Góc nhìn CTCK: Rủi ro đảo chiều cần tính tới nếu xuất hiện phiên bulltrap mạnh đi kèm thanh khoản sụt giảm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.
Sau phiên điều chỉnh dưới ảnh hưởng tâm lý kém tích cực đầu tuần, chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch 26/3 đầy khởi sắc khi chỉ số VN-Index ghi nhận sắc xanh trong phần lớn thời gian. Đóng cửa, VN-Index tăng 14,35 điểm (+1,13%) lên mức 1.282,21 điểm, vượt lên vùng giá cao nhất 2 tuần trước. Tuy nhiên giá trị giao dịch có sự sụt giảm với thanh khoản sàn HoSE chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, giảm gần 30% so với phiên trước đó.
Theo các công ty chứng khoán, việc thị trường hồi phục ngay sau phiên điều chỉnh theo đúng kỳ vọng. Chỉ số VN-Index đã hình thành nền tích lũy tin cậy và sẵn sàng cho nhịp tăng mới. Tuy nhiên thị trường sẽ có khả năng gặp rung lắc trong quá trình đi lên. Nhà đầu tư đươc khuyến nghị hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.
Theo góc nhìn của Chứng khoán SHS, thị trường vận động tích cực sau phiên điều chỉnh đầu tuần giúp VN-Index củng cố thêm nền tích lũy. Với trạng thái hiện tại VN-Index hoàn toàn có thể bùng nổ hướng tới và vượt 1.300. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn cơ hội giải ngân trong phiên tới.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, SHS cho rằng thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và đã trải qua nhiều nhịp rung lắc và VN-Index sẽ sớm tiệm cận cản mạnh 1.300, sau đó sẽ thiên về xu hướng thị trường điều chỉnh sau đà hưng phấn. Do đó SHS không khuyến nghị nhà đầu tư trung-dài hạn giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường xác nhận rõ nền tích lũy quanh ngưỡng cản 1.300 điểm.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng cao nhất trong phiên 22/3/2024 tức 1.291 điểm. Thanh khoản suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn đang thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại, nhưng độ rộng thị trường đã có xu hướng tích cực hơn, đặc biệt nếu thị trường duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp thì xu hướng ngắn hạn có thể sẽ rõ ràng hơn.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới ở nhịp điều chỉnh.
Theo Chứng khoán Asean, thị trường ghi nhận một phiên tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày cho thấy lực cầu tương đối tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế và lượng cung tại vùng này không còn quá lớn. Việc tăng điểm với thanh khoản thấp trong giai đoạn này là tốt để hấp thụ dần lực bán cục bộ.
AseanSe vẫn lưu ý rủi ro tiềm ẩn và khuyến nghị hạn chế mua đuổi trong giai đoạn này, thay vào đó là chú ý quan sát lực bán tại vùng 1.290 – 1.300 điểm đồng thời chủ động chốt lời nếu đạt tỷ suất sinh lời 10-15%.
Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá nhịp tăng lần này không quá thuyết phục khi đi kèm thanh khoản suy yếu và chỉ số có thể gặp áp lực rung lắc trở lại quanh vùng 1.300 điểm (+-10). Rủi ro đảo chiều xu hướng vẫn nên được lưu ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh hoặc tăng vượt đỉnh nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch tăng tương xứng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.
Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) thì nhận định việc chỉ số lấy lại hoàn toàn phiên giảm điểm trước đó đã để ngỏ cơ hội mở rộng nhịp tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.300 (+-5) điểm. Mặc dù vậy, rủi ro giảm điểm trở lại vẫn cần được tính đến nếu đà tăng điểm của chỉ số không đi kèm với sự cải thiện về thanh khoản giao dịch.
Các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ đối với các vị thế trung và dài hạn, đồng thời gia tăng một phần tỷ trọng trading ngắn hạn khi chỉ số lùi về ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.250 điểm. Các nhóm ngành như thép, chứng khoán, bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới.