MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Võ Đại Lược: Việt Nam có lợi thế mà nhiều nước mơ ước, quan trọng là chúng ta tận dụng nó như thế nào!

Trong buổi phỏng vấn đầu năm 2017 với Trí Thức Trẻ, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương đã chia sẻ về những lợi thế mà Việt Nam có thể cạnh tranh với các cường quốc.

Nhìn nhận lại kinh tế Việt Nam trong năm 2016, ông đánh giá như thế nào?

Việt Nam được xem là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng rất cao. Năm 2015, GDP nước ta đạt 6,68%. Năm 2016, Việt Nam lọt vào nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Dù vậy, sự tăng trưởng này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề vì Việt Nam tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động, chỉ số sáng tạo không cao. Đặc biệt, yếu tố nước ngoài đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế.

Hiện FDI đang chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Đối với 30% còn lại chỉ là những mặt hàng nông sản, tài nguyên thô.

Chúng ta đang đề ra chương trình tái cơ cấu nhưng nội lực kinh tế còn yếu khiến bản chất căn bản chưa thay đổi được.

Ví dụ, đầu tư công, hiệu quả còn thấp, đầu tư còn dàn trải lãng phí.... Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp.

Mặt khác, từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức có hiệu lực thì Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng từ khu vực này. Tương lai, việc nhập siêu được dự báo sẽ còn tăng mạnh nữa.

Như phân tích của ông thì Việt Nam đang hiện hữu nguy cơ bị tụt hậu?

Quả là như vậy. Không cần nhìn đâu xa, so với các nước trong khu vực thôi, chúng ta đang bị tụt hậu về năng suất lao động so với Thái Lan, Trung Quốc,...

Theo các đánh giá, so với năm 2015, năm 2016 Việt Nam đã tụt 7 bậc, xếp ở vị trí 59 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Và còn rất nhiều những chỉ số khác cho thấy Việt Nam đang tụt lại.

Vậy làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách này?

Điểm mấu chốt để thu hẹp khoảng cách với các nước chính là nhân lực, chính là làm thế nào để tìm và trọng dụng được người tài.

Muốn đất nước phát triển, không còn cách nào khác đó là phải thu hút được người tài vào trong các cơ quan nhà nước. Yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

Mỗi năm chúng ta tuyên dương bao nhiêu thủ khoa, cộng dồn lại có cả vài trăm người, nhưng họ đi đâu hết rồi? Điểm lại đâu có mấy thủ khoa vào làm cho Nhà nước. Thủ khoa mà đem họ về không trọng dụng họ thì họ cũng sẽ bỏ đi thôi.

Hiện, chính sách trọng dụng nhân tài của chúng ta chưa được tốt, trong khi đó thế giới đang chạy đua, tìm mọi cách thu hút người tài.

Với những gì đã phân tích, liệu Việt Nam có lợi thế nào để cạnh tranh với các nước trong khu vực không?

Thực ra Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Một lợi thế quan trọng mà nhiều nước mơ ước mà khó đạt được chính là chính trị ổn định. Nếu nhìn sang các nước khác có thể thấy rõ điều này.

Nhiều người nước ngoài sang Việt Nam làm việc đã từng nói với tôi, an ninh Việt Nam quá tốt. Sự an toàn, ổn định là điều rất cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu đất nước rối loạn thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ rất cân nhắc.

Thứ hai, đó là vị trí địa chiến lược. Việt Nam ở trung tâm vùng Đông Á. Có bờ biển rất dài. Tập đoàn Dubai đã từng tính tới việc xây khu đô thị cao cấp ở Bắc Phú Yên Việt Nam. Điều này gợi mở cho chúng ta một hướng đi đó là xây các biệt thự gần biển để bán cho người giàu thế giới...

Thứ ba, Việt Nam có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới, những vịnh biển rất đẹp như Hạ Long, Nha Trang... tất cả tạo cho chúng ta lợi thế rất lớn về khai thác du lịch.

Hay như câu chuyện nhân tài, Việt Nam có người giỏi không. Đương nhiên là có. Ví như TS. Vũ Minh Khương, TS. Trần Ngọc Anh... sang Harvard học được khen lắm. Nếu chính sách thu hút tốt, những người này trở về nước làm việc, có thể giải được bài toán mà tôi đã nói phía trên.

Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh, phát triển, tuy nhiên, chúng ta đang chưa tận dụng tốt nó. Trong tương lai, Việt Nam cần phải biết khai thác hơn nữa những lợi thế của mình, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên