Gói hỗ trợ 6.000 tỷ đào tạo lại lao động: Tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng việc dành 6.000 tỷ cho việc tái đào tạo có ý nghĩa lớn với người lao động và doanh nghiệp, song khi triển khai cần đưa ra những điều kiện thực tế, tránh việc doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận.
- 06-03-2021Các hãng Hàng không Việt 'đòi' hỗ trợ gói 25 nghìn tỷ đồng giải cứu
- 04-03-2021Gói hỗ trợ lần 2, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất gì?
- 03-03-2021Bộ Kế hoạch Đầu tư đang nghiên cứu gói hỗ trợ kinh tế thứ hai
Bộ LĐ-TB-XH vừa có đề xuất trình Chính phủ về việc sử dụng khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, dự kiến mức đề xuất hỗ trợ học nghề là 1 triệu đồng/người trong thời gian tối đa 6 tháng. Về điều kiện thực hiện hỗ trợ đào tạo, dự thảo đề xuất kiến nghị việc triển khai thông qua người sử dụng lao động đang quản lý người lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ khi có đủ 4 điều kiện, như: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời, doanh nghiệp cần có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ và có phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...
Với điều kiện có báo cáo quyết toán, dự thảo đề xuất nêu rõ, báo cáo quyết toán tài chính phải của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trường hợp người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ trong 3 tháng đầu năm 2021 thì báo cáo quyết toán tài chính của năm 2020 phải phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với năm 2019.
Cần đưa ra điều kiện đảm bảo thực tế
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng đây là chủ trương tốt, có ý nghĩa với những lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
"Tuy nhiên thời điểm này đề xuất có phần hơi chậm, đáng ra nên đưa ra chính sách này ngay từ năm ngoái để kịp thời hỗ trợ lao động. Khi thực hiện, cũng cần tính đến những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận. Bộ cũng cần nghiên cứu cách làm thực tế, lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội để có cách làm phù hợp, đi vào cuộc sống, tránh việc chính sách chỉ trên đề án nhưng khi đưa vào triển khai doanh nghiệp và người lao động lại gặp khó khăn", ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng khi thực hiện cần liên tục kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời nếu có những khó khăn, vướng mắc.
Nói thêm về sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Phạm Minh Huân cho rằng, đây là khoản ngân sách dùng để hỗ trợ lao động không may mất việc hoặc giảm giờ làm. Trong luật quy định, ngoài việc hỗ trợ thất nghiệp, nguồn tiền này còn dùng để đào tạo lại lao động. Tuy nhiên thực tế nhiều năm nay, nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ tập trung vào việc trợ cấp cho lao động sau khi mất việc, phần đào tạo lại, dạy nghề cho lao động chưa thực sự được chú trọng. Theo đó, về lâu dài cần có những nghiên cứu, giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH xuất phát từ thực tế ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, song rộng hơn, hiện nay lao động cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ mất việc, việc làm bị thay thế trong cuộc CMCN 4.0. Do đó, theo ông Phạm Minh Huân, các bộ ngành cần phối hợp, tính toán xây dựng các đề án về đào tạo và đào tạo lại lao động nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường trong tương lai.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), thời gian qua, số lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất lớn, bởi vậy chính sách hỗ trợ học nghề là rất cần thiết.
Bà Hương cho rằng, cần có một chiến lược về đào tạo lại, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng kịch bản đào tạo, chuyển đổi nghề rất cụ thể. Đặc biệt, nên rút kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm trước đây, không phải đào tạo một cách ồ ạt.
Nói về con số 20% sụt giảm doanh thu là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, bà Hương cho rằng, số liệu này có phần "cảm tính, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp". Theo chuyên gia này, trên thực tế, không chỉ khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp vẫn thường xuyên có nhu cầu đào tạo lại lao động để đáp ứng việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
"Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ các chính sách trước để sử dụng nguồn tiền cho phù hợp, tránh lãng phí", bà Hương lưu ý.
Chuyên gia này cũng cho rằng, có thể coi việc dành 6.000 tỷ hỗ trợ lao động học nghề lần này như một đợt thí điểm, nếu triển khau tốt sẽ là tiền cho những chiến lược đào tạo có tính chất lâu dài và bài bản về sau.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nếu được thông qua, chính sách hỗ trợ sẽ được áp dụng ngay trong cuối quý 1 hoặc quý 2/2021 và có thể kéo dài 1 năm... Bộ này cũng cho rằng, về tính khả thi, phương án hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có thể tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ hơn so với quy định hiện nay. Từ đó thúc đẩy việc đào tạo, đào tạo lại lao động, đảm bảo duy trì việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp và vẫn đảm bảo./.
VOV