Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Quản lý đất lấn biển sao cho đúng?
Cần bổ sung vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển, đặc biệt là dự án lấn biển không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước.
Vừa qua, Bộ TN&MT công bố Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, trong đó, Khoản đ) Điều 101 quy định phát triển quỹ đất bằng hình thức tạo lập từ việc thực hiện dự án lấn biển đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, thu hút đông đảo sự quan tâm của chuyên gia pháp lý.
Cần bổ sung vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển (Ảnh: Dự án The Sunrise Bay tại Đà Nẵng)
Góp ý về Khoản đ) Điều 101 trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý Luật đất đai cho rằng: Lấn biển là hoạt động quan trọng để bảo vệ bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu và mở rộng diện tích tự nhiên phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Đỉnh, dự thảo chỉ ghi nhận "dự án lấn biển đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước" để tạo lập quỹ đất. Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động lấn biển Việt Nam được thực hiện thông qua đa dạng nguồn vốn, song chủ yếu là vốn tư nhân.
Một số dự án có thể kể tới dự án hạ tầng khu công nghiệp-cảng biển-khu phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng); Khu đô thị du lịch Hùng Thắng và Khu đô thị mới Halong Marina (Quảng Ninh); Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ…
Từ đó, ông kiến nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung các hình thức khác: Dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công; dự án lấn biển sử dụng vốn hỗn hợp; dự án lấn biển theo phương thức đối tác công-tư… để tạo khung khổ pháp lý triển khai.
Bên cạnh đó, ông Đỉnh đề xuất cần bổ sung vào dự thảo quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển, đặc biệt là dự án lấn biển không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Theo ông, việc quản lý đất đai theo Luật Đất đai, việc quản lý khu vực biển, không gian biển thực hiện theo Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Hoạt động lấn biển sẽ làm thay đổi hiện trạng, biến khu vực đang là biển trở thành đất, dẫn đến thay đổi luật áp dụng.
"Pháp luật đất đai hiện hành quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất "khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng…" nhưng chưa có các quy định nhằm cụ thể hóa. Do vậy, chính sách khuyến khích lấn biển tạo quỹ đất cho đến nay vẫn chỉ mang tính chất nguyên tắc" - ông Đỉnh nhấn mạnh.
Mặt khác, theo Nghị quyết số 134/2020/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển. Tuy nhiên cho đến nay, Nghị định về lấn biển vẫn chưa được ban hành.
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có quy định về giao khu vực biển để lấn biển. Song đó là văn bản quy định chi tiết Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, không căn cứ vào Luật Đất đai. Do đó, Nghị định 11 không quy định về chế độ quản lý, sử dụng đất sau lấn biển.
Việc quản lý, sử dụng đất sau lấn biển cần được "luật hóa" trong Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: LV)
"Câu hỏi mấu chốt với các dự án có hạng mục lấn biển sử dụng vốn tư nhân là: Sau khi nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện lấn biển, làm thay đổi hiện trạng (từ mặt biển trở thành mặt đất) thì việc quản lý, sử dụng đất như thế nào? Nhà đầu tư bỏ vốn lấn biển đương nhiên được giao đất, cho thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh hay Nhà nước thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất?" - Ông Đỉnh cho biết.
Cũng theo ông Đỉnh, nếu pháp luật quy định nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện lấn biển nhưng vẫn phải đấu giá quyền sử dụng đất để được giao đất, cho thuê đất thì sẽ không tạo động lực cho nhà đầu tư, không phù hợp với chính sách khuyến khích lấn biển tại Luật Đất đai.
Bởi vậy, việc quản lý, sử dụng đất sau lấn biển cần được "luật hóa" trong Luật Đất đai sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật hiện hành chỉ quy định lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất; không quy định lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án sử dụng mặt biển.
"Như vậy việc sửa đổi Luật Đất đai cần gắn liền với sửa đổi các luật liên quan, gồm Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư để tạo hành lang pháp lý lựa chọn nhà đầu tư các dự án có cấu phần lấn biển" - Ông Đỉnh bày tỏ quan điểm.
Diễn đàn doanh nghiệp