GrabFood tăng giá giờ cao điểm giống GrabBike, GrabCar: Nhà hàng nào đông khách cước phí cũng tăng
Một thông báo từ diễn đàn cộng đồng tài xế công nghệ cho biết bắt đầu từ 23/10/2019, dịch vụ giao đồ ăn GrabFood chính thức áp dụng chính sách cước phí linh hoạt theo từng nhà hàng tùy theo khu vực, thời gian và nhu cầu của khách hàng, hỗ trợ tài xế có thu nhập cao hơn.
Trước đây GrabFood áp dụng cước phí cố định 15.000 đồng cho 5km đầu tiên và mỗi km tiếp theo tính phí 5.000 đồng tuy nhiên hiện tại GrabFood sẽ tính thêm phụ phí thay đổi lộ trình 5.000 đồng/km. Điều này được hiểu là GrabFood sẽ nhân giá tương tự như dịch vụ GrabBike hay GrabCar, vào các khung giờ cao điểm hoặc những quán ăn có lượng khách đặt nhiều trong 1 thời điểm tài xế phải xếp hàng đợi lâu thì giá cước sẽ thay đổi.
Theo chia sẻ của một tài xế GrabFood, giá cuốc xe GrabFood đã tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng vào khung giờ cao điểm (11h-13h, 18h-20h), ngoài ra vào lúc quán đông hoặc mưa gió thì khả năng cước giá cũng sẽ tăng.
Trước đó, GrabFood đã điều chỉnh cách tính giá cước mới ở khu vực Tp.Đà Nẵng – Hội An – Huế, áp dụng từ tháng 8/2019, thay vì 15.000 đồng/5km đầu thì giá cước mới áp dụng tính cước tối thiểu 15.000 đồng/3km đầu và 5.000 đồng/mỗi km tiếp theo. Giá cước này chưa bao gồm phụ phí ban đêm 10.000 đồng/chuyến xe. Điều này giúp các tài xế có thu nhập cao hơn và hoạt động hiệu quả những cuốc xe có lộ trình dài.
Người viết đã làm một cuộc khảo sát nhỏ ở cùng một thời điểm 5h48, tại cửa hàng Phúc Long Trần Duy Hưng (cách 1,2km) cước phí là 20.000 đồng, tuy nhiên ở một cửa hàng khác cách 2,5km chỉ thu phí 15.000 đồng.
Đây là một tin vui đối với tài xế nhưng có lẽ là một tin không vui đối với người sử dụng dịch vụ của GrabFood. Nếu một món ăn có giá 30.000 đồng mà cước phí tăng từ 15.000/cuốc lên 25.000 đồng/cuốc thì người sử dụng sẽ có nhiều sự lựa chọn khác.
Theo một nghiên cứu công bố đầu năm nay của GCOMM, giá cước không phải là vấn đề lớn đối với dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến. Nghiên cứu này chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).
Mặc dù vậy không thể phủ nhận các dịch vụ gọi đồ ăn như GrabFood hay Now đã thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của dân văn phòng cũng như hỗ trợ các hộ cá thể nhỏ lẻ trong việc buôn bán. Trước đây để bán hàng đông khách, một quán ăn ngoài việc tạo ra được hương vị đặc trưng thì phải có mặt bằng rộng, có chỗ để xe. Nhưng nay chỉ bằng vài cú click chuột cộng thêm hàng nghìn các chương trình khuyến mại, dân văn phòng có thể ngồi ở nhà đặt các món ăn ưa thích cho dù ở các hẻm nhỏ hay ngõ ngách.
Theo thông tin từ Grab, biên độ lợi nhuận ròng của đối tác nhà hàng tăng trung bình 300% trong vòng 2-3 tháng kể từ khi tham gia nền tảng GrabFood, và bình quân thu nhập đối tác tài xế GrabBike có đăng ký thêm dịch vụ GrabFood và GrabExpress tại TP.HCM và Hà Nội cũng tăng thêm 26%. GrabFood cũng đã công bố con số tăng trưởng 250 lần - tính theo lượng đơn hàng vào giữa tháng 5/2019 so với cuối tháng 6/2018, lần đầu tiên ra mắt.
Tháng 8/2019, Grab tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics.
Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là khi các dịch vụ giao đồ ăn nhanh lên ngồi, lượng rác thải nhựa dùng một lần cũng tăng lên đáng kể.