Gói hạ tầng nghìn tỷ USD của ông Biden trước nỗi lo bị Trung Quốc “qua mặt”
Cơ sở ông Biden đưa ra để kêu gọi Quốc hội thông qua gói 2 nghìn tỷ USD là nguy cơ Mỹ bị Trung Quốc qua mặt về hạ tầng...
- 06-04-2021H&M, Nike,... và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden
- 02-04-2021Bloomberg: Gói chi tiêu với quy mô lịch sử của ông Joe Biden vẫn 'kém' so với Trung Quốc
- 01-04-2021Ông Biden đề xuất gói hạ tầng hơn 2 nghìn tỷ USD, sức ép tăng thuế ngày một lớn
Năm 2019, ứng cử viên Joe Biden bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống ở thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania - một thủ phủ của ngành công nghiệp thép Mỹ - với lời cam kết sẽ tái thiết "xương sống" của nền kinh tế đất nước.
Tháng 3/2021, trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng, ông Biden trở lại Pittsburgh với một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD. Đây là kế hoạch nâng cấp cầu đường, hệ thống giao thông công cộng, hiện đại hóa sân bay, mở rộng phạm vi phủ sóng internet băng thông rộng…
Một trong những điểm mấu chốt mà ông Biden đưa ra để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu khổng lồ trên là nguy cơ bị Trung Quốc vượt lên. Mỹ hiện đã tụt xuống vị trí thứ 13 toàn cầu về chất lượng cơ sở hạ tầng quốc gia - theo báo cáo mới nhất từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới - trong khi Trung Quốc đang tăng hạng mạnh, vươn lên vị trí thứ 36.
Để có tiền trang trải cho kế hoạch trên, ông Biden đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đảo ngược hoàn toàn chính sách giảm thuế dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Bộ Tài chính Mỹ ước tính dự luật tăng thuế như vậy có thể bổ sung vào ngân sách quốc gia khoảng 2,5 nghìn tỷ USD trong vòng 15 năm - đủ để tài trợ cho dự án mà ông Biden ấp ủ.
Để vận động Quốc hội Mỹ đồng ý tăng thuế doanh nghiệp, ông Biden đã viện dẫn những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng.
Ngay cả những nhà phê bình nghiêm khắc nhất về Trung Quốc cũng phải kinh ngạc trước khả năng xây dựng hạ tầng của quốc gia Đông Á này: những sân bay hiện đại bậc nhất hành tinh, những sân vận động hoành tráng, và đường cao tốc trải dài khắp đất nước. Cơ sở hạ tầng phát triển chóng mặt đã giúp Trung Quốc "lột xác" từ một quốc gia nghèo thành đối thủ chiến lược của nước Mỹ.
Khi còn cầm quyền, ông Trump cũng từng đề cập đến tốc độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhanh chóng ở Trung Quốc để nhấn mạnh tính cấp thiết của chiến lược tái thiết nước Mỹ. "Họ xây dựng những cây cầu đáng kinh ngạc" - ông Trump tuyên bố trước đám đông trong một cuộc vận động tranh cử năm 2016.
Đến lượt mình, ông Biden nhấn mạnh tỷ lệ chi tiêu của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng nhiều gấp 3 lần nước Mỹ. Số liệu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ chỉ ra rằng trong khi Mỹ chỉ dành 2,4% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, con số này là 8% ở Trung Quốc.
Không ngạc nhiên khi Trung Quốc tự hào tuyên bố đã xây dựng ít nhất 1 triệu cây cầu trên khắp đất nước, rất nhiều trong đó là những cây cầu cao và dài bậc nhất hành tinh. Trong số 100 tòa nhà cao nhất thế giới, 49 tòa nhà nằm ở Trung Quốc.
Một báo cáo năm 2014 còn gây chấn động hơn khi chỉ ra lượng xi măng Trung Quốc sử dụng trong 3 năm trước đó nhiều hơn cả lượng xi măng nước Mỹ sử dụng trong suốt thế kỷ 20. Các số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG) ước tính Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ sử dụng như vậy cho đến nay, với hơn 2,2 tỷ tấn xi măng được sản xuất hàng năm.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới có trụ sở tại Brussels, Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới. Năm ngoái, sản lượng thép của Trung Quốc gấp 14 lần nước Mỹ. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất ô tô điện ngầm lớn nhất thế giới.
Nhưng những minh chứng về Trung Quốc chỉ để các chính khách Mỹ như ông Biden gia tăng tính thuyết phục cho bài phát biểu của họ trước công chúng, còn việc đi theo con đường của Trung Quốc là một câu chuyện khác.
Không khó để thấy chiến lược cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có nhiều hạn chế khi ứng dụng trực tiếp vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Nhất là khi hai quốc gia có nền tảng hệ thống chính trị hoàn toàn trái ngược.
Có một câu chuyện cụ thể cho thấy rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ về chiến lược cơ sở hạ tầng. Khi các quan chức Thượng Hải mời đội ngũ chuyên gia quy hoạch đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB) đến xem xét tính khả thi của dự án tàu điện ngầm vào năm 1991, nhóm chuyên gia đã lắc đầu trước phương án giao thông ngầm do thành phố này nằm trong lưu vực sông Dương Tử. Thay vào đó, họ đề xuất xây dựng hệ thống xe bus.
Nhưng Thượng Hải vẫn quyết triển khai dự án tàu điện ngầm. 3 thập kỷ sau, hệ thống tàu điện ngầm của Thượng Hải là một trong những đường tàu điện ngầm dài và có lưu lượng khách đông nhất thế giới, chuyên chở khoảng 10 triệu hành khách mỗi ngày.
Từ câu chuyện trên có thể thấy Mỹ cần một chút quyết đoán của Trung Quốc để đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng. Một chuyên gia kêu gọi các chính trị gia Mỹ có cách tiếp cận dứt khoát hơn, thúc đẩy phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng nhanh chóng hơn thay vì tập trung quá nhiều vào nghiên cứu về tác động địa phương như hiện nay.
Trong khi Washington còn tranh cãi về gói chi tiêu cơ sở hạ tầng 2 nghìn tỷ USD, chính phủ Trung Quốc vẫn liên tục đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như một nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Tất nhiên, sự phát triển cơ sở hạ tầng không kiểm soát ở Trung Quốc cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong nền kinh tế. Chẳng hạn gánh nặng nợ phình to, ô nhiễm môi trường… Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington ước tính nợ của Trung Quốc đã tăng lên mức 335% tổng sản phẩm trong nước (GDP), từ mức 200% GDP hồi năm 2011.
VnEconomy