Góc nhìn kinh tế từ nhận định của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Tại sao đất nước sẽ "chao đảo" nếu phụ nữ không sinh ít nhất 2 con?
Tỷ lệ sinh ngày càng giảm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số trong tương lai cũng như tác động trực tiếp đến lực lượng lao động.
- 16-09-2019Những dự báo đáng sợ về già hóa trong tương lai khi trung bình mỗi gia đình không sinh 2 con
- 02-09-2019South China Morning Post: Dân số trẻ sẽ giúp Việt Nam nắm bắt kỷ nguyên số
- 07-08-2019Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gần đây đã khẳng định: Để đất nước bền vững thì tỷ lệ sinh phải đạt tối thiểu 2,1. Nếu không đạt được mục tiêu đó, nền kinh tế sẽ chao đảo. Những phát biểu của ông nhấn mạnh về sức ảnh hưởng của quy mô dân số đến nền kinh tế hiện nay.
Tỷ lệ sinh trung bình trên thế giới và tại một số khu vực. Nguồn: UN Population Division 2017
Tỷ lệ sinh được hiểu là số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời. Theo thống kê của UN Population Division năm 2017, 50 năm trước, trung bình mỗi phụ nữ sẽ sinh 5 đứa con.
Ngày nay tỷ lệ này đã giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 2,5 trẻ/phụ nữ. Hiện tượng này được lý giải bằng 3 nhóm nguyên nhân chính: sự gia tăng bình đẳng giới nói chung khiến phụ nữ tiếp xúc với giáo dục và việc làm nhiều hơn, tiến bộ y tế giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và chi phí ngày càng cao của việc nuôi dưỡng một đứa trẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sinh bền vững phải ở mức tối thiểu 2,1, hay có thể hiểu rằng mỗi gia đình cần tạo ra trung bình 2,1 đứa trẻ để thay thế cho bố mẹ chúng (do không phải đứa trẻ nào cũng có thể sống đến tuổi trưởng thành).
Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh đang trong khoảng 2 con/phụ nữ, duy trì khá ổn định trong 18 qua. Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ sự lo ngại nếu không duy trì được tỷ lệ "vàng" đó, nền kinh tế nước ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ trong lâu dài.
Tỷ lệ sinh trên thế giới năm 2019. Nguồn: Gapminder
Vậy tỷ lệ sinh ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào?
Thứ nhất, tỷ lệ sinh ngày càng giảm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số trong tương lai. Ngày càng ít trẻ em được sinh ra, nhiều người bước vào tuổi nghỉ hưu, kết hợp với tiến bộ về y tế - khoa học giúp kéo dài tuổi thọ con người đã dẫn đến tỷ lệ người trẻ trên người cao tuổi giảm thấp. Xã hội phải đối mặt với những tác động của hiện tượng "già hóa dân số" (xảy ra khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 14% tổng dân số).
Việc tăng tỷ lệ dân số già sẽ đi kèm những gánh nặng không nhỏ cho nền kinh tế. Phần lớn người cao tuổi đều nhận được trợ cấp từ các quỹ hưu trí, quỹ hỗ trợ xã hội,… đặc biệt là những người không có khả năng tự lao động kiếm sống hoặc không có người chăm sóc. Dân số già đi sẽ tác động trực tiếp đến mức chi tiêu của các quỹ hỗ trợ hàng năm, dẫn đến nguy cơ mất cân đối thu chi các quỹ trong tương lai.
Dân số già còn là thách thức đối với hệ thống y tế do tỷ lệ mắc bệnh ở người già tăng lên nhiều lần, chủ yếu là các bệnh mãn tính, không lây lan, dẫn đến chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần so với người trẻ tuổi. Điều này là gánh nặng cho các quỹ bảo hiểm y tế cũng như những người bảo hộ, đặc biệt trong thực tế là chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ.
Thứ hai, tỷ lệ sinh thấp có tác động trực tiếp đến lực lượng lao động (từ 15 đến 64 tuổi). Đây là lực lượng chính tạo ra giá trị thặng dư cho một đất nước, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế và cũng là những người đóng góp chính cho mức thu ngân sách hàng năm. Việc số trẻ em sinh ra ngày càng ít sẽ khiến quy mô dân số giảm đi, lực lượng lao động mới không đủ thay thế số lao động bước vào độ tuổi nghỉ hưu hàng năm, dẫn đến việc tìm kiếm lao động trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn đối với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh dưới ngưỡng trung bình còn tạo áp lực lên những người trong độ tuổi lao động, bởi họ là những người có trách nhiệm chăm sóc cho nhóm dân số cao tuổi trong tương lai. Điều này đã khiến nhiều quốc gia phải gia tăng độ tuổi lao động để kéo dài thời gian lao động, tăng mức đóng góp cho xã hội. Hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đang đề xuất tăng mức tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ theo lộ trình kể từ năm 2021.
Thứ ba, thay đổi cơ cấu dân số sẽ có tác động lên những ngành hàng tiêu dùng. Nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện, đồng nghĩa rằng những doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên sẽ gặp thách thức lớn do lượng khách hàng giảm sút. Đồng thời, việc giảm tỷ lệ sinh nhìn chung sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên mức tiêu dùng của một quốc gia do quy mô dân số ngày càng giảm.
Tại Nhật Bản, quốc gia phát triển này đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và mức sinh thấp kể từ sau những năm 1970. Tỷ lệ sinh ngày càng giảm, năm 2018 chỉ đạt 1,43 trẻ em/gia đình.
Hiện nay, tuy tỷ lệ sinh của Việt Nam vẫn nằm trong mức khuyến khích của thế giới nhưng vẫn cần nỗ lực để duy trì tỷ lệ này nhằm tạo ra một cơ cấu dân số ổn định trong tương lai. Điều này không chỉ giúp tạo ra sự ổn định trong lực lượng lao động, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia trong lâu dài.