MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Nguyễn Tiến Dũng: Học tiếng Anh kiểu "mì ăn liền" và nỗi lo "tàn tật, ngọng"

25-12-2018 - 09:14 AM | Sống

"Không biết ngoại ngữ khi đi ra thế giới thì cũng tương tự như là bị "tàn tật" vậy".

Trong bài 1 , GS Nguyễn Tiến Dũng đã cảnh báo về tình trạng "thạo ngoại ngữ" của nhiều GS, TS ở Việt Nam. Trong bài này, ông tiếp tục góp ý để người Việt không bị tụt hậu về tiếng Anh .

Xuất hiện nhiều máy phiên dịch: Học tiếng Anh có còn quá quan trọng?

GS đã và đang nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Đã xuất hiện những máy phiên dịch đa ngôn ngữ rất thông minh. Sắp tới, chắc chắn trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực này còn đạt nhiều thành tựu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu, cho rằng: Trong thời đại công nghệ này, ngoại ngữ không phải yếu tố quan trọng nhất. Như vậy theo ông, học tiếng Anh, có còn là điều kiện tiên quyết trong phát triển?

GS Nguyễn Tiến Dũng: Tất nhiên, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho con người ta vượt được rào cản ngôn ngữ dễ dàng hơn. Điều này đã đang xảy ra.

Nhưng trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta trong mọi vấn đề chứ không chỉ trong vấn đề ngôn ngữ. Ngay như phân tích chiến lược hay hoạch định chính sách, những thứ đó trí tuệ nhân tạo cũng làm được.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần biết gì nữa.

Trí tuệ nhân tạo giúp con người chúng ta học được nhanh hơn, tốt hơn, qua đó hoàn thiện lên, chứ không phải vì có trí tuệ nhân tạo thì chúng ta nên lười học đi, vì giá trị của con người nằm ở chính bản thân trí tuệ của con người.

Ngôn ngữ vẫn sẽ luôn là một trong những thành phần quan trọng nhất của trí tuệ. Một người chỉ biết một ngôn ngữ thôi thì trí tuệ sẽ nghèo nàn hơn nếu biết thêm các ngôn ngữ khác, kể cả trong thời đại 4.0.

Tiếng Đức có câu "nếu bạn không biết tiếng nước ngoài nào thì cũng không hiểu rõ tiếng mẹ đẻ". Điều này cũng đúng với tiếng Việt, vì rất nhiều thứ trong tiếng Việt là được nhập khẩu từ nước ngoài.

Không biết ngoại ngữ khi đi ra thế giới thì cũng tương tự như là bị "tàn tật" vậy. Với sự giúp đỡ của máy móc công nghệ, người tàn tật vẫn có thể hoạt động bình thường, thậm chí người mù có thể nhìn thấy được nhờ máy trợ giúp.

Nhưng ắt hẳn không phải vì thế mà bạn "muốn" bị tàn tật. Thế thì tại sao lại "muốn ngọng"?

Một người có thể nói chuyện với người khác thông qua phiên dịch tự động bằng trí tuệ nhân tạo, nhưng khi hai người tâm sự được trực tiếp với nhau bằng cùng một thứ tiếng thì có lẽ vẫn sẽ thú vị hơn nhiều.

Người ta có câu đại loại: "nếu bạn nói chuyện với một người nào đó làm người đó hiểu được, thì bạn mới chỉ đến được cái đầu của người đó, còn nếu bạn nói được với người đó bằng thứ tiếng thân thuộc của người đó thì bạn mới đến được trái tim của người đó".

 GS Nguyễn Tiến Dũng: Học tiếng Anh kiểu mì ăn liền và nỗi lo tàn tật, ngọng - Ảnh 1.

Cách dạy ngoại ngữ ở Việt Nam đã bắt đầu phân hóa. Nhiều trường, trung tâm rất chú trọng luyện ngữ pháp, hoặc luyện gà nòi để nhanh chóng đạt điểm cao, đạt chứng chỉ. Phe này chiếm đa số, vì bố mẹ muốn con nhanh chóng được đi du học, được điểm số cao. Nhưng bắt đầu có một xu hướng học thứ hai: Cho trẻ em học ngoại ngữ một cách tự nhiên (cả học bài, giao tiếp, đùa vui) từ rất nhỏ để các em không chỉ nói như người Anh, Mỹ mà còn biết tư duy như họ. Coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là ngoại ngữ. Cá nhân ông ủng hộ phương pháp nào?

GS Nguyễn Tiến Dũng: Cách học "mì ăn liền" (cách thứ nhất) chỉ là giải pháp tình huống, khi điều kiện hạn chế mà cần có chứng chỉ ngoại ngữ thì người ta mới cần làm kiểu như vậy. Còn khi có điều kiện, thì học theo cách thứ hai bài bản hơn, tác dụng lâu dài tốt hơn.

Chính phủ và Bộ Giáo dục cần làm gì?

Bản thân ông đã từng gặp những sự cố, sự tiếc nuối, xấu hổ nào ở thời kỳ mà trình độ ngoại ngữ của mình chưa hoàn thiện?

GS Nguyễn Tiến Dũng: Bản thân tôi nhiều khi cũng nói sai, kể cả bây giờ. Kể cả khi đi dạy học cũng nói sai tiếng Pháp. Nhưng ít có gì trầm trọng tới mức phải tiếc nuối hay xấu hổ đặc biệt.

Khi mình sai thì mình có thể đính chính (và sẽ nhận được sự cảm thông, khi người ta biết đấy không phải là tiếng mẹ đẻ của mình). Người ta có câu "chỉ ai không làm gì mới không bị sai bao giờ".

Nếu sợ sai thì sẽ chẳng học nổi ngoại ngữ. Tất nhiên, phải có cơ chế để nhận biết mình có bị sai hay không, và khi biết là sai phải tìm cách sửa.

 GS Nguyễn Tiến Dũng: Học tiếng Anh kiểu mì ăn liền và nỗi lo tàn tật, ngọng - Ảnh 2.

Việc học tiếng Anh tại Pháp, nơi ông sinh sống, có điều gì đáng để Việt Nam học tập?

GS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi thì việc học tiếng Anh ở Pháp không có bí quyết gì đặcbiệt. Tất nhiên, ở Pháp có lẽ có nhiều thuận lợi hơn so với Việt Nam. Ví dụ như hàng năm học sinh có thể sang Anh thực tập tiếng mấy tuần nếu muốn mà không tốn kém lắm.

Giáo viên thường có trình độ cao, và nhiều giáo viên là người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Anh gần với tiếng Pháp hơn nhiều so với tiếng Việt, nên việc học chắc cũng dễ hơn.

Một điều đáng chú ý ở Pháp là mỗi học sinh phổ thông được học không chỉ một, mà là vài ngoại ngữ. Ví dụ như một con của tôi được học cả tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nhật (và học tiếng Việt ở nhà, còn tiếng Pháp thì là "tiếng mẹ đẻ").

Trong điều kiện ở Việt Nam thì học cho tốt một ngoại ngữ có lẽ đã đủ mệt, nhưng việc một người châu Âu nói thành thạo 3-4 thứ tiếng là hết sức bình thường.

Theo ông, Nhà nước cần làm những gì? Bộ giáo dục cần làm những gì? Gia đình cần làm những gì để Việt Nam có những thế hệ không phải xấu hổ về trình độ ngoại ngữ với bạn bè quốc tế?

GS Nguyễn Tiến Dũng: Có rất nhiều biện pháp (không tốn kém) mà chính phủ có thể làm để thực sự nâng cao nhu cầu sử dụng tiếng Anh của mọi người và tăng cường điều kiện tiếp xúc tiếng Anh cho mọi người, khi đó tiếng Anh của nhân dân ắt sẽ giỏi lên.

Nhà nước có thể tăng cường các chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế: miễn visa du lịch cho khách quốc tế, tăng các kênh TV tiếng Anh miễn phí tại VN, thu hút các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, khuyến khích phát triển các Trung tâm tiếng Anh thực sự chất lượng v.v.

Chính phủ hay Bộ GD có thể đầu tư làm các chương trình TV/Internet dạy tiếng Anh chuẩn, thú vị, miễn phí cho người Việt Nam, sao cho hàng triệu người có thể học qua các chương trình đó.

GS Nguyễn Tiến Dũng hiện đang giảng dạy ở Đại học Toulouse, Pháp. Năm 2007, Nguyễn Tiến Dũng được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng nhất, lúc mới 37 tuổi. Năm 2015, ông được phong hàm giáo sư hạng đặc biệt.

GS Dũng nghiên cứu và giảng dạy: Hình học vi phân, hình học simpletic, hình học Poisson, lý thuyết ergodic và hệ động lực, vật lý toán, phương pháp toán trong tài chính, lý thuyết độ phức tạp, toán trong trí tuệ nhân tạo…

Ông vẫn giữ kỷ lục là thí sinh Việt nhỏ tuổi nhất giành HCV Olympic Toán quốc tế.

Dù rời đất nước hơn 30 năm, nhưng ông vẫn giữ quốc tịch và thường xuyên về giảng dạy, trao đổi học thuật tại Việt Nam.

Theo Ngọc Hà

Trí thức trẻ

Trở lên trên