MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói từ 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

23-07-2021 - 09:28 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực đề nghị triển khai gói hỗ trợ trị giá 50.000-60.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 3-4%, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chịu ảnh hưởng nặng nề vượt qua đại dịch COVID-19.

TS. Phạm Thế Anh
TS. Phạm Thế Anh
Chuyên gia, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
13 bài viết

Nhận định về kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi nhờ vào độ bao phủ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các quốc gia. Một số quốc gia đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh trong quý III/2021.

Gói từ 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Theo chuyên gia phát biểu tại toạ đàm về công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, lạm phát và tăng giá hàng hóa là câu chuyện không thể chủ quan nhưng cũng không nên quan ngại thái quá

Tuy nhiên, về triển vọng kinh tế 2021, sự bùng phát dịch trở lại đã làm nền kinh tế đối mặt với sự đình trệ một lần nữa, nhiều bất cập phát sinh trong công tác phòng chống bệnh dịch như: Thiếu chiến lược tổng thể, nhất quán và sự chuẩn bị cho các tình huống lây nhiễm chéo trong khu cách ly; bất cập tại các điểm khai báo y tế; đứt gãy trong lưu thông hàng hóa; các biện pháp chống dịch cực đoan; thiếu trang thiết bị y tế;...

Chính vì vậy, con số tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm không phản ánh hết những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực phi chính thức. Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc lớn vào các yếu tố như: tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả và phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch và các gói hỗ trợ cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, những rủi ro đang bắt đầu tích lũy, đặc biệt trong giai đoạn sau bệnh dịch, nợ xấu tiềm ẩn có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng.

Gói từ 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2.

PGS.TS. Phạm Thế Anh

Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ và quy mô tiêm chủng, thực hiện các gói tài khóa tập trung vào cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ người lao động mất việc, đẩy nhanh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở cấp quốc gia, thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tại Việt Nam, ngoài những mặt tích cực thì còn một số vấn đề đang nóng như thị trường chứng khoán đang dấy lên nhiều nhiều câu hỏi, mà về cơ bản, thị trường khá nóng vì đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với mức trung bình của thế giới. Ví dụ như chỉ số chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2021 đã tăng trưởng khoảng 28%,  khi các thị trường lớn chỉ tăng 10 -14%, trong bối cảnh kinh tế triển vọng không phải quá sáng sủa giống một số nước khác.

Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu một số vấn đề đáng chú ý như:

Thứ nhất, chiến lược và phương thức phòng chống dịch bệnh của Việt Nam "đâu đó còn rất lúng túng", vaccine thì bị chậm so với thế giới và sắp tới, hy vọng sẽ được đẩy nhanh hơn.

Thứ hai, dịch vụ bán lẻ năm nay tăng tương đối thấp, hết 6 tháng mới tăng khoảng gần 5% so với cùng kỳ, chúng tỏ sức cầu còn rất yếu, trong khi giãn cách, phong tỏa, cách ly thì sức cầu trong quý 3 sẽ tiếp tục chưa thể phục hồi. Đây là một động lực cần phải thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, về câu chuyện thu chi ngân sách, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế báo cáo rằng, thu ngân sách đâu đó khoảng 58%, nhưng chi mới đạt được 42% kế hoạch. Như vậy, năm nay không phải thâm hụt mà là thặng dư ngân sách, tuy nhiên, vấn đề quan ngại ở đây là, chi đầu tư phát triển còn chậm, giải ngân đầu tư công bị chậm. Thu ngân sách mặc dù đạt kết quả tốt, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, mà thu tốt chủ yếu đến từ những giao dịch kinh doanh chứng khoán, bất động sản. Đây là hai đối tượng làm tăng thu đột biến cho ngân sách Trung ương cũng như nhiều địa phương và không mang tính bền vững, cần phải mổ xẻ, phân tích kỹ hơn.

Thứ tư, cần cơ cấu lại nền kinh tế liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, trước đó đã chậm rồi, bây giờ lại càng chậm hơn. Cùng với đó là hệ thống ngân hàng, với nguy nợ xấu sẽ bị tăng lên nhiều, dù các diễn đàn, hội thảo vẫn chia sẻ với nhau, lợi nhuận ngân hàng tăng cao. Song, có một nguyên nhân vô cùng quan trọng đó là, ngân hàng vẫn chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo Thông tư 01 và Thông tư 03.

Gói từ 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 3.

TS Cấn Văn Lực

Về giải pháp, quan điểm của tôi là vẫn phải kiên định "mục tiêu kép", ở tùy từng địa phương, địa điểm, tùy thời điểm, bởi vì nếu chỉ chăm chăm chống dịch thái quá, thì nền kinh tế sẽ suy sụp và người dân cực kỳ khó khăn. Nhất là khối lao động tự do, tập trung nhiều trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh đó, tích lũy tiết kiệm của người dân TP. Hồ Chí Minh cũng không được như ngoài miền Bắc. Song song với đó, các gói hỗ trợ cần được thúc đẩy nhanh hơn và cần phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi cũng đề xuất gói hỗ trợ lãi suất thấp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm chứ không đại trà cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương... gói này khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức từ 3- 4%, thời hạn cho vay chỉ trong vòng một năm. Với gói như vậy, Chính phủ sẽ phải bỏ tiền ngân sách ra khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ, con số này không quá lớn nhưng sẽ rất tốt cho khối DNNVV”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Mặt khác, lạm phát và áp lực giá cả tăng tại Việt Nam là câu chuyện không thể chủ quan nhưng cũng không nên làm thái quá, tránh bóp nghẹt hoạt động sản xuất, kinh doanh với ứng xử phù hợp trong thời gian tới.

Chia sẻ về quan điểm của mình, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, hiện nay triển vọng nợ xấu tăng cao khi sức khỏe doanh nghiệp ngày càng suy yếu và điều kiện kinh doanh khó khăn hơn. Vậy vì sao cho đến lúc này, các ngân hàng thương mại đã được yêu cầu quản trị rủi ro đảm bảo an toàn vốn, theo các nguyên tắc của Ủy ban Basel II, nhưng Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng? Đây là một nút thắt cần tháo gỡ và theo xu hướng thế giới, Việt Nam nên kiểm soát tăng trưởng cung tiền thay vì kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù tới đây, nếu 70% dân số cả nước được tiêm chủng vaccine, thì nền kinh tế của Việt Nam cũng chưa chắc đã hồi phục lại như trạng thái bình thường trước đó. Vì vậy, thuốc đặc trị để chữa bệnh mới thực sự tạo ra triển vọng chắc chắn cho nền kinh tế, còn nếu chỉ dựa vào vaccine thì hoàn toàn chưa thể nói trước được”, vị PGS. phân tích.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên