GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sợ điều gì nhất?
Sáng nay, một TS du học Nga về, gọi điện cho tôi cùng tiếng thở dài: "Nếu bây giờ, nhà bác học Ga – li – lê còn sống ở Việt Nam, ông ấy cũng sẽ bị ném đá đến chết".
- 08-09-2018GS Hồ Ngọc Đại: "Kỳ 1 của lớp GS Ngô Bảo Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, tròn"
- 08-09-2018Sáng nay (8/9), GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi
Học sinh và giáo viên công nghệ Giáo dục sợ gì?
Biết tôi là người đã từng quan sát trường Thực nghiệm, một nhà văn đã có con tốt nghiệp trường này, hôm qua nhắn cho tôi câu hỏi khó: Cậu có cho rằng trong số những người ném đá tơi tả GS.TSKH Hồ Ngọc Đại hôm nay, có những người 6 năm trước đã xô đổ cánh cổng sắt to nặng của Trường Thực Nghiệm do GS sáng lập, để chen chân nộp hồ sơ xin học?
Câu hỏi ấy tôi không trả lời được. Những người bận ném đá, có lẽ cũng ít có thời gian dừng lại để trả lời câu hỏi ấy.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Hơn 15 năm trước, khi còn theo dõi mảng giáo dục, tôi đã có dịp tham dự nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì.
Đó là những buổi thảo luận rất hăng say, sôi nổi. Nhưng phần đáng chờ nhất bao giờ cũng là bài nói chuyện không cầm giấy của thầy Hồ Ngọc Đại.
Sự mê hoặc trong diễn thuyết của ông không chỉ đến từ sự trôi chảy trong ngôn ngữ, thần thái mà còn luôn hàm chứa những tư duy mới mẻ, bất ngờ, được diễn giải bằng những ví dụ sinh động nhất.
"Niềm tin lớn lao" là từ chung nhất có thể dùng để mô tả thái độ của những người làm giáo dục đã đi theo con đường của ông. Ở trong không gian đó, ông là một người thầy tuyệt đối được tôn kính.
Mấy chục năm sau, thực tế vẫn cho thấy rõ điều đó.
Khi trường phái Thực nghiệm Công nghệ giáo dục của GS Đại bị vùi dập trong cơn mưa gạch đá, lạ thay, gần như không có bất cứ một sự lung lay, dao động nào đến từ những học sinh thực nghiệm, giáo viên công nghệ giáo dục.
Họ xót xa và lên tiếng (không hề hung hăng, chỉ nhẹ nhàng nhưng thấu đáo) ở mọi diễn đàn để bảo vệ chủ soái của họ, người thầy của họ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – ĐBQH, PGĐ Bệnh viện ĐH Y, bạn học 4 năm của GS Ngô Bảo Châu ở tiểu học thực nghiệm, là người đau đớn đến độ "không ngủ được" khi nhìn thấy núi gạch đá đến từ mạng xã hội.
Nhưng ông Hiếu vẫn tự hào: "Các bạn thật tuyệt vời, khi "cơn bão" tấn công đột ngột đến, chưa một phút nào họ bị lung lay niềm tin vào lẽ phải luôn tồn tại.
Hình ảnh của trường trong tôi là những gương mặt thân quen của thầy, cô và bạn bè như một đại gia đình ấm áp".
Thúy, một cựu trợ lý của GS Hồ Ngọc Đại ở trường Thực nghiệm, giờ đã là lãnh đạo một trường dân lập có tiếng, chat với tôi: "Buồn quá anh ạ, nhưng đã là cái đúng thì dù bị xô đẩy thế nào, sẽ vẫn đúng".
"Niềm tin tự thân lớn lao" của Thúy và ông Hiếu chính là điều họ đã học được khi ở dưới mái trường Thực Nghiệm.
Ông Hiếu nói trên Zing: "Triết lý đơn giản của GS Hồ Ngọc Đại là cần cho trẻ em phát triển tự nhiên theo hướng vốn có. Triết lý ấy đi cùng tôi theo năm tháng.
Tôi luôn làm những điều mình cho là đúng và không "thỏa hiệp" hay "tặc lưỡi" với những cái mình không chấp nhận được.
Các bạn tôi cũng vậy nên nhược điểm lớn nhất của chúng tôi là hay tranh luận và rất cứng đầu. Ở lĩnh vực theo đuổi, chúng tôi thường quyết đi đến tận cùng".
Cái "nhược điểm" cứng đầu, hay tranh luận và theo đuổi đến tận cùng vấn đề ấy, thực ra lại chính là cái thiếu trong một xã hội muốn bật vọt nhưng người ta sẵn sàng thỏa hiệp hoặc run sợ trước dư luận, dù dư luận ấy được dẫn dắt bởi những thầy bói xem voi.
Học trò và cộng sự của ông Hồ Ngọc Đại đã không run sợ, thì vị GS 80 tuổi ấy có run sợ?
Câu trả lời là KHÔNG! Cương trực, quyết liệt. Hồ Ngọc Đại còn quyết liệt đến trơ khấc, khi ông được trang bị những kiến thức rất vững vàng về khoa học giáo dục và triết học.
Khi cuốn Cái và Cách của Hồ Ngọc Đại được xuất bản, các nhà phê bình thậm chí đã coi đây là một cuốn sách triết học, dù nó mổ xẻ những điều khô khan, to lớn bằng những cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Suốt hơn 40 năm qua, với tâm thế vững như bàn thạch, GS Hồ Ngọc Đại thường xuyên phải đối mặt với cuồng phong dư luận, và dĩ nhiên, ông không sợ vì chính ông đã chủ động tạo ra dư luận đó.
Khi con rể Tổng Bí thư Lê Duẩn, TS. Hồ Ngọc Đại, từ chối chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục để về mở trường tiểu học thực nghiệm, ông đã gây nên sự ngạc nhiên không nhỏ cho những vị muốn cất nhắc ông.
Nhưng đó mới chỉ là điểm bắt đầu sóng gió của "kẻ gây bất hòa" – chữ một nhà văn dùng để gọi yêu Hồ Ngọc Đại.
Sóng gió thật sự nổi lên khi vị Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam du học Liên Xô Hồ Ngọc Đại, công khai những tuyên ngôn "rất đáng sợ" lúc ấy (vì nó khác biệt với quan điểm cũ kỹ của cả nền giáo dục).
Trong khi người ta quen với khẩu hiệu "Trẻ em như búp trên cành" thì Hồ Ngọc Đại nói "Trẻ em là cứu nguy của một dân tộc", là "anh hùng thời đại".
Trong khi người lớn luôn so bì trẻ con với một tấm gương nào đó, thì Hồ Ngọc Đại tuyên bố: "Mỗi trẻ em phát triển phải trở thành chính mình" chứ không nên bị ép trở thành người mà bố mẹ muốn.
Ông bảo "nền giáo dục hiện đại của tôi không theo gương ai hết để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó, không phỏng theo ai…Nền giáo dục đầy ảo tưởng sẽ làm khổ rất nhiều người".
Trong khi người ta quan niệm "Thầy giáo là trung tâm của trường lớp", thì Hồ Ngọc Đại quan niệm "Học sinh mới là trung tâm của trường lớp". Ông khẳng định: "Lẽ sống của người thầy là học sinh. Sự sống, sức sống của thầy là học sinh".
Trong khi "Tiên học lễ, hậu học văn" được coi như khẩu hiệu duy nhất trong các trường, thì trường Thực nghiệm của GS Đại lại căng khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".
Ông cho rằng khi nào học sinh không hạnh phúc khi đến trường, nền giáo dục sẽ thất bại.
Trong khi những người học kém, không thi đỗ đại học, cao đẳng, đều được vớt vào trường trung cấp sư phạm để dạy tiểu học, thì Hồ Ngọc Đại chủ trương: Cần những thầy cô giáo giỏi nhất, sư phạm nhất, yêu thương học sinh nhất, để dạy lớp 1 và tiểu học.
"Vì tiểu học như móng nhà, ta xây vững chắc thì sau đó có để xây nhà cấp 4 hay 100 tầng cũng đủ sức. Còn móng yếu thì nhà có thể đổ sụp bất cứ lúc nào".
Học sinh có thích đi học hay ghét trường ghét lớp, chính là nhờ ấn tượng từ khi bắt đầu cắp sách đến trường.
Trong khi cả xã hội sốt xình xịch với bệnh thành tích, chạy điểm, các tỉnh hân hoan công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên đến gần 100%, thì Hồ Ngọc Đại nghĩ khác: "Thế kỷ XXI, Một thế hệ chưa từng có trong lịch sử phải có một hệ thống giáo dục chưa từng có trong lịch sử! Phải đổi mới giáo dục! Bỏ chấm điểm để các cháu phát huy thế mạnh, năng khiếu…nó yếu cái nọ nhưng nó mạnh cái kia".
Một thế hệ chưa từng có trong lịch sử được GS Đại giải thích rất rõ ràng: Các thế hệ trước còn được truyền thụ rất nhiều tri thứ từ thế hệ đi trước, nhưng giới trẻ thế hệ XXI tiếp cận với công nghệ thông tin, internet và toàn cầu hóa – là những thứ mà thế hệ trước không biết gì.
Vì thế nếu lớp trẻ được dạy theo tư duy cũ của thế hệ trước thì sẽ là thảm họa cho đất nước.
Theo GS, không chỉ giỏi văn, giỏi toán mới là giỏi. Nếu không giỏi văn toán hóa lý mà giỏi hội họa như Picasso, Van Gogh, thì vẫn thành công rực rỡ.
Trong khi xung quanh ông ai cũng mong con cái có chức tước, địa vị để "một người làm quan, cả họ được nhờ" thì GS Đại khuyến cáo: "…Ngày xưa học để làm quan, học để làm giàu, bây giờ học để sống bình thường. Học để sống bình thường cao cả hơn làm quan, và đó là điều vĩ đại".
"Một nền giáo dục biến học sinh thành con tin"; "Lấy trẻ em đánh giá hiệu quả của nền giáo dục"; "Hiệu trưởng là Bộ trưởng tại chỗ"… Những phát ngôn nào của Hồ Ngọc Đại cũng tạo bão và ông, như một cái cây lớn, đứng cô đơn (cùng một số ít cộng sự) sẵn sàng đón nhận mọi giông gió.
Không chỉ tạo bão trong giáo dục, Hồ Ngọc Đại còn tạo được bão trên văn đàn. Những luận bàn của ông về giáo dục, văn chương, cuộc đời trên Báo Văn nghệ (của Hội nhà văn Việt Nam) một thời cũng gây chấn động.
Thời ấy, báo Văn Nghệ đang thời kỳ hoàng kim, là nơi đón đọc không chỉ của giới văn nghệ sĩ, mà còn cả của giới trí thức, tinh hoa.
Những bài viết của "kẻ gieo bất hòa" Hồ Ngọc Đại được chờ đợi, bàn luận dữ dội theo kiểu chia hai phe đối kháng: Người vỗ đùi đánh đét sung sướng, kẻ phản đối tới cùng.
Những loạt bài ấy, được đánh giá, góp phần thay đổi tư duy sâu sắc cho không ít người cùng thế hệ, tác động không nhỏ đến tư duy quản lý của một số người.
Tuy nhiên, nó cũng làm cho những người không ưa vị GS kỳ lạ ấy ngày một nhiều lên, nhất là đối với những người có tiếng nói quyết định trong ngành giáo dục. Không phải ai cũng nghe được những âm thanh "trung ngôn nghịch nhĩ".
Với tính cách ngang tàng, "quyết liệt đến quá thể" như vậy, nên suốt hơn 40 năm qua, Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, vẫn chỉ dừng lại ở khâu thí điểm, dù có tới 800.000 học sinh của 48 tỉnh thành đã học nó.
Hơn 40 năm "thí điểm" ấy, chưa khi nào khiến GS Hồ Ngọc Đại thay đổi chút gì trong quan điểm của mình về công nghệ giáo dục. Và dĩ nhiên, không điều gì từ dư luận có thể khiến ông sợ hãi.
"Tôi buồn bực, tức giận và không chấp những người thiếu hiểu biết" – ông nói. Ông chia những người trong số ném đá thành 2 loại: một loại nghĩ thật bụng, nghĩ gì nói nấy; một loại là "những kẻ xỏ lá, tôi không chấp vì họ chỉ muốn làm tôi tức".
Hiệu quả của Công nghệ giáo dục đến đâu, hãy để những nhà chuyên môn đánh giá, hãy để học sinh đã học đánh giá. Có thể sách công nghệ giáo dục còn phải chỉnh sửa cho tốt nhất (vì tinh thần khoa học là luôn phải cầu thị, tự hoàn thiện).
Nhưng phán xử bằng gạch đá, bằng hội chứng đám đông, bằng việc bôi nhọ cá nhân những nhà khoa học nghiêm túc, luôn là hành vi phản giáo dục và tiến bộ.
Để kết thúc bài viết này, tôi bốc máy hỏi 3 người biết rõ GS Hồ Ngọc Đại, với cùng một câu hỏi: Theo anh/ chị, GS Hồ Ngọc Đại sợ điều gì nhất?
Câu trả lời thứ nhất: "Tôi được biết, ông Lê Đức Thọ - Trưởng ban Tổ chức TƯ, khi nằm trên giường bệnh có nói với ông Đại: "Cả đời tôi làm tổ chức cho Đảng, nói ai cũng nghe mà không thể thuyết phục được anh". Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng không thuyết phục được ông Đại giữ chức Thứ trưởng.
Một người đã dũng cảm từ chối chức vụ ngay từ khi du học về, là người đã vượt qua được dục vọng của chính mình. Người như vậy thì khó có điều gì làm ông ấy sợ".
Câu trả lời thứ hai: "Ông Đại không sợ gì cho bản thân ông ấy đâu. Nếu có sợ thì ông sợ Việt Nam luôn chậm chân, lỡ mất thời cơ cải cách giáo dục sâu sắc, triệt để thôi".
Câu trả lời thứ ba: "Sao anh không hỏi chính đám đông chúng ta sợ gì? Tại sao công nghệ giáo dục áp dụng mấy chục năm rồi, mà hôm nay tất cả chúng ta có thể lên đồng vì một bài đánh vần ô vuông ô tròn, một vài câu chuyện, như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua vậy?
Ông Đại không sợ gì đâu. Chúng ta nên sợ về sự hung hãn và thiếu tỉnh táo của mình. Trẻ con sẽ học được gì trong một thế giới mà ai cũng có sẵn trong tay một đám gạch đá, chỉ nghe tiếng động là vung tay?".
Trí thức trẻ