Góc nhìn thời Covid-19 từ Singapore: Con tôi vẫn đi bộ tới trường, Singapore chống dịch ở quy mô toàn xã hội, sẵn sàng truy tố người vi phạm
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore đã chia sẻ với Trí Thức Trẻ về cuộc sống thường ngày ở đảo quốc sư tử trong những ngày dịch bệnh bủa vây.
- 25-03-2020Bữa tiệc số 0 mang Covid-19 từ Mỹ đi khắp thế giới
- 25-03-2020Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 là trẻ em
- 25-03-2020Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19?
- 25-03-2020Điều gì sẽ xảy ra sau khi COVID-19 đạt tới đỉnh dịch?
- 25-03-2020Anh xây dựng bệnh viện dã chiến 4.000 giường chống Covid-19
Vi phạm cách ly có thể bị truy tố, tước quy chế thường trú nhân
Giống như nhiều quốc gia khác, Singapore cũng đang bị dịch bệnh Covid-19 bủa vây. Tính tới ngày 24/3, Singapore ghi nhận 558 ca nhiễm bệnh (phần lớn tới Singapore từ nước ngoài) và 2 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dù là một trong những nước đầu tiên công bố dịch, Singapore vẫn chưa áp dụng các biện pháp cực đoan như đóng cửa trường học, tòa nhà văn phòng hay cửa hàng. Thay vào đó, họ áp dụng những chế tài khác để chống dịch.
Theo anh Hiệp, cuộc sống thường ngày ở Singapore có ảnh hưởng một phần do các khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người. Nhiều cơ quan, văn phòng khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể. Một số hoạt động công cộng bị hủy hoặc hoãn, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, phòng karaoke, trung tâm dạy thêm bị đóng cửa....
"Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống vẫn tiếp diễn. Các trường học vẫn mở cửa với các biện pháp đề phòng nâng cao, các trung tâm thương mại, nhà hàng... vẫn hoạt động. Có điều khách hàng những dịch vụ này sẽ giảm, ảnh hưởng tới thu nhập, việc làm của nhiều người lao động. Chính vì vậy, một mặt chính phủ Singapore vừa tích cực chống dịch, một mặt đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh", anh Hiệp chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Nhận định về việc Singapore, quốc gia sớm công bố dịch Covid-19, chưa đóng cửa các trường học, anh Hiệp cho rằng Chính phủ Singapore đưa ra các biện pháp ứng phó dựa vào đánh giá mức độ rủi ro. Khi rủi ro lên càng cao thì các biện pháp đối phó cũng được leo thang càng mạnh. Điều này là để đảm bảo vừa chống dịch, vừa hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động kinh tế xã hội, qua đó hạn chế bớt thiệt hại từ dịch bệnh.
"Riêng việc chưa đóng cửa trường, chính phủ Singapore đánh giá rủi ro lây nhiễm ở trường học không cao, trong khi đóng cửa trường sẽ gây nhiều xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy họ cho rằng nếu tăng cường các biện pháp phòng ngừa ở trường học thì các trường học vẫn an toàn", anh Hiệp cho biết.
Tuy nhiên, do cách phản ứng của Chính phủ Singapore dựa trên đánh giá mức độ rủi ro nên nếu trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, dịch lây lan rộng trong cộng đồng và mức cảnh báo dịch bệnh được nâng lên mức "đỏ" (hiện tại đang mức "cam") thì chính phủ Singapore sẽ đóng cửa trường học. Hiện tại tình hình chưa tới mức đó, anh Hiệp chia sẻ.
Có 2 con nhỏ, anh Hiệp cho biết con lớn 10 tuổi của mình vẫn đi bộ tới trường. Con nhỏ, 3 tuổi, được bố mẹ đưa đi học bằng taxi hoặc Grab. Tuy nhiên, cả 2 vẫn đi học bình thường bởi gia đình anh Hiệp đồng ý với chính phủ rằng rủi ro lây nhiễm ở trường học không cao. Trong khi đó, các biện pháp an toàn được đảm bảo kết hợp với việc Chính phủ Singapore tiến hành các biện pháp chống dịch tích cực ở quy mô toàn xã hội khiến công dân khá yên tâm.
"Điều quan trọng là hiện nay Chính phủ Singapore tiến hành kiểm soát vòng ngoài chặt chẽ, bao gồm đóng cửa biên giới, cách ly người nhập cảnh từ nước ngoài, test các trường hợp nghi nhiễm… khá kỹ lưỡng nên nhà chức trách và người dân có thể tự tin là rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng chưa cao", anh Hiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà chức trách Singapore cũng áp dụng những chế tài nghiêm khắc để ngăn dịch bệnh lây lan. Cụ thể, đối với những người trong diện bị cách ly, Singapore cho phép họ cách ly tại nhà. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh được áp dụng, bao gồm truy tố trước pháp luật hay tước quy chế thường trú nhân, chấm dứt visa lao động… trong trường hợp người bị cách ly vi phạm lệnh cách ly. Từ 26/3, Singapore có kế hoạch cách ly tập trung những người trở về từ Mỹ và Anh.
Hầu hết mọi người không đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm
Là một trong những trung tâm thương mại lớn của thế giới, nguy cơ Covid-19 bùng phát ở Singapore cao hơn so với thế giới. Tuy nhiên, dù công bố dịch sớm nhưng số ca nhiễm ở Singapore đang bị các nước châu Âu và châu Mỹ bỏ xa. Thành tựu này bắt nguồn từ các biện pháp chống dịch bài bản và nghiêm khắc mà đảo quốc sư tử áp dụng.
Giống như Việt Nam, Singapore cũng áp dụng một số biện pháp mạnh như hạn chế rồi ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc trong khi nhiều nước khác chỉ cấm công dân Hồ Bắc còn người Trung Quốc vẫn được nhập cảnh. Các biện pháp khác bao gồm bắt buộc cách ly, truy tìm người tiếp xúc gần để cách ly và xét nghiệm, cũng như miễn phí xét nghiệm và điều trị cho công dân và người thường trú dài hạn để khuyến khích người dân tự nguyện khai báo.
Tuy nhiên các biện pháp của Singapore có chút khác biệt với Việt Nam và một số nước khác là các bước phản ứng phải tương ứng với mức độ rủi ro, từ vừa phải tới chặt dần nếu rủi ro gia tăng. Ví dụ, Singapore không cách ly toàn bộ chung cư nếu phát hiện có người ở chung cư đó nhiễm bệnh mà chỉ cách ly những người liên quan.
Về truyền thông, Chính phủ Singapore cố gắng trấn an người dân để người dân không sợ hãi, khuyến khích người dân đón nhận thông tin có chọn lọc, không phát tán tin giả. Có tình trạng tin giả ở Singapore nhưng Chính phủ sẽ ngay lập tức đăng đàn đính chính. Ngoài ra, việc áp dụng luật chống tin giả khiến tình hình này không quá phức tạp tại Singapore.
Chia sẻ về cuộc sống riêng của gia đình, anh Hiệp cho biết dịch bệnh có gây những tác động nhỏ, nhưng không đáng kể. "Ví dụ, trước đây gia đình chúng tôi đi ăn nhà hàng 1-2 lần mỗi tuần thì giờ cố gắng hạn chế, nếu đi cũng chỉ đi những chỗ không quá đông hoặc chọn bàn ngồi xa các bàn khác. Ngoài ra, gần đây tôi được cơ quan cho phép làm việc ở nhà", anh Hiệp chia sẻ.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu không bị tăng giá. Hiện tượng tích trữ có xảy ra ở một số thời điểm nhưng hàng hóa được bổ sung ngay sau đó, thậm chí còn nhiều hơn trước khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, khẩu trang là loại mặt hàng bị đội giá và khó tìm mua.
"Ở Singapore, nhà chức trách khuyến cáo chỉ người không khỏe mới nên đeo khẩu trang. Chính vì thế, trên tàu điện ngầm, hầu hết mọi người đều không đeo. Chỉ những ai cảm thấy không yên tâm thì mới sử dụng khẩu trang", anh Hiệp cho biết.
Từng chịu nhiều tác động bởi cuộc chiến thương mại, giờ đây, Covid-19 lại làm kinh tế Singapore tổn thương hơn nữa. Tuy nhiên, anh Hiệp cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động với nền kinh tế Singapore. Mấy tuần trước, Chính phủ đã đưa ra một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng gói đó còn nhỏ. Ngày 26/3 này họ sẽ công bố một gói hỗ trợ lớn hơn, có thể tầm 20-30 tỉ đô la Singapore.
"Đây là gói hỗ trợ lớn hơn cả gói được tung ra năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy các thông tin cụ thể vẫn chưa được công bố nhưng theo tôi nó cũng hướng tới các biện pháp giống nhiều quốc gia khác đã làm, là giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, hay trợ giúp những ngành thiết yếu bị thiệt hại nặng nề do dịch có thể tồn tại và nhanh chóng phục hồi sau dịch", anh Hiệp chia sẻ.