Google, Facebook thu 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng thuế nào
Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn chiều 17-11 cho biết các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Google thu rất lớn, khoảng 100 triệu USD tại Việt Nam năm 2016 nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào.
- 17-11-2017Thực hiện mô hình 4 Nhà để cạnh tranh với Facebook, Google
- 17-11-2017Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook kém hợp tác ngăn chặn thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội
- 17-11-2017Facebook đã bỏ chức năng xóa status, hãy nghĩ kỹ trước khi thả thính!
Trả lời chất của đại biểu Quốc hội chiều 17-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết trong cuộc làm việc với Đại sứ Mỹ mới đây, có sự tham dự của đại diện Google và Facebook, ông đã đề cập với đại diện những đơn vị này ở Việt Nam về vấn đề hợp tác giữa hai bên không tốt. Bộ trưởng cũng trả lời trước Quốc hội, năm 2016 các nhà dịch vụ này thu được rất lớn khoảng 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào.
Sau phần trả lời này, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đã có ý kiến tranh luận khi cho rằng: "Khi bác Google, chú Facebook mà làm sai, làm quá thì mình phải có biện pháp xử ký chứ không thể chỉ trách móc, vỗ vai là xong".
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) - Ảnh chụp qua màn hình
Theo ĐB Kim, Việt Nam không phải là mảnh đất hoang, không thu thuế gì cả. ĐB Kim đề nghị bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đề nghị Quốc hội có biện pháp, có quy định pháp luật để xử lý những vấn đề nêu trên.
Trong phần tranh luận, ĐB Vũ Trọng Kim nói: "Bộ trưởng nói mạng xã hội hiện nay đang áp đảo, vậy là áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí cách mạng? Nếu quả thực như thế thì đúng là chủ quyền về mặt trận "4T" (thông tin truyền thông - PV) này phải xem lại".
Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10-2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. "Ngay trong hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí"- Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu thực trạng, hiện có 51% cơ quan tổ chức chưa phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố. 73% cơ quan tổ chức chưa trang bị đảm bảo quy chuẩn an ninh thông tin mạng. Nhận thức đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng, chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế.
Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn: Các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Google thu rất lớn, khoảng 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào - Ảnh: Quochoi
Trả lời ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về việc có chuyện mạng xã hội lấn lướt báo chí hay không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng nói như vậy là gần đúng, vì thực tế phần lớn người dân vẫn tin thông tin trên báo chí, nhưng thông tin trên mạng xã hội nhanh hơn, áp đảo thông tin trên báo chí.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết không riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp vấn đề báo chí bị mạng xã hội lấn lướt. Đối với Việt Nam, Bộ trưởng thừa nhận mạng xã hội phát triển nhanh chóng nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp. Nên việc quản lý báo chí liên quan đến quyền tự do ngôn luận còn có lúng túng. Đó là rủi ro cần khắc phục bằng giải pháp.
Giải pháp trước mắt, theo Bộ trưởng TT-TT, là cơ quan quản lý có đủ cơ sở điều chỉnh hành vi vi phạm trên mạng xã hội trong trường hợp biết rõ danh tính người vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý hợp tác với các nền tảng nước ngoài, như thời gian qua đã gỡ hơn 5.000 clip trên Youtube, hiện tại chúng ta phát hiện vi phạm nào thì chuyển cho họ để xử lý.
Về nhóm vấn đề hiện nay có tình trạng xâm hại, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu thực tế: "Nhiều người bị xâm hại, bôi nhọ trên mạng xã hội không lên tiếng, không có động thái để đòi lại công bằng cho mình, để người ta nói gì thì nói".
"Trong trường hợp không xác minh được danh tính người vi phạm, chúng tôi yêu cầu Facebook, Google phải gỡ bỏ các thông tin bôi nhọ, thông tin phản cảm, kích động biểu tình"- Bộ trưởng nói.
Người lao động