Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế ít nhất phải quanh 500.000 tỷ đồng?
Chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ nếu chưa đảm bảo về lượng thì sẽ không đạt mục tiêu về chất.
- 03-12-2021Sang năm 2022, người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tăng 7,4% lương hưu
- 02-12-2021Học sinh THPT Hà Nội trở lại trường từ ngày 6/12
- 02-12-202110 địa phương có tốc độ tăng/giảm IIP nhiều nhất: TP. HCM ghi nhận giảm sâu nhất, Ninh Thuận đạt tốc độ tăng cao nhất cả nước
Như BizLIVE vừa thông tin , chiều 2/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra ngày 5/12 tới.
Tại buổi họp báo, điểm mà dư luận quan tâm và cả kỳ vọng đặt ra thời gian qua là quy mô của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sắp hình thành.
Trước đó, một số thông tin trên thị trường đã đề cập đến khả năng quy mô đó có thể lên tới 800.000 tỷ đồng.
Tham gia trả lời tại họp báo, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm rằng: Không quá tận dụng không gian của nợ công để xảy ra hệ luỵ về lạm phát, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô bao nhiêu sẽ thảo luận trong diễn đàn tới, không thể 10% GDP như nhiều nước khác, nhưng cũng phải từ 6-8% GDP.
Với ý kiến này, tính theo quy mô GDP ước khoảng 8,34 triệu tỷ đồng (tính toán từ báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 20/10 vừa qua), thì yêu cầu trên phải tối thiểu khoảng 500.000 tỷ đồng.
Cũng theo TS. Bùi Quang Tuấn, quy mô ở mức độ nào thì cần tính toán thêm, nhưng chưa đảm bảo về lượng thì sẽ không đạt mục tiêu về chất.
Viện trưởng Tuấn cũng cho rằng, còn không gian có thể tận dụng để thiết kế gói này, chẳng hạn như trần nợ công hiện nay vào khoảng 43,7% GDP, mà mức trần là 55% GDP nên vẫn đang còn không gian để tận dụng.
Cũng trả lời tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói không sợ tăng trần nợ công khi đưa ra gói hỗ trợ, mà quan trọng là gói này đưa vào đâu, mục đích gì, hiệu quả ra sao.
“Tại kỳ họp vừa qua Quốc hội cũng đã yêu cầu phải quản lý rủi ro, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, chống tham nhũng, lợi ích nhóm ở gói hỗ trợ này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh thêm về sự cần thiết phải có một gói hỗ trợ cho giai đoạn trước mắt. Bởi gần năm qua tác động của COVID-19 đã ảnh hưởng toàn cầu, khiến cho cả cung và cầu đều đứt gãy, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp, việc đặt ra gói hỗ trợ tiếp theo để phục hồi và hỗ trợ kinh tế hết sức cần thiết.
Nhưng “gói này Chính phủ chưa trình sang, ngày mai, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra để trình Quốc hội vào kỳ họp bất thường, nhưng hiện nay tài liệu đó chưa có”, ông Thanh thông tin.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, gói này chỉ tập trung vào hai năm 2022 - 2023 và mỗi năm bội chi có thể tăng thêm 1% GDP, thì nợ công vẫn an toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trao đổi thêm.
Yêu cầu đặt ra, theo ông Thanh là ở quy mô nào thì cũng phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, tập trung cả cung và cầu, vào các ngành trọng tâm.
“Diễn đàn ngày 5/12 tới cũng nhằm xác định sẽ sử dụng tài khoá bao nhiêu và tiền tệ bao nhiêu. Có ý kiến nói kinh nghiệm quốc tế thì tài khoá 65%, còn tiền tệ 35%, ở Việt Nam thì chính sách vừa qua thì tài khoá 72% và tiền tệ 28% thì cũng tương tự với quốc tế”, ông Thanh nói.
Còn về nguồn của gói hỗ trợ này, ông Thanh cho rằng phải cân nhắc, trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo cả sức hấp thụ của nền kinh tế.
Cũng cho rằng cần triển khai gói hỗ trợ sớm, TS. Bùi Quang Tuấn nêu quan điểm thêm: “Chúng tôi dự báo năm nay Việt Nam tăng trưởng chỉ khoảng 2-2,5%, trong khi thế giới trên 5%. Vậy nên để thu hẹp khoảng cách thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vẫn là trụ cột. Gói hỗ trợ thì cần nhưng cần tính đến tác dụng ngay chứ nếu 5-7 năm nữa mới có tác dụng thì sẽ ít tác dụng”.
BizLive