MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Chưa có tín hiệu đảo chiều, kịch bản VN-Index về dưới 1.200 điểm cần được tính đến

Góc nhìn chuyên gia: Chưa có tín hiệu đảo chiều, kịch bản VN-Index về dưới 1.200 điểm cần được tính đến

Đa số chuyên gia đánh giá thận trọng về xu hướng của thị trường tuần tới khi chỉ số đã đánh mất vùng hỗ trợ mạnh tại 1.220 điểm. Nhà đầu tư cần chuẩn bị kịch bản VN-Index lùi về các vùng thấp hơn như 1.200 điểm.

Thị trường chứng khoán khép lại tuần giao dịch 11-15/11 ảm đạm khi ghi nhận mức sụt giảm tới gần 34 điểm (tương đương mất 2,7%) xuống vùng 1.218, mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua. Áp lực bán dâng mạnh trong hai phiên cuối tuần (-27,5 điểm) khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan.

Đa số chuyên gia đánh giá thận trọng về xu hướng của thị trường tuần tới khi chỉ số đã đánh mất vùng hỗ trợ mạnh tại 1.220 điểm. Nhà đầu tư cần chuẩn bị kịch bản VN-Index lùi về các vùng thấp hơn như 1.200 điểm.

Góc nhìn chuyên gia: Chưa có tín hiệu đảo chiều, kịch bản VN-Index về dưới 1.200 điểm cần được tính đến- Ảnh 1.

Rủi ro ngắn hạn đang duy trì ở mức cao

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT nhận định thị trường tiếp tục trải qua một tuần điều chỉnh khi áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số dollar index (DXY) tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua do kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới giảm xuống sau thông tin về chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 phù hợp với dự báo của thị trường nhưng cao hơn so với tháng 9 và bình luận của Chủ tịch Fed Powell mới đây về việc Fed không cần vội vàng trong việc hạ lãi suất.

Góc nhìn chuyên gia: Chưa có tín hiệu đảo chiều, kịch bản VN-Index về dưới 1.200 điểm cần được tính đến- Ảnh 2.

Đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể. Việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư cũng như diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất. Đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechips cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán.

Kết tuần, chỉ số VN-Index chính thức đánh mất cận dưới 1.240 điểm của vùng tích lũy trước đó và đang hướng đến hỗ trợ sâu hơn tại 1.200 điểm. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt một cách bền vững, chuyên gia VNDirect cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục ở thời điểm này.

Đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều.

Khả năng VN-Index về dưới 1.200 điểm

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS cho rằng thị trường liên tục gặp áp lực điều chỉnh khi nhà đầu tư đang có tâm lý khá thận trọng trước việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Theo các chính sách được công bố trong chiến dịch tranh cử, ông Trump dự kiến áp thuế 10% lên các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nên thông tin này hàm ý khả năng suy giảm giá trị xuất khẩu trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và tác động đến thị trường chứng khoán.

Theo chuyên gia KIS, khả năng chỉ số VN-Index điều chỉnh dưới ngưỡng 1.200 điểm cần được tính đến, nhưng mức giảm sẽ không nhiều. VN-Index có thể kiểm định vùng 1.180 điểm, tương ứng với đáy tháng 8/2024, trước khi nhanh chóng phục hồi trở lại trên ngưỡng 1.200 điểm. Đặc biệt, dù có khả năng điều chỉnh nhưng xu hướng tăng trưởng dài hạn của thị trường vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố vĩ mô.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tạo ra dòng vốn chi phí thấp chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán. Thứ hai, khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 theo FTSE trong năm 2025 sẽ thu hút lượng vốn đáng kể. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì ổn định, tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Trong thời điểm này, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát sự thay đổi trong khối lượng giao dịch để xác định khả năng tạo đáy của thị trường. Nếu thị trường phục hồi đi kèm với khối lượng giao dịch tăng mạnh, đây có thể là tín hiệu quan trọng cho thấy thị trường đã tạo đáy. Đặc biệt, phiên tăng điểm xuất hiện tại các ngưỡng hỗ trợ quan trọng sẽ củng cố tín hiệu này.

Về chiến lược đầu tư ngắn hạn, việc cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn nên được cân nhắc, vì rủi ro điều chỉnh vẫn còn trong giai đoạn tới. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để nhiều cổ phiếu giảm về vùng giá hấp dẫn, phù hợp cho việc mở các vị thế nắm giữ dài hạn, đặc biệt khi các yếu tố vĩ mô cơ bản vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng của thị trường.

Một số nhóm cổ phiếu có tiềm năng cần chú ý như bất động sản khu công nghiệp có thể được hưởng lợi từ chính sách thuế nhập khẩu dự kiến của ông Trump, sự dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Đất đai mới có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp trong ngành triển khai dự án mới. Bất động sản: Luật Đất đai mới giúp tháo gỡ khó khăn pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án mới.

Đồng thời, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, làm gia tăng kỳ vọng về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài ra, Cảng biển, hàng không, chứng khoán cũng là các nhóm ngành có câu chuyện riêng và triển vọng tích cực nên được theo dõi trong giai đoạn này.

Cẩn trọng với margin

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận đà sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua bị tác động trực tiếp từ việc đồng USD trên thị trường thế giới tăng quá mạnh. Cụ thể, chỉ số đồng USD trên thị trường thế giới đã tăng vọt lên ngưỡng 107 điểm - tiệm cận vùng đỉnh vào cuối năm ngoái. Thêm vào đó, việc khối ngoại bán ròng kiệt liệt trong nhiều phiên gần đây cũng tạo áp lực cho thị trường.

Với áp lực của đồng USD trong ngắn hạn rất lớn, ông Minh đưa ra hai kịch bản tương ứng với biến động của thị trường chứng khoán. Nếu đồng USD giảm có thể giúp áp lực tỷ giá hạ nhiệt và giảm rủi ro trong ngắn hạn. Khả năng này được đánh giá cao khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng USD cũng đang tiến gần đến vùng cản. Trong kịch bản này, VN-Index có thể nhanh chóng lấy lại cân bằng trở lại, song thị trường sẽ có sự phân hoá.

Ngược lại, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, tạo áp lực lên tỷ giá cùng dòng vốn ngoại tiếp tục bán mạnh thì thị trường có thể chiết khấu về vùng 1.200 điểm. Đây là kịch bản tiêu cực nhất dành cho thị trường chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư, trong khi thị trường liên tục “cưa chân bàn” và chưa xác định rõ xu hướng, chuyên gia Yuanta cho rằng những nhà đầu tư không nên vội vàng hành động. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để mua và nắm giữ với tầm nhìn dài hạn nếu có vị thế giá vốn tốt, song cần hạ margin để tránh rủi ro cháy tài khoản khi thị trường có những biến động bất ngờ.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên