MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và... "bệnh nhân người Anh"

13-06-2020 - 08:22 AM | Tài chính - ngân hàng

Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương 16.000 tỷ đồng đã sẵn sàng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Song dù muốn được cấp máy, doanh nghiệp vẫn chưa có oxy trợ thở.

"Bệnh nhân người Anh" (The English Patient) là tên một bộ phim lãng mạn, chiến tranh của Mỹ được sản xuất cách đây hơn 20 năm, từng được trao giải Oscar. Còn "bệnh nhân người Anh" chính là bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 91 tại Việt Nam, mà ngành y tế Việt Nam đã kiên trì chữa trị hoàn toàn miễn phí để cứu sống.

"Chúng tôi hoàn toàn tự hào với kỳ tích của Việt Nam qua việc cứu chữa cho bệnh nhân người Anh. Ở một góc độ nào đó, đôi khi chúng tôi ước khi mình lâm bệnh, nhiễm virus, sức khỏe doanh nghiệp gần như chết lâm sàng, cũng được bác sĩ chuyên môn cao thăm khám, ra quyết định cấp cứu, cho thở máy ECMO bằng vốn mà Nhà nước đã sẵn sàng hỗ trợ"..., đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở phía Nam chia sẻ và cho biết thêm: "Chúng tôi cố gắng cầm cự qua tháng 6 mà đến hiện tại đơn hàng cho quý III vẫn chưa hề có tín hiệu mới, lạc quan nào. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục tiêu hết những đồng vốn cuối cùng trước khi tiếp tục thông báo với một bộ phận công nhân về thực trạng khó khăn hiện tại".

Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và... bệnh nhân người Anh - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân cứu nguy doanh nghiệp và người lao động, trong khi tình trạng hủy đơn hàng diễn ra ở mọi khu vực toàn cầu, trong đó có Việt Nam (nguồn: Liên đoàn Dệt may quốc tế qua khảo sát 700 doanh nghiệp dệt may toàn cầu, Vinatex và SSI Reseach)

Doanh nghiệp này đã xoay xở trong suốt mấy tháng qua và đã triển khai giãn việc, giảm công suất, cho công nhân ngừng, chờ việc theo số lượng đơn hàng "bốc hơi". Phần lớn công nhân của họ đều hợp đồng lao động toàn thời gian và có đóng Bảo hiểm xã hội. Khi doanh nghiệp khó khăn, ngay cả với công nhân thuần thục tay nghề nhất, top cốt lõi cũng đều đã cảm nhận được tình hình không tươi sáng luôn có thể xảy đến.

"Đừng tưởng chỉ có da giày mới khó khăn do không có đơn hàng, còn chúng tôi, dệt may thì khá hơn "người anh em" do có thể chuyển qua may khẩu trang, áo quần bảo hộ. Đơn hàng khẩu trang cũng khó có thể nuôi được gần cả chục nghìn con người. Hơn nữa, với khẩu trang thì không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được đơn hàng lớn, xuất đi", vị đại diện doanh nghiệp trên nói thêm và nhấn mạnh trong khó khăn, ông thực sự không muốn nêu tên doanh nghiệp mình trên báo.

Vinatex, đơn vị tự hào vẫn nỗ lực giữ được 120.000 nhân công trong giai đoạn căng thẳng COVID-19, cũng vừa đưa ước tính dệt may có thể mất 30% đơn đặt hàng trong tháng 4 và 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Một vấn đề khác là sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm, có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Trong khi ngành Dệt may, Da giày– khối sử dụng lao động nhiều bậc nhất, cũng thường được gọi là khối "xương gà chiên bơ" bậc nhất do biên lợi nhuận rất mỏng, chênh lệch giữa giá thành nguyên liệu nhập và giá thành xuất đi có được từ gia công rất thấp…, đang gần như chưa thể tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, thì gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay chi lương vẫn không hề suy suyển.

Tại Hà Nội, đến gần nửa đầu tháng 6 năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin mới có chỉ 2 doanh nghiệp liên hệ xin vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Ở phía Nam, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM trước đó cũng thông tin tính đến cuối tháng 5 năm 2020, Thành phố có 53 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, nhưng đến nay, chưa doanh nghiệp nào được giải ngân khoản hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết NHNN đã sẵn sàng gói vay 16.000 tỷ đồng theo chủ trương được giao (trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về điều kiện, đối tượng được vay gói này.

Theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì để vay được gói này, doanh nghiệp phải công khai tài chính, lương thưởng chi tiết, không có nợ xấu… kèm nhiều điều kiện. Bước thủ tục cơ bản là doanh nghiệp có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện. Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định rồi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt và gửi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục cho vay. Nghĩa là phải qua rất nhiều cấp thì mới đến chỗ "ông" ngân hàng – nơi có thẩm quyền và chuyên môn, nghiệp vụ về thẩm định, "thăm khám" sức khỏe doanh nghiệp hơn bất kỳ nơi đâu.

Thế nhưng, quy định là quy định. Thế nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói tín dụng cho vay trả lương. Hơn nữa, không có đơn hàng, cũng chẳng có ai vay tiền để trả lương công nhân. Vay lấy gì trả, cho dù là lãi suất 0 đồng? Với doanh nghiệp quy mô và thâm dụng lao động, đâu phải chỉ trả cho một vài chục hoặc trăm nhân sự, người lao động là xong. Trả bộ phận này mà không trả bộ phận kia thì nhân công cũng đình công, càng hỗn loạn...

Một thống kê không chính thức cho thấy đến hiện tại, khối dệt may đã có tỷ lệ cắt giảm nhân sự lên tới 70%. Công nhân lao động tại các doanh nghiệp khó khăn đang tiếp tục sống trong nơm nớp nỗi lo bị mất việc, sa thải, không có khoản hỗ trợ nào khi ngừng, chờ việc.

Và một số doanh nghiệp trong thất bát, thì bi quan tới mức ước gì mình được như… "bệnh nhân người Anh". Nghĩa là ước ví von đã được Nhà nước có chủ trương, chính sách, có tiền sẵn sàng, thì cũng sẽ tiến tới nới bớt các điều kiện, cho "doanh nghiệp bị bệnh" dễ dàng được thăm khám ngay, được cấp thuốc, thậm chí cần thì cho sử dụng máy trợ thở ngay, sử dụng mà không bắt buộc họ phải... tiêu khối oxy đó vào khu vực nào, bộ phận nào? Miễn sao doanh nghiệp vẫn đảm bảo giữ được nhân công lao động, giữ được doanh nghiệp, không phải tính đến bài toán sa thải và xin cấp oxy để truyền cho công nhân ngừng việc. Và miễn sao họ miễn nhiễm với "virus" đóng cửa, còn sống.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên