MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường có thể test lại vùng hỗ trợ 1.000 điểm, "săn đón" cơ hội tại nhóm ngành ít chịu tác động lãi suất và tỷ giá

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường có thể test lại vùng hỗ trợ 1.000 điểm, "săn đón" cơ hội tại nhóm ngành ít chịu tác động lãi suất và tỷ giá

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, áp lực bán vẫn có thể tiếp diễn trong các phiên đầu tuần và có khả năng VN-Index sẽ giảm xuống dưới mốc 1.000 điểm trong một số thời điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực khi chỉ số VN-Index thất bại trong việc bứt phá qua vùng 1.060-1.070 điểm trong hai phiên giao dịch đầu tuần và sau đó quay đầu giảm điểm mạnh.

Định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn, tuy nhiên cơ hội giải ngân sẽ phân hoá giữa các nhóm ngành

Bàn luận về một số nguyên nhân thị trường điều chỉnh phiên cuối tuần, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đưa ra một số nguyên nhân:

Thứ nhất, tỷ giá USD/VND tăng cao trong các tuần gần đây, lên sát mốc 25.000 đồng/USD dẫn tới áp lực rút vốn từ khối ngoại. Thông thường, khi tỷ giá tăng, chỉ một số nhóm ngành có thể sẽ được hưởng lợi, còn hầu hết thị trường chung sẽ bị ảnh hưởng (do tăng giá vốn, chi phí tài chính,…).

Thứ hai, tuần vừa qua cũng đã xuất hiện một số thông tin về việc hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu của các tổ chức phát hành . Với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đối trầm lắng từ đầu tháng 10, điều này dấy lên lo ngại về áp lực thanh toán sẽ xuất hiện trong giai đoạn tới, đặc biệt nhóm bất động sản; đồng thời nhóm ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Thứ ba là yếu tố kỹ thuật. Cụ thể, khi lượng cung cổ phiếu trong giai đoạn thị trường giảm điểm còn khá lớn trong khi lực cầu tham gia vẫn chưa đủ , do các thông tin thị trường kém tích cực sẽ dẫn tới điểm số thị trường sẽ điều chỉnh đáng kể khi áp lực bán dâng lên.

Theo đánh giá của ông Khoa, dòng tiền hiện vẫn đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội để giải ngân bởi một số yếu tố. Trước tiên, lượng tiền giảm trong quý 3 vừa qua chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức 12.000 tỷ đồng trong quý 2, trong khi mức điều chỉnh của VN-Index trong 2 giai đoạn này khá tương đồng (khoảng 23-25% so với đỉnh).

Hơn nữa, nhiều tổ chức trong nước cũng đã bắt đầu tiến hành giải ngân vào các nhóm ngành đang có mức chiết khấu cao từ đỉnh khi định giá thị trường dần tiến về vùng hấp dẫn. Trong 8 phiên gần đây (kể từ khi VN-Index thiết lập vùng hỗ trợ quanh mốc 1.000 điểm), khối tổ chức đã tham gia mua ròng 5/8 phiên với tổng giá trị đạt 650 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, ông Khoa đánh giá vẫn xuất hiện một số cơ hội đầu tư thời điểm này và có sự phân hoá theo kết quả kinh doanh quý 3 của các nhóm ngành . Những nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý 3 tích cực bao gồm nhóm bia rượu, bán lẻ trang sức, bán lẻ công nghệ, nhờ sự phục hồi tiêu thụ sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân trong nước tăng lên cũng giúp lợi nhuận các doanh nghiệp hàng không chuyển từ lỗ sang lãi. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp này cũng đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu khi mức độ giảm giá của nhóm này thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung. " Nhà đầu tư vẫn nên giữ trạng thái quan sát đối với các nhóm ngành trên và có thể giải ngân tỷ trọng thấp tại các nhịp điều chỉnh lớn tiếp theo của thị trường ", ông Khoa nêu rõ.

Xét về định giá, P/E và P/B của VN-Index hiện đang tiến về vùng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam. Nếu tham chiếu với thời gian 15 năm, VN-Index đang giao dịch sát vùng trung bình -1 lần độ lệch chuẩn. Điều này cho thấy mức định giá của thị trường đã bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn, tuy nhiên các đóng góp chủ đạo đang tập trung tại nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), vốn được định giá tương đối cao trong giai đoạn đầu năm.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp phi tài chính đầu tiên mới công bố KQKD quý 3 lại cho thấy kết quả không thực sự tích cực, như nhóm thép, vật liệu xây dựng hay dầu khí đang ghi nhận lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ. Như vậy, định giá thị trường mặc dù đã trở nên hấp dẫn hơn, tuy nhiên cơ hội giải ngân sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành.  

Với việc thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần qua, theo quan điểm của ông Khoa, áp lực bán vẫn có thể tiếp diễn trong các phiên đầu tuần và có khả năng VN-Index sẽ giảm xuống dưới mốc 1.000 điểm trong một số thời điểm.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh Quý 3 đang dần được hé mở và dự kiến sẽ có sự phân hoá, có thể sẽ tạo ra lực đỡ cho thị trường. Vì vậy nhà đầu tư có thể quan sát một số doanh nghiệp hàng đầu thuộc các nhóm ngành có kết quả kinh doanh Quý 3 khả quan như nhóm ô tô, bán lẻ trang sức (nhu cầu tiêu thụ phục hồi sau dịch Covid-19), hàng không (sự hồi phục của các chuyến bay nội địa cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng lên).

Bên cạnh đó, trong môi trường lạm phát biến động như hiện tại, nhà đầu tư cũng nên chú ý tới các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế và có tính phòng thủ cao như nhóm năng lượng; và một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá qua thị trường Mỹ có thể hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng lên như nhóm thuỷ sản, gỗ, dệt may.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng những phiên đầu tuần sau, thị trường có thể thử thách lại vùng hỗ trợ 1.000 điểm

Theo quan sát của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường CTCK VNDirect , mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới biên độ dao động tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, áp lực tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc tỷ giá căng thẳng đã khiến khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm sâu.

Thanh khoản của thị trường tuần qua giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư duy trì sự thận trọng sau những biến động trên thị trường tài chính thời gian vừa qua.

Đà giảm điểm thị trường tuần qua chịu tác động từ sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu tài chính, bao gồm Bất động sản, Ngân hàng và Chứng khoán.

Nhận định về diễn biến thị trường, ông Hinh cho rằng tâm lý nhà đầu tư chuyển biến tiêu cực trong phiên thứ 6 do ảnh hưởng từ việc khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh tại một số cổ phiếu trụ và những tin đồn lan truyền trên các hội nhóm đầu tư.

"Áp lực bán ra có thể tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số VN-Index có thể thử thách lại vùng hỗ trợ 990-1.000 điểm", ông Hinh cho hay. Đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường và ông Hinh kỳ vọng dòng tiền bắt đáy được kích hoạt sẽ giúp thị trường giữ được hỗ trợ quan trọng này.

Do đó, bàn luận về chiến lược giao dịch tuần tiếp theo, vị chuyên gia VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn duy trì ở mức cao và thị trường đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ đủ mạnh.

Đồng thời, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt vừa phải ở mức 70/30 và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy margin để giảm thiểu rủi ro. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, ông đánh giá chưa nên lao vào bắt đáy sớm mà cần chờ đợi những dấu hiệu đáng tin cậy xác nhận thị trường tạo đáy trước khi giải ngân mới.

Bối cảnh trước mắt còn nhiều gam màu tối, cần ưu tiên nhóm phòng thủ và ít chịu tác động bởi tỷ giá và lãi suất

Bàn về đà giảm trong phiên cuối tuần, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC đưa ra hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, về diễn biến thị trường thế giới, mặc dù thị trường cổ phiếu diễn biến không quá tệ, tuy nhiên lợi suất trái phiếu liên tục phá đỉnh trước kỳ họp của FED đầu tháng 11. Thị trường trái phiếu thường dẫn dắt thị trường cổ phiếu, do đó nhiều luồng quan điểm lo ngại thị trường sẽ diến biến xấu quanh kỳ họp của Fed như nhiều lần khác trong năm này.

Thứ hai, về diễn biến trong nước, bức tranh vĩ mô xấu đi với áp lực lãi suất tăng và tỷ giá đang rất căng thẳng. Nhưng quan trọng hơn, tâm lý thị trường đang rất hoang mang trước những tin đồn. Sau những vụ xử lý sai phạm gần đây, tin đồn xuất hiện ngày càng nhiều với tâm lý “không ai là không thể đụng đến” và điều này kích hoạt tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư.

Bối cảnh trước mắt còn nhiều gam màu tối, song để đánh giá thị trường trong ngắn hạn cần nhìn vào phía cung cầu.

Về phía cung , chuyên gia cho rằng áp lực margin đã vơi đi rất nhiều, nhà đầu tư hiện tại nếu đã lỗ nhiều cũng không muốn bán cổ phiếu nếu không có sự đổ vỡ nào xảy ra và việc luân chuyển kênh đầu tư đã được thực hiện trước đó, qua giai đoạn cao điểm. Hiện tại nếu bán, phần nhiều do hoảng loạn trước những tin đồn nhiễu loạn.

Về phía cầu , chuyên gia DSC nhìn thấy có cầu bắt đáy chất lượng, sẵn sàng giữ dài hạn ở vùng giá quanh 1.000 điểm. Nhiều doanh nghiệp có tài chính tốt, cũng lên phương án mua lại cổ phiếu khi họ hiểu nhất về giá trị doanh nghiệp.

Khi tâm lý thị trường chưa được “cởi trói”, khó có thể dự đoán bao giờ thị trường ngừng đà giảm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cung-cầu thì những cú “rơi” xuống dưới 1.000 điểm có thể chỉ là những cú phá vỡ giả. Thị trường khả năng vẫn duy trì được trên ngưỡng 1.000 điểm như trong nhịp test đầu tiên.

Hiện tại, chuyên gia cho rằng bức tranh kinh doanh quý 3 mới công bố khá mờ nhạt, dù có nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt.

Bàn về cách tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thời điểm này, ông Huy nêu ba nguyên tắc chọn cổ phiếu tốt (1) Ưu tiên các mã vốn hóa, thanh khoản vừa phải. (2) Ưu tiên các mã thuộc các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế và mang tính phòng thủ. (3) Ưu tiên các doanh nghiệp có dòng tiền tốt để sống sót qua khủng hoảng hoặc có lượng tiền mặt dự trữ

Theo chuyên gia, một nhóm ngành ưu tiên trong giai đoạn này vẫn là các nhóm ngành ít mang yếu tố chu kỳ, nhóm phòng thủ, ít nhạy với lãi suất, tỷ giá và nhóm này thường cũng có dòng tiền ổn định.

Ngọc Dương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên