MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Grab & Vinasun nên tự hòa giải, để kinh tế chia sẻ tự phát triển

Trong phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết khi đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, nhiều nước đã khuyên không nên can thiệp quá mạnh mà nên để loại hình kinh tế chia sẻ như Grab tự phát triển; và nên để Grab và Vinasun tự hòa giải.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh. “Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống” - Bộ trưởng bày tỏ.

Cũng chính vì thực tế này, Bộ trưởng cho hay, dựa trên thực tế khó quản lý và không đánh thuế được loại hình kinh tế chia sẻ, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thoả thuận giữa nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định DN phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích DN hoạt động.

Grab & Vinasun nên tự hòa giải, để kinh tế chia sẻ tự phát triển  - Ảnh 1.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng

“Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hoà giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử” - vị bộ trưởng chia sẻ thêm.

Ngược dòng sự kiện, điểm lại vụ kiện tranh chấp, đòi bồi thường ngoài hợp đồng Vinasun và Grab, nhiều luật sư cũng cho rằng nếu tòa án quyết định buộc Grab bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng cho Vinasun sẽ gây ra tiền lệ xấu trong kinh doanh đồng thời ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Vụ kiện không có khung pháp lý

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Vụ kiện xuất phát từ vấn đề cạnh tranh giữa hai công ty (một bên theo taxi truyền thống và một bên theo hình thức taxi hiện đại) nên vụ kiện thuộc phạm vi điều chỉnh của luật cạnh tranh nên sẽ do Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người Tiêu dùng (Bộ Công Thương) giải quyết sẽ hợp lý hơn là giao cho tòa án giải quyết. Trong quá trình giải quyết có thể mời Bộ GTVT là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi Bộ GTVT đã ban hành và chịu trách nhiệm trước Quyết định Số 24/QĐ-BGTVT tiến hành thí điểm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong dịch vụ vận tải”.

Trên thực tế, Quyết định Số 24/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mà đơn vị thí điểm quyết định này áp dụng bao gồm: Grab và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Do đó, nếu có sai phạm xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lí nhà nước chứ không phải với Vinasun đồng thời do Grab không có lỗi nên không có cơ sở để buộc Grab phải chịu trách nhiệm trước Vinasun trước đề án thí điểm.

Grab & Vinasun nên tự hòa giải, để kinh tế chia sẻ tự phát triển  - Ảnh 2.

Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

Quan điểm này cũng được luật sư Hùng lý giải và phân tích khá chi tiết: “Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải bao gồm các yếu tố như: Có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, có lỗi. Trong vụ kiện này, việc xác định các yếu tố như thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại rất khó khăn, các báo cáo tài chính, kiểm toán vẫn chưa mang tính thuyết phục và khách quan chưa đảm bảo thiệt hại của Vinasun hoàn toàn do hành vi vi phạm pháp luật của Grab gây ra. Trong phiên tòa xét xử đều không có bên thẩm định giá, công ty kiểm toán và đại diện của Bộ GTVT có mặt nên chưa đầy đủ người tham gia tố tụng theo quy định, do đó chưa đủ căn cứ chính xác và khách quan buộc Grab bồi thường thiệt hại. Đồng thời, Grab chưa bị xử phạt về vấn đề vi phạm nên quy trách nhiệm có lỗi cho Grab là chưa có căn cứ”.

Tính chất phức tạp của vụ kiện cũng đặt ra nhiều quan ngại về khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đầu tư chung. Luật sư Võ Thanh Khương thuộc Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Việc Vinasun có thiệt hại hay không, không chỉ dựa vào phương pháp tính toán mà nó là cả một quá trình chứng minh thiệt hại theo đúng quy định pháp luật. Việc chứng minh thiệt hại phải dựa theo các điều kiện như: Có thiệt hại xảy ra (thiệt hại trên thực tế rõ ràng, không suy đoán, không dự tính); Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Việc chứng minh thiệt hại theo đúng quy định pháp luật không phải đơn giản. Vinasun cho rằng họ bị thiệt hại hơn 41 tỷ đồng do Grab gây ra là chưa có căn cứ. Bởi đó không phải là thiệt hại mà sự tụt giảm doanh thu do tổng hợp nhiều yếu tố như: việc quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị thường, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng… Do đó, việc Tòa án ra phán quyết phải hết sức cân nhắc và thận trọng để có bản án khách quan và có căn cứ pháp luật”.

Grab & Vinasun nên tự hòa giải, để kinh tế chia sẻ tự phát triển  - Ảnh 3.

Nếu vụ kiện này tòa án quyết định buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Vinasun thì có khả năng gây ra tiền lệ xấu trong kinh doanh bởi các công ty truyền thống có thể đâm đơn kiện hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng công nghệ, điện tử, điều này dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lo ngại về việc đầu tư công nghệ, điện tử vào Việt Nam, luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Theo Thục Quyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên