Trung Quốc khẳng định sẽ không đổi "lợi ích cốt lõi" lấy thỏa thuận thương mại với Mỹ
Một bài xã luận mới được đăng trên tờ Xinhua đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyền lợi chính đáng là quyền quyết định sẽ điều hành nền kinh tế như thế nào.
- 27-05-2019Nhân dân tệ tiếp tục lao dốc, Trung Quốc cảnh báo nhà đầu tư sẽ lỗ lớn nếu bán khống đồng tiền này
- 25-05-2019Đưa Huawei vào danh sách đen, liệu Mỹ vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành một quốc gia tự cường về công nghệ?
- 25-05-2019'Bảng tỷ số' này sẽ cho bạn thấy Mỹ hay Trung Quốc là bên chiến thắng trong cuộc chiến thương mại
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tập trung nhiều hơn vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty nước ngoài, Bắc Kinh vừa tuyên bố phần lớn những lời phàn nàn của Mỹ về cấu trúc kinh tế Trung Quốc đang đi ngược lại với "lợi ích cốt lõi" – dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không đánh đổi mô hình kinh tế của mình lấy thỏa thuận thương mại.
Trước đây, cụm từ "lợi ích cốt lõi" thường được dùng để ám chỉ chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, ví dụ như khi nói về đảo Đài Loan. Tuy nhiên, một bài xã luận mới được đăng trên tờ Xinhua đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyền lợi chính đáng là quyền quyết định sẽ điều hành nền kinh tế như thế nào.
Bài báo cũng liệt kê 5 điều mà Mỹ đang làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. "Trên bàn đàm phán, Chính phủ Mỹ đã đưa ra rất nhiều yêu cầu quá kiêu căng ngạo mạn, trong đó có kiềm chế sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng là điều này vượt ra ngoài phạm vi của đàm phán thương mại và động chạm đến nền tảng cơ bản của kinh tế Trung Quốc... Điều đó cho thấy đằng sau cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động là nỗ lực vi phạm chủ quyền kinh tế Trung Quốc cũng như bắt Trung Quốc tự phá hủy các lợi ích cốt lõi của riêng mình", bài báo có đoạn.
Trong nền kinh tế Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ nắm gần như toàn bộ các ngành chiến lược như năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Vì các công ty này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, các công ty nước ngoài thường than phiền rằng họ bị đối xử không công bằng.
Phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc đã hưởng lợi lớn từ khi gia nhập WTO năm 2001 mà không tuân thủ các cam kết về giảm mức độ kiểm soát của khu vực nhà nước. Về phần mình, Bắc Kinh gần đây cũng đã cố gắng tăng cường vai trò của thị trường lên nền kinh tế và mở cửa rộng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng quá trình này diễn ra quá chậm chạp.