Goldman Sachs, Morgan Stanley: Suy thoái kinh tế đã ở ngay trước mắt!
Các nhà kinh tế đã ngay lập tức loại bỏ những dự báo trước đó rằng thế giới có thể không rơi vào cuộc suy thoái lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân là do sự lây lan trên quy mô lớn của Covid-19 ở Mỹ và châu Âu, cũng như bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc đã hứng chịu tổn thất nặng nề hơn về mặt kinh tế so với ước tính ban đầu.
- 11-03-2020Economist: Đức và Italy đứng trước bờ vực suy thoái khi đối mặt với virus corona
- 04-03-2020Ba cách đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu do virus corona
- 01-03-2020Virus corona lây lan và thị trường chứng khoán lao dốc, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ hứng chịu "đòn đau" gấp đôi, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs và Morgan Stanley đã đưa ra quan điểm tương đồng với nhiều người khác ở Phố Wall rằng dịch Covid-19 đã châm ngòi cho suy thoái kinh tế toàn cầu. Giờ đây, họ đang tập trung về việc dự đoán cuộc suy thoái này sẽ kéo dài và ảnh hưởng sâu sắc đến đâu.
Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump thừa nhận rằng diễn biến tiêu cực của riêng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ trở thành "sự suy thoái tồi tệ", thì các nhà kinh tế đã ngay lập tức loại bỏ những dự báo trước đó rằng thế giới có thể không rơi vào cuộc suy thoái lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính.
Nguyên nhân đằng sau đó là tình trạng lây lan trên quy mô lớn của dịch Covid-19 ở Mỹ và châu Âu, cũng như bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc – đã trải qua giai đoạn khó khăn khi đương đầu với dịch bệnh, đã hứng chịu tổn thất nặng nề hơn về mặt kinh tế so với ước tính ban đầu.
Nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley, dẫn dắt bởi Chetan Ahya, cho biết cuộc suy thoái trên toàn thế giới giờ đây là trường hợp cơ bản đối với họ, khi ước tính tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,9% trong năm nay. Tại Goldman Sachs, Jan Hatzius cùng các cộng sự cũng đưa ra dự đoán về đà tăng trưởng yếu trong năm nay, chỉ đạt 1,25%. S&P Global có quan điểm tiêu cực tương tự, dự báo mức tăng trưởng sẽ dao động từ 1% đến 1,5%.
Con số trên vẫn cao hơn so với mức giảm 0,8% trong năm 2009 nhưng sẽ tồi tệ hơn so với cuộc suy thoái năm 2001 và đầu những năm 1990. Cả các nhà nghiên cứu của Morgan Stanley và Goldman Sachs đều dự đoán rằng đà hồi phục sẽ diễn ra trong nửa cuối của năm 2020, nhưng vẫn cảnh báo về rủi ro về sự tổn hại lớn hơn đối với nền kinh tế.
Những dự báo tiêu cực như vậy sẽ tạo thêm áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra động thái mạnh mẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng khủng hoảng y tế và có các biện pháp kích thích giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua cú sốc này, sau đó nhu cầu sẽ hồi phục trở lại.
Những số liệu mới công bố đã thể hiện rõ tác động của dịch bệnh đối với những nền kinh tế lớn. Niềm tin nhà đầu tư đối với nền kinh tế Đức đã sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ cũng rớt thảm nhất trong 1 năm vào tháng 2, ngay cả trước khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo ước tính trung bình trong cuộc khảo sát của Bloomberg, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 14/3 của Mỹ, công bố vào ngày 19/3, có thể sẽ tăng lên mức cao nhất trong năm nay và có khả năng leo lên cao hơn nữa trong những tuần tới.
Dù Fed và các NHTW các nước đã rất tích cực trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng hầu hết các chính phủ lại có phản ứng chậm trễ hơn và hiện chỉ đưa ra những gói kích thích tài chính mà không thể trấn an nhà đầu tư.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết: "Trong khi phản ứng về chính sách sẽ tạo ra ‘lá chắn bảo vệ’ trước rủi ro sụt giá, thì thiệt hại cơ bản từ cả tác động của Covid-19 và điều kiện tài chính chặt chẽ sẽ tạo ra cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu."
Kịch bản về tăng trưởng kinh tế còn có thể trở nên tối tăm hơn nữa nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài lâu hơn dự đoán, hoặc gây tổn hại lớn hơn về mặt kinh tế, do các nhà máy, nhà hàng, trường học và cửa hàng trên khắp thế giới đóng cửa. Diễn biến tiêu cực của thị trường hoặc sự chậm trễ của chính phủ các nước khi đối phó với dịch bệnh cũng được coi là mối đe doạ.
Ở Phố Wall, các chiến lược gia cũng đang phân tích về những động thái sắp tới của chính phủ các nước. Tại JPMorgan, John Normand – trưởng phòng chiến lược tài sản chéo, ủng hộ việc các nền kinh tế phát triển lặp lại động thái như ở thời điểm khủng hoảng kinh tế, đó là đưa ra gói kích thích tài khoá trị giá 1% đến 2% tổng GDP. George Saravelos – chiến lược gia tiền tệ tại Deutsche Bank, cho biết các chính phủ cũng cần phải can thiệp để đảm bảo sự hỗ trợ cho các hộ gia đình và công ty.
Tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang đề xuất việc hỗ trợ tiền mặt cho người dân Mỹ trong vòng 2 tuần. Ông cũng cho biết các đối tượng nộp thuế cũng được gia hạn thêm.
S&P Global cũng cho biết, mức độ nghiêm trọng từ cú sốc do dịch bệnh tức là nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đang bước vào suy thoái, nếu chưa phải là đã suy thoái. Tác động đến chi tiêu người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, cùng với giá dầu lao dốc ảnh hưởng đến đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ khiến GDP giảm 1% trong quý I và 6% trong quý II, kinh tế gia trưởng Beth Ann Bovino nhận định.
Những ý kiến dự đoán về nền kinh tế Mỹ vẫn rất khác nhau, khi một số người cho rằng hoạt động sản xuất sẽ giảm 10% hàng năm trong 3 tháng đến tháng 6. Goldman Sachs dự đoán đà giảm mạnh 5% sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 0% ở quý đầu tiên.
Tham khảo Bloomberg