“Gửi 1 triệu là có ý gì?” - Câu trả lời chân thực này cho thấy cái nhìn đầy thực tế và đa chiều
Đối với nhiều người, 1 triệu là cách để từng bước hoàn thiện mục tiêu quản lý tài chính. Nhưng cũng trong suy nghĩ của nhiều người, 1 triệu này vốn dĩ chẳng là gì.
- 20-01-2024Ngừng uống trà ngoài quán, từ bỏ thú vui sắm đồ thú cưng, tôi tiết kiệm được món tiền mà suốt 30 năm chưa từng làm được
- 19-01-2024Gửi tiết kiệm 68 tỷ đồng, 5 năm sau tới rút tiền thì tài khoản còn 100.000 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 100 giao dịch lạ, 1 cá nhân bị bắt giữ
- 17-01-20243 hành vi thái quá khiến bạn từ tiết kiệm trở thành ki kiệt, cuộc sống khổ đau
1 triệu đồng vốn dĩ không phải số tiền lớn - đối với những người đã ở tuổi trưởng thành, tự đi làm và kiếm ra tiền. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của con số này, chúng tôi thấy rằng nó vừa mang khía cạnh cảm xúc, vừa phản ánh một số thách thức trong cuộc sống thực, vừa thể hiện quyết tâm tự chủ về mặt tài chính cũng như tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình. Đây dường như là những ý niệm ít được nhắc tới ở thế hệ genZ - một thế hệ được đánh giá là thừa hưởng nhiều điều kiện lý tưởng nhất từ chính bố mẹ của họ và cả xã hội.
Chúng tôi đã hỏi ngẫu nhiên 3 - 4 người trẻ trong tuổi từ 22 - 25 (sinh năm 2001 đến 1998) - những lớp trẻ đã ra trường và bắt đầu đi làm. Dưới đây là một số câu trả lời với góc nhìn thực tế của họ, hãy cùng khám phá ý nghĩa của việc gửi 1 triệu đồng ngay khi các khoản thu nhập về tài khoản là gì.
"1 triệu đồng = nỗ lực đảm bảo tài chính"
Hầu hết tất cả đều thừa nhận, việc gửi tiết kiệm 1 triệu đồng nghĩa với việc họ không phải lo lắng quá nhiều về những vấn đề sinh kế cơ bản trong cuộc sống. Số tiền này có thể đóng vai trò dự phòng trong những tình huống khẩn cấp, cung cấp cho bản thân (và tương lai là gia đình) một nền tảng tài chính ổn định, cho phép mọi người đối mặt với những biến động khác nhau của cuộc sống một cách bình tĩnh hơn.
Trần Hải Yến (sinh năm 2001, vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho biết, dù mới đi làm được vài tháng nhưng luôn cố gắng cân bằng đều đặn các khoản thu chi để có thể gửi tiết kiệm ít nhất 1 triệu đồng/tháng.
"Trưởng thành vào đúng thời điểm cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, khó khăn chồng chất vì lạm phát kinh tế với mình âu cũng là 1 điều may mắn. Mình nói điều đó không phải để mọi người thấy mình là người tích cực, mà thực sự là như thế. Nhờ có điều đó mình mới nhìn nhận được rõ tác hại của việc không có tiền tiết kiệm là gì để rồi như được 'giác ngộ' và cố gắng kiếm tiền hơn" - Hải Yến cho hay.
Như nhiều người khác, vì mới ra trường nên Hải Yến không quá bị áp lực về việc phải kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Bởi nếu thiếu, cô bạn vẫn có thể xin thêm tiền từ bố mẹ vì khởi đầu lúc nào cũng luôn bấp bênh.
"Có lẽ bố mẹ mình từng 22 tuổi, cũng từng chật vật kiếm tiền nên cả 2 đều không gây áp lực gì cho mình về việc mình phải kiếm được rất nhiều tiền ngay khi ra trường. Nhưng tính tới hiện tại, từ lúc đi làm cho đến giờ mình chưa phải xin bố mẹ đồng nào. Một phần cũng vì nhờ có khoản tiết kiệm riêng mỗi tháng, dư dả thì chưa đến mức nhưng mọi thứ vẫn đủ đầy ở mức mình chấp nhận được" - Hải Yến giãi bày.
Trong khi đó, Hồng Hạnh (sinh năm 1998, hiện đang làm nhân viên truyền thông tại Hà Nội) lại chịu khá nhiều áp lực về tài chính do hoàn cảnh gia đình. Song, Hồng Hạnh vẫn cố gắng duy trì việc chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm ngay khi các nguồn thu đổ về.
"Gia đình mình không có điều kiện nên ngay từ nhỏ mình đã ý thức được về việc tiết kiệm. Chưa kể bây giờ mình còn đang phải lo chi phí sinh hoạt cho em gái ở chung nên áp lực nặng hơn khá nhiều. Nhưng mà mình vẫn duy trì việc tiết kiệm.
Khi còn đi học được học bổng thì mình chia ra, một phần lo học phí, phần còn lại để cất đi. Giờ đi làm thì công việc chính tuy lương không cao nhưng tạm đủ lo cho cuộc sống của mình và phí sinh hoạt cho em gái, không có đồng dư nên mình có đi làm thêm gia sư để gia tăng thu nhập. Công việc này mình vẫn làm từ ngày còn đi học nên khá ổn định. Trả lương theo tuần nên mình sẽ cất đi luôn, vì mình cũng xác định toàn bộ thu nhập từ công việc này là để tiết kiệm mà", Hồng Hạnh nói.
"1 triệu đồng = ý thức lập kế hoạch và đầu tư cho tương lai"
1 triệu đồng mỗi lần chuyển vào tài khoản tiết kiệm có thể không nhiều, nhưng mỗi tháng nhích dần số lần gửi tiền thêm một chút, chắc chắn đến 1 ngày bạn sẽ bất ngờ về chính mình.
Nhìn chung, 1 là con số bắt đầu và 1 triệu đồng cũng có thể là điểm khởi đầu để đạt được các mục tiêu tài chính cao hơn, chẳng hạn như mua nhà, khởi nghiệp và giáo dục con cái, thậm chí là tích lũy để nghỉ hưu sớm... Với số tiền tiết kiệm này, mọi người có thêm tự tin để theo đuổi ước mơ, đầu tư và lên kế hoạch táo bạo hơn, đồng thời nhận ra giá trị của bản thân và hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng chỉ ra rằng việc gửi 1 triệu không đồng nghĩa với việc an tâm tài chính dù hiện tại số tiền trong tài khoản tiết kiệm đã nhiều hơn tới 20 hay 30 lần.
"Trong môi trường kinh tế hiện nay, lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đồng nghĩa với việc giá trị sử dụng của 1 triệu đó bị thu hẹp lại" - Đức Tùng (sinh năm 1999, du học sinh Nhật Bản) thừa nhận.
"Vì vậy, việc lập kế hoạch tài chính cần phải toàn diện và chuyên sâu hơn, có tính đến chiến lược đầu tư và quản lý tài chính dài hạn. Đồng thời, mình cũng cần tính tới khả năng sinh lời của các đồng tiền đã có. Hiện tại, mình chia ra làm 3 ngách để quản lý dòng tiền: 1/3 số tiền mình dùng để mua vàng, 1/3 số tiền tiếp theo mình gửi ngân hàng như lựa chọn ban đầu và 1/3 số tiền còn lại mình dùng để kinh doanh. Cách này giúp mình tích lũy được thêm cả kiến thức lẫn kinh nghiệm, phục vụ cho công việc sau này" - Đức Tùng nói thêm.
Lãi suất kép là tư duy được nhiều người trẻ ngày nay áp dụng trong quá trình quản lý và tích lũy tiền bạc. (Ảnh minh họa)
Tựu trung lại, khoản tiền gửi 1 triệu có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Nó vừa là việc theo đuổi an toàn tài chính, vừa là điểm khởi đầu cho việc lập kế hoạch và đầu tư trong tương lai. Trong quá trình này, mọi người cũng nên duy trì lý trí và nhận ra rằng việc thực hiện tự do tài chính cần phải xem xét nhiều yếu tố.
Tiết kiệm từ 1 triệu đồng có thể là một mục tiêu và hướng đi cụ thể, nhưng sự giàu có thực sự nằm ở việc lập kế hoạch tài chính và thái độ sống toàn diện, bền vững hơn.
Tôi hy vọng những gì được chia sẻ trong bài viết này có thể mang lại tâm trạng tốt cho tất cả mọi người!
Phụ nữ số