Goldman Sachs vướng vào vụ 1MDB như thế nào?
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đang gặp rắc rối vì vụ bê bối tham nhũng của 1MDB - quỹ đầu tư quốc gia của Malaysia...
- 30-10-2018Goldman Sachs: Thị trường sẽ phục hồi trong 2 tháng tới
- 26-10-2018Bỏ việc tại Goldman Sachs và Facebook, cô gái 34 tuổi trở thành "nữ hoàng" start-up của Nhật Bản
- 24-10-2018Goldman Sachs: Đồng NDT sẽ còn yếu hơn và vượt "giới hạn đỏ" trong vòng 6 tháng tới
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đang gặp rắc rối vì vụ bê bối tham nhũng của 1MDB - quỹ đầu tư quốc gia của Malaysia. Ít nhất, giới đầu tư và các chuyên gia pháp lý cho là như vậy.
Trong phiên giao dịch hôm thứ Hai tuần trước, giá cổ phiếu Goldman Sachs lao dốc 7%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong 7 năm, và đến nay vẫn chưa hồi phục. Nguyên nhân dẫn tới cú giảm giá chóng mặt này của cổ phiếu Goldman Sachs là nỗi lo của giới đầu tư về sự dính líu của nhà băng này đến bê bối 1MDB.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng số tiền 4,5 tỷ USD đã bị biển thủ khỏi 1MDB. Nhà chức trách Mỹ hiện đang xem xét vai trò của Goldman Sachs trong việc gây thất thoát số tiền đó. Khoảng một nửa số tiền mà Goldman Sachs giúp 1MDB huy động được thông qua phát hành trái phiếu bị nghi đã bị rót vào những món nữ trang và các tác phẩm nghệ thuật đắt giá, cũng như đưa hối lộ và "lại quả" cho quan chức nước ngoài.
Vào năm 2012 và 2013, Goldman Sachs giúp 1MDB thực hiện ba vụ phát hành trái phiếu, huy động được tổng cộng 6,5 tỷ USD. Theo tài liệu của tòa án, Goldman Sachs đã thu được của 1MDB 600 triệu USD tiền phí trong các vụ phát hành này.
Bộ Tư pháp Mỹ nghi 2,7 tỷ USD trong số tiền 6,5 tỷ USD nói trên đã bị biển thủ. Điều này đặt ra câu hỏi ai ở Goldman Sachs là người biết được sự đáng ngờ của các vụ phát hành trái phiếu, và biết điều đó vào lúc nào.
Trung tâm của mối nghi ngờ này là Tim Leissner, cựu Chủ tịch Goldman Sachs tại Đông Nam Á. Đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố ông Leissner đã nhận tội rửa tiền và đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ ở Malaysia và Dubai.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra cáo buộc nhằm vào Roger Ng, một nhà tài chính khác của Goldman Sachs, và Jho Low, nhà tài phiệt người Malaysia mà giới chức Mỹ cho là "đạo diễn" phần lớn vụ biển thủ. Ng hiện đã bị bắt ở Malaysia còn Low vẫn đang lẩn trốn.
Bắt đầu làm việc với Low vào năm 2009, Leissner và Ng bị cho là đã liên tục che giấu sự tham gia của Low vào các thương vụ với 1MDB. Hai người này bị cho là đã ủng hộ ít nhất ba nỗ lực trong thời gian từ 2009-2011 để đưa Low thành một khách hàng chính thức của Goldman Sachs, với hy vọng Low sẽ giúp ngân hàng này giành được những thương vụ béo bở.
Mỗi lần, người trong bộ phận pháp lý và giám sát của Goldman Sachs đều lên tiếng cảnh báo, bởi nguồn gốc tài sản của Low là rất mờ ám, nhưng Leissner và Ng để bỏ ngoài tai.
Tài liệu của tòa án cho rằng nhờ sự cấu kết của Leissner và Ng với Low mà Goldman mới giành được hợp đồng bảo lãnh 3 vụ phát hành trái phiếu từ 1MDB trong thời gian 2012-2013. Leissner và Nga bị cho là đã thông đồng với Low để đưa hối lộ nhiều triệu USD. Họ cũng bị cho là đã giấu nhẹm với nhóm pháp lý của Goldman Sachs sự thật là Low tham gia, đồng thời cũng bỏ túi một số tiền biển thủ được.
Leissner rời Goldman Sachs vào năm 2016 sau khi bị phát hiện viết một lá thư giới thiệu cho Low. Ng cũng thôi việc tại nhà băng này vào năm 2014.
Đến nay, Goldman Sachs một mực đổ lỗi cho Leissner và Nga tự ý có hành động sai trái, đánh lừa bộ phận giám sát về các thương vụ với 1MDB.
Tuy nhiên, lập luận mà Goldman Sachs đưa ra có thể không đủ để giúp nhà băng này thoát khỏi những rắc rối pháp lý.
Về lý thuyết, giấy phép hoạt động ngân hàng của Goldman Sachs có thể bị thu hồi, dù một số chuyên gia pháp luật cho rằng Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ không đi xa đến như vậy.
Mặc dù vậy, Goldman Sachs có thể phải đối mặt với những khoản phạt lớn hoặc phải nộp lại cho cơ quan chức năng những khoản tiền phí đã thu được từ việc hỗ trợ 1MDB phát hành trái phiếu. Thậm chí, Goldman Sachs có thể bị truy tố.
Hồi năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ từng buộc tội một nhà băng hàng đầu khác của Mỹ là JPMorgan Chase tội rửa tiền vì dính líu để phi vụ lừa đảo lịch sử của "siêu lừa" Bernie Madoff. Cơ quan công tố cho rằng JPMorgan Chase đã không cảnh báo đầy đủ về hoạt động đáng ngờ trong các tài khoản của Madoff, theo đó yêu cầu JPMorgan Chase phải bồi thường 1,7 tỷ USD cho các nạn nhân trong vụ lừa đảo của Madoff.
VnEconomy