GS. Võ Đại Lược: Xây dựng đặc khu kinh tế, muốn gọi chim phượng hoàng mà làm tổ như chim sẻ thì không được!
GS. Võ Đại Lược nhận định điều quan trọng nhất khi xây dựng đặc khu kinh tế là phải có một khung thể chế, chính sách hiện đại, tương thích với các nhà đầu tư muốn kêu gọi. Nghĩa là thể chế đưa ra phải được dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư chiến lược, tất nhiên không vi hiến.
- 14-08-20173 đặc khu sẽ tạo ra hàng chục tỉ USD?
- 11-08-2017Bộ trưởng Bộ KHĐT: Việt Nam sẽ sớm có 3 đặc khu tạo cú hích cho nền kinh tế
- 26-07-2017Nhà đầu tư tăng tốc đón đầu Đặc khu kinh tế Phú Quốc
- 18-07-2017Trở thành đặc khu kinh tế, Vân Đồn sẽ được hưởng những ưu đãi gì?
Giấc mơ về các đặc khu kinh tế (Special Economic Zones – SEZ) của Việt Nam có thể sớm trở thành hiện thực trong năm nay khi Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đề án thành lập ba đặc khu kinh tế gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được trình lên Quốc hội thông qua vào cuối năm.
Bộ trưởng Dũng nhận định nó sẽ tạo thành sức hút cực lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khiến cho các khoản đầu tư được bùng nổ.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ về câu chuyện đặc khu kinh tế, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho biết đây là một quyết định chủ trương đúng đắn của Việt Nam, “dù muộn hơn so với thế giới”.
Cụ thể, nếu nhìn ra các nước lân cận, Trung Quốc đã có 5 đặc khu kinh tế, trong đó nổi trội hơn cả là Thâm Quyến. Các khu kinh tế thương mại tự do (một dạng đặc khu) ông Lược cho biết đơn vị cũng lên đến hàng chục.
Hàn Quốc thì nổi bật với khu kinh tế Incheon có kết cấu hạ tầng, sân bay, thể chế theo kiểu Mỹ. “Hầu hết các công ty ở đây là công ty công nghệ cao đến từ Mỹ, Incheon không đặt mục tiêu các nhà đầu tư châu Á, kể cả Nhật. Một số liệu không chính thức mà tôi có được, khu kinh tế này đã thu hút hàng trăm tỷ đô la”, ông Lược nói.
Còn ở Dubai với 2,2 triệu dân, nơi đây có đến 20 khu kinh tế tự do. Trong đó, điển hình nhất là đô thị tài chính quốc tế theo thể chế đô thị tài chính của Anh và có thị trưởng được “thuê” cũng là người Anh, hợp đồng 5 năm và có thể bị bãi nhiễm nếu như có vi phạm.
Singapore, Mỹ, Ấn Độ cũng đều có những đặc khu kinh tế. Tính đến thời điểm năm 2014, số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế T.W,Bell, Đại học Chapman cho biết có 73 nước đang có mô hình này.
“Giờ Việt Nam mới lập, không phải sớm nữa mà là muộn. Trên thực tế từ hồi Đại hội 7 đã có chủ trương đó nhưng không hiện thực hoá được. Cốt lõi ở đây là thể chế hành chính”, GS. Võ Đại Lược cho biết.
Nghĩa là để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cần phải có thể chế minh bạch, rõ ràng và có tính tương đồng. Thậm chí, như ông phân tích, nếu đặt lên bàn cân ưu đãi chọn thuế hay thể chế, các nhà đầu tư chắc chắn chọn được ưu đãi về thể chế. “Thể chế mà không ra được tiền thì giảm thuế cũng vô nghĩa”, ông Lược nói.
Một trong những điều khoản mà ông Lược từng nêu ra là thể chế hành chính của các đặc khu phải dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư chiến lược, Chính phủ xem xét điều chỉnh, quyết định, tất nhiên không vi hiến.
“Nghĩa là không phải chúng ta quyết định cơ chế chính sách. Muốn gọi chim phượng hoàng vào mà làm tổ như của chim sẻ thì không được”, ông Lược nhận định.
Bắc Vân Phong dẫn đầu về tiềm năng?
Số liệu từ phía Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tại đặc khu Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu khoảng 3,3 tỷ USD tiền thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD giai đoạn 2017 – 2030, mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Tại đặc khu Vân Đồn, Nhà nước dự thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
Còn ở Bắc Vân Phong, Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD giai đoạn 2017 – 2030. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD năm 2020 và tăng lên thành 9.500 vào năm 2030.
Đồ hoạ: 7 pm
Mặc dù vậy, theo đánh giá của GS. Võ Đại Lược, Bắc Vân Phong mới là đặc khu kinh tế có triển vọng nhất. Nguyên nhân đây là vùng đất hoang khiến cho giá đất rẻ. Bắc Vân Phong còn có vịnh sâu – tốt hơn cả Cam Ranh, như đánh giá của ông Lược. Những lý do trên tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Vân Phong có thể trở thành một đặc khu kinh tế có tính tổng hợp: du lịch, dịch vụ và công nghiệp.
Phú Quốc thì có vị trí địa lý đặc biệt, tuy nhiên nơi đây có một hạn chế đó là đất Phú Quốc đa phần đã có chủ, giá đất đắt. “Để hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài vào, Phú Quốc phải xử lý được vấn đề này”, ông Lược cho hay.
Cơ chế chính là tiền...
Mô hình SEZ có thể, như Bộ trưởng Dũng nói sẽ là điểm bùng nổ cho kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo. Dù vậy, thách thức đi kèm là không nhỏ, đến từ nguồn vốn đầu tư, chiến lược phát triển bền vững, thậm chí là rủi ro đến từ việc các địa phương đua nhau đòi thành lập đặc khu kinh tế.
Vốn đầu tư là bài toán nan giải đầu tiên của Việt Nam. Nợ công tăng nhanh trong các năm trở lại gây, gần chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách lớn có thể khiến cho việc duyệt các khoản đầu tư công trở nên khó khăn hơn.
Để giải bài toán này, GS. Võ Đại Lược cho rằng tiền không hoàn toàn là vấn đề đối với các đặc khu. Bởi lẽ, quan trọng nhất ở đây là thể chế.
“Chính phủ chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng vòng ngoài như điện, đường, bên trong đã có các nhà đầu tư lo. Một tập đoàn tài chính đã đề nghị tự họ xây dựng sân bay quốc tế 5 sao, hiện đại nhất châu Á. Chỉ cần thể chế tốt thì họ sẽ bỏ tiền, mình không phải làm. Họ chỉ mượn đất, làm mọi thứ để kinh doanh còn Việt Nam được quyền thu thuế”, ông Lược nhận định.
Điều này tương tự với việc xây dựng đặc khu Thâm Quyến ở Trung Quốc trước đây. Ông Lược kể rằng khi nói chuyện với những người tham gia xây dựng đặc khu này, họ cho biết Chủ tịch Đặng Tiểu Bình chỉ cho họ một số tiền khiêm tốn 21 triệu USD. Ông Bình thời điểm đó bảo: “Tôi cho các anh cơ chế, cơ chế đẻ ra tiền. Các anh xin cơ chế gì tôi cũng có thể xem xét, tiền thì Chính phủ không có”.
Về sau, khi những người này gặp gỡ các tỷ phú Hong Kong và họ biết được điều đó là hoàn toàn đúng. Phương án đầu tiên của Thâm Quyến là đổi đất lấy hạ tầng.
Đối với thách thức đến từ việc dung hoà lợi ích các địa phương, ông Lược cho rằng Dubai có 2,2 triệu dân nhưng có đến 20 khu kinh tế tự do với các thể chế khác nhau, riêng biệt. Do đó, việc Việt Nam để TP. HCM và Hà Nội về thể chế không khác bao nhiêu so với Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... là vô lý. Nghĩa là cơ chế chính sách phải tương ứng với sự phát triển của địa phương, không thể cào bằng, Tuy nhiên cách “xin” của TP. HCM hay Hà Nội lại chưa chuẩn.
Bởi lẽ, như ông Lược chỉ ra, các thành phố này chỉ xin Trung ương cho giữ lại ngân sách nhiều hơn mà không đề cập đến xin cơ chế đặc thù. “Nếu cơ chế hợp lý thì có thể được chấp thuận, dù khó, nhưng vẫn dễ hơn là xin giữ lại ngân sách”, ông bình luận.
Việt Nam với các đặc khu kinh tế sinh sau đẻ muộn so với thế giới vừa đứng trước những khó khăn như đã kể trên đồng thời sẽ đối diện với sức ép cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực. Do đó, như GS. Võ Đại Lược chỉ ra, cần có sự nghiên cứu cặn kẽ những mô hình của thế giới để học hỏi, “họ yếu chỗ nào mình phải mạnh chỗ đấy, đồng thời, học hỏi, đúc rút chứ không phải bắt chước, bắt chước thì sẽ thua”, ông nói.