạt giúp chỉ số VN-Index hồi phục và hướng tới vùng kháng cự 1.080-1.100 điểm.
Dù khối ngoại quay đầu bán ròng trong một vài phiên gần đây, song động thái này chỉ là hoạt động chốt lời ngắn hạn bình thường và chưa có gì đáng ngại. Theo quan sát VNDirect, hai quỹ Fubon ETF và VNM ETF hiện vẫn chưa hoàn tất giải ngân vào thị trường Việt Nam như kế hoạch đề ra và hoạt động giải ngân có thể duy trì trong những tuần tới. Điều này sẽ tác động tích cực tới diễn biến giao dịch của khối ngoại trong thời gian tới.
Một điểm sáng có thể thấy rõ rằng thanh khoản của thị trường đã có sự cải thiện trong tuần giao dịch gần đây sau động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên sự cải thiện này mới chỉ là ban đầu, đến từ các nhà đầu tư bám sát thị trường chứng khoán. Thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì xu hướng giảm từ nay tới cuối năm và các điều kiện tín dụng dần được nới lỏng.
Về lo ngại KQKD Q1 kém khả quan tác động đến định giá thị trường, chuyên gia VNDirect cho rằng điều này có cơ sở trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một quý tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, rủi ro này không quá đang ngại và đã phản ánh một phần vào diễn biến thời gian qua của thị trường.
Hiện chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 12 lần. Nếu trong trường hợp KQKD Q1/23 tiếp tục kém khả quan như Q4/22 thì P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E lịch sử.
Tất nhiên, với việc mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức tương đối cao hiện nay thì mức P/E hiện tại của thị trường cũng không thực sự quá hấp dẫn. Do đó, thị trường khó bứt phá mạnh ở thời điểm này do triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, chuyên gia cho rằng có thể xem xét các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Theo thống kê lịch sử, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ được nới lỏng. Tuy nhiên, lưu ý rằng điều này tính bằng quý, bằng năm chứ không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh ngay lập tức trong tuần tới, tháng tới bởi vì chính sách tiền tệ, lãi suất cần có thời gian thẩm thấu và phản ánh vào nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, chỉ số VN-Index đang tiến gần tới kháng cự 1.080-1.100 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên có sự thận trọng nhất định và dừng lại quan sát diễn biến thị trường tại vùng này chứ không nên FOMO. Đồng thời nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải, duy trì trạng thái tiền mặt để có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin.
Về cơ hội đầu tư, nhà đầu tư nên chú ý tới những ngành có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như đầu tư công, du lịch hoặc những ngành đầu chu kỳ phục hồi như vật liệu xây dựng, thép, chứng khoán.
Nhịp sống thị trường