MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture

Trò chuyện với Trí thức trẻ, vị giáo sư "cây lúa" Võ Tòng Xuân bày tỏ nhiều trăn trở về ngành nông nghiệp Việt Nam, song cũng không giấu nổi niềm vui mừng khi nhắc tới lễ trao giải VinFuture dành cho các nhà khoa học.

"Giải thưởng này là một động lực thúc đẩy, khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam dần hình thành nền tảng như các nhà khoa học quốc tế", GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 1.


GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 2.

Vừa qua, giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu VinFuture đã được tổ chức và trao giải cho 3 nhà khoa học đứng sau vaccine COVID-19. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Đây là nghĩa cử rất đẹp của những người thủ lĩnh của VinGroup. Sự kiện lần này, theo tôi, chính là để động viên tất cả các nhà khoa học của thế giới, chứ không riêng chỉ ở Việt Nam. Nói gì thì nói, việc khuyến khích khoa học của thế giới phát triển mạnh hơn nữa, phục vụ cho xã hội, là điều rất đáng hoan nghênh.

Tôi cũng hy vọng thời gian tới, sẽ nhìn thấy nhiều nhà khoa học Việt Nam đoạt giải thưởng này. Thẳng thắn thì, đầu tư cho nghiên cứu khoa học của chúng ta vẫn còn đang tương đối ít.

Vấn đề thứ hai, khi căn cứ vào hoạt động khoa học, chúng ta đang đánh giá cách nhà khoa học dựa trên những nghiên cứu tốt, được đăng trên các tờ tạp chí khoa học uy tín, có những bài phản biện tốt. Nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn chưa phổ biến.

Chúng ta thường áp dụng những kết quả mà khoa học đã nghiên cứu, chứ ít người quan tâm ai đứng sau những nghiên cứu này. Thành ra, giải thưởng này là một động lực thúc đẩy, khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam dần hình thành nền tảng như các nhà khoa học quốc tế.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 3.

Bản thân ông đã từng nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế, từ Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 về Phục vụ nhà nước, Giải thưởng Nikkei châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng, đến Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật Australia 2005… Cảm giác khi ấy hẳn là rất tự hào.

Đúng là tôi cũng nhận được một số giải thưởng quốc tế, và khi nhận những giải thưởng đó, tôi cũng rất vui. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, đây không phải là mục tiêu tôi đặt ra. Giải thưởng này là kết quả của cả tập thể, mình tôi chẳng thể làm được hết.

Tôi có sáng kiến, nhưng sinh viên tôi đã tham giả triển khai, rồi hàng triệu nông dân của mình đã áp dụng. Điều này khiến tôi hạnh phúc ghê lắm! Cái niềm hạnh phúc của nhà khoa học ấy, là khi nhìn thấy kết quả mình nghiên cứu được hàng triệu nông dân áp dụng. Đó là cái sung sướng nhất. Chứ không phải là món tiền mà giải thưởng mang tới.

Đương nhiên, khi nhận giải thưởng thì mình cũng hãnh diện chứ. Mình hãnh diện vì thành tích của một tập thể rất lớn được ghi nhận. Mình hãnh diện rằng người Việt Nam mình có thể ứng dụng kỹ thuật mà nhiều nước chưa tìm ra.

Nhất là trong giai đoạn đầu, những năm Việt Nam mình còn gặp khó về lương thực, thì chính lúc đó các sinh viên của tôi đã đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long để làm việc với người nông dân, phát hiện giống lúa mới. Đó là điều cho thấy sức mạnh rất lớn khi chúng ta áp dụng khoa học.

Hay những nghiên cứu của một trong 3 chủ nhân giải thưởng cao nhất của VinFuture, bà Katalin Kariko cũng vậy. Đó là những nghiên cứu được áp dụng cho không chỉ hàng triệu người, mà hàng tỷ người trên thế giới. Đó là cái sung sướng của người làm khoa học.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 4.

Là người theo sát lĩnh vực nông nghiệp từ những ngày đầu, ông có thấy sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này của Việt Nam, trên khía cạnh là nhà khoa học?

Nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh chứ. Những giống mình lai tạo ra, bây giờ vẫn tiếp tục được làm như vậy. Nhưng còn nhiều cái mới hơn, được áp dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống mới nhanh hơn.

Tất nhiên, vẫn còn những thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành khoa học phát triển, tại sao bà con nông dân mình cứ nghèo hoài? Làm thế nào để họ tiếp cận, áp dụng khoa học? Thú thật, nhiều khi những vấn đề sát sườn với người nông dân, thì lại ít người để tâm.

Giai đoạn khi ông bắt đầu nghiên cứu, việc xin tài trợ diễn ra như thế nào?

Cái thời mới hoà bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biểu mẫu để kêu gọi nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Lúc ấy tôi cũng đăng ký đề tài, rồi làm rất bài bản. Nhưng khi đó làm gì có tiền!

Ví dụ mình đang nghiên cứu về những cái khó của người nông dân, thì mình sẽ phải đến tận nơi, tìm cách giải thích, giải quyết bài toán cùng họ, thì bà con mới cộng tác. Hai bên không ai trả tiền ai. Chứ còn bây giờ, muốn nghiên cứu thì phải đi xin tài trợ, cũng khó khăn hơn.

Bây giờ khác ngày xưa ghê lắm. Ngày ấy mình nghiên cứu, đưa người dân khảo sát, rồi họ chia nhau để xác định giống nào tốt nhất, nên rất nhanh.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 5.

Phải mất bao lâu thì những nghiên cứu của ông về giống lúa mới được phổ biến?

Bắt đầu là những năm 1977, 1978. Tới năm 1981 thì chúng tôi đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Phát triển đến năm 1989 thì lúa mình quá nhiều, nên bắt đầu xuất khẩu. Tôi nhớ chính xác là tháng 11/1989.

Cái hay trong quá trình nghiên cứu của tôi là tôi có thể kết hợp với bà con nông dân. Như vậy thì không chỉ tôi, mà mọi người cùng làm khoa học. Nông dân có làm gì mình đâu, mà mình phải sợ họ (cười). Đương nhiên nếu mình tìm ra giống lúa năng suất cao, thì họ sẽ chọn mình rồi.

Nói vậy để thấy, không phải cứ được vinh danh mới là khoa học. Mình cũng có cách làm của nước đang phát triển, nước nghèo, cùng làm với đối tượng mà mình phục vụ, thì khoa học mới được lan truyền, chấp nhận một cách nhanh chóng hơn.

GS Katalin – Chủ nhân giải thưởng chính VinFuture lần này cũng từng nói rằng, bà không có nhu cầu trở thành ngôi sao. Ông cũng cho rằng làm khoa học thì không cần danh tiếng. Nhưng liệu khi làm khoa học, nghiên cứu của mình có ít người biết có khiến ông buồn nản?

Buồn của nhà khoa học có lẽ là do mình không tìm được đối tượng áp dụng khi nghiên cứu có kết quả. Nhiều nhà khoa học phát minh ra một đề tài rất mới, rất hay, nhưng sau đó để mệnh ai nấy tìm thì khó lắm.

Tất nhiên, cái đó là lỗi của mình thôi. Còn nếu nghiên cứu ra, có nhiều người ứng dụng, thì rất hạnh phúc.

Việc tìm được đối tượng áp dụng nghiên cứu của mình cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Nhà khoa học phải truyền đạt lại cho họ: "Tôi có kết quả có thể giải quyết được bài toán của anh chị".

Được vậy thì nó sẽ xác định nghiên cứu của mình là thực tế. Hơn nữa, nếu đã thấy nó thực tế, thì thực tế với bao nhiêu người? Đó là nhiệm vụ của nhà khoa học.

Chứ làm khoa học không phải là đăng một bài báo để người ta tham khảo, để người ta trích dẫn mình, rồi mình không biết nó đi tới đâu.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 6.

Trong quá khứ, ông từng học ở trường Kỹ thuật Cao Thắng. Cơ duyên nào khiến ông chuyển sang nghiên cứu về nông nghiệp?

Hồi trước ý định ban đầu của tôi là theo đuổi ngành cơ khí. Thế nên tôi mới học ở trường Kỹ thuật Cao Thắng. Ngày ấy nhìn máy móc là tôi thích lắm. Rồi một hôm, khi nghe thấy Bộ Giáo dục thông báo học sinh, sinh viên ai có nhu cầu học nước ngoài mà có khả năng thì nộp đơn để thi, thì tôi liền nộp rồi qua Philippines.

Đấy là năm 1961. Tôi nhận học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos. Học rồi mới thấy, nó là cái sát sườn với dân mình. Bà con mình đều là nông dân, đầu tắt mặt tối, nên mình học nông nghiệp rồi về tìm cách giúp họ.

Như vậy là đam mê đã chuyển hướng từ lúc học ở Philippines?

Đúng rồi, tôi đã đổi qua đam mê nông nghiệp (cười). Tôi còn nhớ, tôi ở Philippines chính xác là 10 năm 3 ngày. Tôi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) năm 1966, rồi đi thực tập ở Viện Lúa quốc tế đến năm 1971.

Thực tập xong thì tôi về theo lời mới của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, hồi ấy gọi là Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ. Tôi đào tạo hơn 100 kỹ sư chuyên về nông nghiệp. Lúc đó, cây lúa là điều tôi lo nhất.

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture - Ảnh 7.

Bây giờ, ở tuổi 81, ông còn lo lắng điều gì về nền nông nghiệp Việt Nam?

Hiện giờ, nông nghiệp Việt Nam cũng đã có những bước tiến rất khá trên thế giới rồi. Chúng ta đã xuất khẩu từ lúa, cây ăn trái, đến thuỷ sản… ra rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều tôi còn băn khoăn nhất là mình sản xuất theo khối lượng, chứ chưa tập trung nhiều đến chất lượng. Bà con nông dân chưa áp dụng được những kỹ thuật mới nhất hiện nay. Cho nên, hướng đi của nông nghiệp cần làm sao cho bà con nông dân phải là những người nông dân mới, biết áp dụng kỹ thuật sinh học trong việc trồng trọt.

Bên cạnh đó, phải làm sao để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ. Không để cho bà con mình tự phát, doanh nghiệp kinh doanh kiểu ăn xổi ở thì, mà phải liên kết với nhau, rồi liên kết với cả thị trường nước ngoài.

Bởi vì Bác Hồ đã nói từ năm 1946, là nông dân ta giàu thì đất nước ta giàu. Kể cả trong giai đoạn hoà bình, hơn 45 năm rồi, mà chúng ta vẫn chưa giúp nông dân giàu được.

Còn kỳ vọng của ông với các nhà khoa học trẻ Việt Nam?

Tôi từng làm qua rất nhiều trường đại học. Tôi nhận thấy rằng, sinh viên họ rất cố gắng mày mò, nghiên cứu. Như vậy, nhiệm vụ của mình là phải sớm phát hiện ra những nhân tố này, tìm cách tạo điều kiện cho các bạn.

Điều kiện để học, nghiên cứu hiện nay vẫn chưa có nhiều. Nhiều trường đại học vẫn chưa tạo được môi trường để sinh viên thấy: "À, đây là nơi có triển vọng cho mình lớn lên cùng khoa học". Nên chúng ta phải đầu tư, đổi mới giáo dục.

Chứ Việt Nam chúng ta có rất nhiều người giỏi. Những người nông dân dù trình độ học vấn thấp vẫn có khả năng tạo ra nhiều máy móc phục vụ mục đích của họ. Thế nhưng, họ lại không thể sản xuất nhiều, vì chúng ta vẫn thiếu cơ chế để bảo vệ các nghiên cứu của nhà khoa học.

Vậy giải thưởng VinFuture lần này sẽ mang lại gì cho các nhà khoa học trong nước?

Giải thưởng VinFuture là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức. Giải thưởng mở ra là cơ hội hợp tác với các quốc gia khác. Song, muốn hợp tác với các nhà khoa học tầm cỡ, thì mình cũng phải có tầm cỡ, có năng lực. Như thế thì giới khoa học Việt Nam mới đi lên được.

https://cafef.vn/gs-vo-tong-xuan-chi-ra-dieu-sung-suong-nhat-cua-nguoi-lam-khoa-hoc-va-co-hoi-tu-giai-thuong-vinfuture-20220125160538768.chn

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên