MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GreenFeed huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu từ IFC để mở rộng mảng chăn nuôi lợn cạnh tranh với CP, Masan

04-07-2021 - 10:10 AM | Doanh nghiệp

GreenFeed huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu từ IFC để mở rộng mảng chăn nuôi lợn cạnh tranh với CP, Masan

Trở lại với thương vụ từ IFC, thông tin từ DealStreetAsia còn cho hay, quỹ này đang cân nhắc con số đầu tư vào GreenFeed lên đến 180 triệu USD, cao hơn gấp 4 lần so với con số đã được công bố chính thức là 43 triệu USD.

IFC - đơn vị hoạt động trong khu vực tư nhân của nhóm World Bank – vừa tuyên bố sẽ rót 43 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng vào CTCP Greenfeed; mục tiêu nhằm nâng cao công suất chăn nuôi lợn giống và lợn thịt, giúp bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn và chất lượng, đồng thời cải thiện các thông lệ chăn nuôi ở Việt Nam.

Mục tiêu cung ứng hơn 125.000 tấn thịt lợn mỗi năm, đáp ứng cho 385.000 người tiêu dùng

Khoản đầu tư của IFC sẽ được thực hiện dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Với nguồn vốn này, Greenfeed dự kiến sản lượng lợn thịt sẽ tăng thêm 750.000 con đến năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ cung ứng hơn 125.000 tấn thịt lợn/năm, và theo ước tính của IFC sẽ đủ cung cấp cho thêm khoảng 385.000 người tiêu dùng thịt lợn.

Được biết, thịt lợn là nguồn cung chất đạm chủ yếu và thiết yếu cho người tiêu dùng Việt Nam, chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ thịt của cả nước. Khoảng một nửa lượng thịt lợn hiện do các trang trại quy mô nhỏ cung cấp với tiêu chuẩn an toàn sinh học tương đối thấp.

Tại Việt Nam, trong 2 năm qua, sự lây lan mạnh của dịch tả lợn châu Phi – loại bệnh truyền nhiễm mạnh do virus gây tử vong đã ảnh hưởng đến đàn lợn trên toàn cầu – đã làm giảm đáng kể nguồn cung và khiến giá thịt lợn tăng cao. Giá lợn hơi hiện cao hơn khoảng 50% so với giá trước khi có dịch tả lợn châu Phi, vốn đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2019 - 2020.

Đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu 70% sản lượng thịt lợn của Việt Nam được sản xuất ở các trang trại công nghiệp hiện đại có tiêu chuẩn an toàn vi sinh cao hơn, khoản đầu tư của IFC sẽ giúp giải quyết tình trạng khan hiếm nghiêm trọng nguồn cung thịt lợn và giá cả biến động mạnh bởi dịch tả lợn châu Phi.

"Khoản tài trợ của IFC sẽ giúp Greenfeed mở rộng công suất chăn nuôi lợn, cung cấp thịt lợn an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm có nguồn gốc động vật tại Việt Nam", ông Lý Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT GreenFeed cho biết.

Đón đầu cơ hội từ sự khan hiếm thịt lợn, World Bank rót 1.000 tỷ vào Greenfeed Việt Nam: Mục tiêu cung cấp 125.000 tấn/năm, phục vụ thêm 385.000 người dùng - Ảnh 1.

Công ty thâm niên trong ngành thức ăn chăn nuôi và dấu ấn của người đứng đầu

Về Greenfeed, dù không quá đình đám và quy mô như C.P Group hay Masan MEATLife, Công ty lại là đơn vị có thâm niên trong ngành thức ăn chăn nuôi và hoạt động khá năng suất. Thành lập từ năm 2003, Greenfeed chuyên hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Đến nay, Greenfeed đã có hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và Châu Âu, với tổng công suất trên 2 triệu tấn sản phẩm hàng năm. Sản phẩm thức ăn của Greenfeed Việt Nam được phân phối bởi hệ thống trên 3.000 đại lý và các trang trại mua trực tiếp.

Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, Công cũng lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi và mạnh tay đầu tư 50 triệu USD để xây dựng hệ thống trại heo giống hạt nhân. Để hoàn thiện chuỗi 3F, vào năm 2018 Greenfeed tiếp tục hoàn thiện Nhà máy Chế biến Thực phẩm Đồng Nai, chính thức khép kín chuỗi thực phẩm sạch.

Cũng trong năm 2018, Greenfeed thành lập công ty thực phẩm Feddy với thương hiệu thịt sạch G. Sau hơn 1 năm ra mắt đã giới thiệu hơn 90 sản phẩm thịt mát và sản phẩm chế biến đến người tiêu dùng, có mặt ở hơn 3.000 điểm bán trên toàn quốc và kênh bán hàng E-commerce. Hiện công ty này do Lý Anh Duy Quang, con trai ông Lý Anh Dũng phụ trách.

Trong đó, thương hiệu thịt mát G Kitchen ghi dấu ấn và có mặt ở 38.000 điểm bán sau 2 năm ra mắt tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử, cửa hàng thịt sạch G Kitchen... Đầu năm 2021, Greenfeed tiếp tục giới thiệu thương hiệu thịt heo Mamachoice.

Đón đầu cơ hội từ sự khan hiếm thịt lợn, World Bank rót 1.000 tỷ vào Greenfeed Việt Nam: Mục tiêu cung cấp 125.000 tấn/năm, phục vụ thêm 385.000 người dùng - Ảnh 2.
Đón đầu cơ hội từ sự khan hiếm thịt lợn, World Bank rót 1.000 tỷ vào Greenfeed Việt Nam: Mục tiêu cung cấp 125.000 tấn/năm, phục vụ thêm 385.000 người dùng - Ảnh 3.

Sản phẩm thịt mát và khác từ Greenfeed.

Về phía người đứng đầu, Chủ tịch Lý Anh Dũng được biết đến là một trong số doanh nhân có tiếng trong ngành nông nghiệp trên thương trường.

Dấu ấn vào năm 2011, Tập đoàn Bunge (công ty nông nghiệp lớn tại Mỹ) đã bắt tay với Công ty TNHH Thương Mại Quang Dũng (đơn vị chuyên nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thành lập vào năm 1999) do ông Dũng làm Chủ tịch. Thông quá đó, Bunge thành lập nhà máy Bunge Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào năm 2011. Với công suất sản xuất lên tới 2.500 tấn khô dầu đậu nành/ngày, nhà máy này đủ khả năng cung ứng 30% sản lượng khô dầu đậu nành mà Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm và còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.

Với những thành tích trên, Greenfeed cũng từng nhận được vốn đầu tư từ quỹ ngoại là DWS Vietnam Fund Limited. Năm 2019, quỹ đầu tư này đã thoái vốn khỏi GreenFeed và thu về khoản lợi nhuận 781,4 tỷ đồng và 15,0 triệu USD cổ tức.

Trở lại với thương vụ từ IFC, thông tin từ DealStreetAsia còn cho hay, quỹ này đang cân nhắc con số đầu tư vào GreenFeed lên đến 180 triệu USD, cao hơn gấp 4 lần so với con số đã được công bố chính thức là 43 triệu USD.

Nói về khoản đầu tư lớn này, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia, và Lào cho biết: "Việc thực hành chăn nuôi bền vững và an toàn sinh học sẽ giúp cải thiện khả năng chống chịu của ngành chăn nuôi Việt Nam, bảo đảm nguồn cung ổn định các sản phẩm đạm động vật thiết yếu.

Với việc hỗ trợ các công ty như Greenfeed, chúng tôi đang thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và bền vũng hơn của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa và áp dụng các thông lệ sản xuất tốt nhất".

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên