Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng - Nguồn lực quý giá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Báo chí tuần qua đã tập trung phân tích về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm đáng chú ý.
- 16-01-2022Đề nghị điều tra hành vi chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế
- 16-01-2022Thu nhập 3 triệu đồng/tháng, mức đóng BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
- 16-01-2022Top 10 địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả cao nhất cả nước
Trong tuần qua, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình, thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước và đời sống nhân dân.
Trong kỳ họp chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã thông qua các chính sách quan trọng nhằm góp phần tháo gỡ nút thắt, vướng mắc, giúp đất nước vượt qua khó khăn do đại dịch, hướng đến sự phát triển bền vững trước mắt và lâu dài.
Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay, gần 350.000 tỷ đồng, tương đương hơn 15 tỷ USD, trong 2 năm 2022 và 2023, theo báo Lao động.
Trong đó, báo Quân đội nhân dân thông tin, chính sách tăng chi cho đầu tư, phát triển như y tế, an sinh xã hội, việc làm, đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng từ nguồn ngân sách sẽ là khoảng 176.000 tỷ đồng trong năm nay và năm sau.
Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng, tương đương hơn 15 tỷ USD, trong 2 năm 2022 và 2023. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tờ Tiền phong cho biết, trong chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 0,5 - 1% trong 2 năm, cùng với đó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất. Gói chính sách tài khóa sẽ dành 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% một năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi.
350.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường là một con số rất lớn. Đây chính là nguồn lực quý giá hỗ trợ cả trực tiếp và gián tiếp các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ này, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1 - 1,2% GDP một năm, tối đa 240.000 tỷ đồng, cùng với đó là một số cơ chế đặc thù.
Gói hỗ trợ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế
Bình luận trên báo Đầu tư, đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh các chính sách trên là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và an sinh. Chính vì vậy, nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây chính là các đòn bẩy lớn cho nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Nhấn mạnh trong gói hỗ trợ lần này có quyết định giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 này cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ. Các chuyên gia đánh giá đây là "sự lựa chọn đúng" của Quốc hội vì sẽ gián tiếp góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong nước qua đó kích thích sản xuất. Tuy nhiên, tờ Đầu tư cũng cảnh báo trong thực thi gói tài khóa, tiền tệ nói chung, gói giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng này, hy vọng các bộ ngành vẫn kiểm soát được lạm phát.
Kỳ họp của sự đổi mới
Trên báo Đại đoàn kết, một số đại biểu Quốc hội cho rằng sau kỳ họp của sự đổi mới này, rất cần sự triển khai quyết liệt, kịp thời và toàn diện.
Chính phủ sẽ phải ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Giải pháp đã có nhưng khâu tổ chức triển khai là vô cùng quan trọng. Điều đó mới quyết định sự đóng góp cho phát triển kinh tế năm nay và giai đoạn tới. Mục tiêu rất rõ ràng đã được đặt ra cho năm 2022 khi Chính phủ dồn lực nhằm đạt tăng trưởng GDP 6 - 6,5% và bắt đầu hành trình phục hồi kinh tế.
Chính sách cấp bách phải triển khai cấp bách. Đó cũng chính là mong muốn và kỳ vọng của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không đảm bảo thời gian triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa".
VTV