Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Sắp hết hạn, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 'mở toang' điều kiện
Bộ LÐ-TB&XH cho biết, đến nay ngân hàng đã giải ngân được khoảng 11.600 tỷ đồng từ gói 62 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, xuất hiện tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức dẫn đến việc chậm hỗ trợ cho người dân. Bộ này đề xuất sắp tới mở rộng đối tượng được vay, giảm một loạt các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói vay này.
- 01-07-2020Đề xuất 'nới' thời gian lao động mất việc nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng
- 30-06-2020Doanh nghiệp loay hoay, than khó vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ
- 11-06-2020Vì sao có rất ít người lao động được nhận gói hỗ trợ Covid-19
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 về lĩnh vực lao động, người có công sáng 16/7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngừng việc cao nhất trong 10 năm qua. Tới nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 2,56 %. Trong khi đó, con số này chỉ là 1,98 % vào cuối năm 2019.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, quy mô thị trường lao động giảm từ 54 triệu xuống 52 triệu người. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng giải thể, lao động bị ảnh hưởng, trong đó lao động tự do bị tác động sâu và giảm thu nhập nhiều nhất.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại tình trạng ngừng việc đã xuất hiện ở doanh nghiệp nhỏ. Nếu không xử lý nhanh, tình trạng ngừng việc, mất việc sẽ xuất hiện ở các doanh nghiệp lớn, thậm chí là doanh nghiệp FDI... Đặc biệt là một số ngành nghề như may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận…
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, tính đến ngày 13/7, theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân khoảng 11.600 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 11,5 triệu người dân (trong tổng số 15,8 triệu người được phê duyệt) và 9.425 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo ông Dũng, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với khoảng 11,2 triệu người. Số kinh phí hỗ trợ khoảng 11.300 tỷ đồng.
Sẽ điều chỉnh gói 62 nghìn tỷ
Tại hội nghị, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Lê Quân, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ mở rộng các trường hợp nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng đối với giáo viên tư thục, đồng thời giảm một loạt các điều kiện về gói vay trả lương lãi suất 0% nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động.
Theo ông Quân, ngay sau khi Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc giảm điều kiện và mở rộng đối tượng trong Nghị quyết 42, chiều 15/7, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cung cấp số liệu về giáo viên tư thục cũng như đánh giá tác động của COVID-19 đối với giáo viên tư thục.
Theo rà soát, số lượng giáo viên tư thục ở tất cả các cấp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có khoảng 30.000 - 50.000 người. Bộ sẽ bổ sung những đối tượng này vào nhóm hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng và tùy mức độ ảnh hưởng, giáo viên tư thục có thể được hỗ trợ từ 1 tháng đến tối đa 3 tháng.
Ông Quân cho biết, qua rà soát, số giáo viên này tập trung phần lớn ở bậc mầm non, bởi trong mấy tháng nghỉ học, các trường hầu như không thu được học phí. Còn ở bậc cao hơn như THCS, THPT, khối CĐ, ĐH hay trường nghề sinh viên nghỉ học không dài nên các trường vẫn có nguồn thu học phí. Ngoài ra, sẽ giảm bớt điều kiện gói vay trả lương lãi suất 0% để các doanh nghiệp tiếp cận với gói vay 16 nghìn tỷ đồng. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH chỉ giữ lại tiêu chí về thời gian vay tối đa 3 tháng và mức vay.
“Còn doanh nghiệp sẽ không cần chứng minh khó khăn tài chính như trước đây. Thời gian ngừng việc của lao động cũng nới rộng ra từ ngày 1/1 đến ngày 31/12, thay vì từ ngày 1/4 đến 30/6 như trước. Doanh nghiệp không cần phải trả trước 50% lương ngừng việc và giải ngân trực tiếp cho người lao động.”, Thứ trưởng Lê Quân cho hay.
Theo ông Quân, những nội dung trên mới chỉ là đề xuất, Bộ sẽ lấy thêm ý kiến của các đơn vị như Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước…Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có tờ trình gửi Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15.
Tiền phong